Vì sao tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng rơi khỏi top 1.000 của Forbes?

Với 268 gương mặt mới gia nhập bảng xếp hạng, cùng sự lên ngôi của hàng loạt tỷ phú làng công nghệ, bán lẻ, khiến vị trí của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng tụt hơn 100 bậc.

Theo Bảng xếp hạng tỷ phú thế giới 2014 vừa được Forbes công bố, dù có khối tài sản ròng tăng 100 triệu USD trong năm 2013, nhưng tỷ phú đô la duy nhất của Việt Nam lại bị rớt hạng. Năm ngoái, với 1,5 tỷ USD tài sản, ông Vượng và 40 tỷ phú khác cùng chia nhau vị trí tại top 974. Nhưng sang năm nay, dù có tài sản 1,6 tỷ USD, nhưng ông Vượng lại rời khỏi top 1.000, chỉ đứng đồng hạng 1.092 với 52 cái tên khác.

Lý do của việc Chủ tịch Vingroup phải rời khỏi top 1.000 là sự lên ngôi của các tỷ phú công nghệ và bán lẻ trên thế giới. Theo Forbes, phần lớn trong số 268 tỷ phú mới đều là những người hoạt động trong những công ty phần mềm tại thung lũng Silicon, các ông chủ bất động sản tại Trung Quốc, trùm thời trang tại Nigeria và những sếp công ty bán lẻ. Tổng tài sản của những người mới gia nhập là 509 tỷ USD.

Dù những người mới chỉ chiếm một phần khá nhỏ trong con số 6.400 tỷ USD của 1.645 tỷ phú thế giới, nhưng theo cách tính bình quân, mỗi tỷ phú mới muốn gia nhập danh sách của Forbes phải có tổng tài sản gần 1,9 tỷ USD, cao hơn con số mà ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc một phần không nhỏ trong số những cái tên mới góp mặt đều có vị trí cao hơn so với tỷ phú đôla Việt Nam, khiến ông Vượng phải rời khỏi top 1.000.

Đây cũng là năm đánh dấu sự gia tăng đột biến số lượng thành viên tỷ phú trong danh sách của Forbes, nhất là phụ nữ với 172 người. Trong số 268 tỷ phú mới, có 35 người là sếp các công ty bán lẻ, cao nhất trong số các ngành công nghiệp. Sự gia tăng tài sản của hàng loạt sếp công ty phần mềm như 2 sáng lập viên WhatsApp sau phi vụ bán lại công ty với giá 19 tỷ USD cho Facebook, sáng lập viên Twitter, phó chủ tịch hãng bán lẻ Alibaba hay con gái ông trùm Zara Amancio Ortega, cũng khiến rất nhiều tỷ phú phải rời khỏi vị trí cao ban đầu.

Trong khối tài sản trị giá 1,6 tỷ USD của ông Vượng có sự đóng góp lớn của gần 300 triệu cổ phần đang nắm giữ tại Vingroup. Tuy trong năm 2013, thị giá cổ phiếu VIC tăng khoảng 15%, nhưng con số này không thấm vào đâu so với mức tăng giá của hàng loạt ông lớn khác như Yahoo, Alibaba, Google hay Facebook. Đơn cử, nếu Facebook kết thúc năm 2012 mất khoảng 15% thị giá thì đến cuối năm 2013, mạng xã hội này không chỉ lấy lại được mức giá cao ngay sau ngày IPO, mà còn chinh phục những mức đỉnh mới, tăng khoảng 50% chỉ trong 1 năm. Đây cũng là lý do khiến vị trí tỷ phú Việt Nam rơi khỏi top 1.000, bởi Facebook được mệnh danh là công ty sản sinh nhiều tỷ phú nhất năm 2013.