Vì sao Topcare đóng cửa?

Một cán bộ kinh doanh lâu năm của Topcare chia sẻ với Zing.vn, trước khi đóng cửa, Topcare vẫn đang làm ăn tốt. Song đối tác ký gửi hàng hóa thì bị động trước thông tin bất lợi.

Như báo chí đã thông tin, ngày 23/1, đại gia bán lẻ điện máy Topcare bất ngờ đóng cửa một loạt 6 siêu thị tại Hà Nội, gây hoang mang cho chính nhân viên, khách hàng và cả các đối tác gắn bó lâu năm với thương hiệu này. Nhiều đồn đoán cho rằng, sau nhiều biến động, hệ thống bán lẻ này đã gặp khó khăn và không thể trụ lại trên đường đua nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn của thị trường điện máy. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Zing.vn, việc Topcare tạm dừng hoạt động mà chưa đưa ra tuyên bố chính thức, không đơn thuần đến từ việc nhà bán lẻ này gặp khó khăn về thị trường.

Một cán bộ kinh doanh kỳ cựu của Topcare cho biết, hệ thống bán lẻ này đang hoạt động rất tốt trước khi bất ngờ đóng cửa.

Đóng cửa vì cạn vốn?

Một cán bộ marketing - kinh doanh kỳ cựu tại Topcare tiết lộ: "Thực tế, hệ thống vẫn chạy rất tốt cho tới khi gặp vấn đề về vốn, bắt đầu từ khoảng cuối tháng 10/2014 đến nay". Vị này nói rõ hơn, nhận định Topcare gặp khó khăn về thị trường chỉ đúng vào thời điểm này năm ngoái, chứ không phải hiện tại.

Theo đó, giai đoạn đầu năm 2014, trước sức ép cạnh tranh trên thị trường điện máy, Topcare đã đối mặt với khó khăn. Do kết quả kinh doanh không khả quan, đơn vị này bắt đầu nợ vốn từ các nhà cung cấp. Nợ cũ không trả được, nợ mới phát sinh, khiến nhà phân phối lẻ không thể tiếp tục cập nhật hàng hóa từ các hãng cả về số lượng và chất lượng.

Tình trạng trên kéo dài khiến hệ thống đình trệ. Đỉnh điểm thể hiện ở việc về phía nội bộ công ty, các nhân viên lần lượt nhận được thư "nhắc khéo" từ bộ phận nhân sự nên tìm kiếm cơ hội việc làm khác. Còn về hoạt động kinh doanh, hàng loạt chương trình khuyến mãi, hợp tác với nhiều đơn vị đang chạy phải dừng lại.

"Nhưng tới đầu tháng 4/2014, tình trạng khó khăn bỗng dưng đảo chiều, khi chúng tôi nhận được email từ ban lãnh đạo công ty, cho biết Topcare đã được Ocean Group rót vốn. Với nguồn đầu tư mạnh mẽ, toàn bộ hệ thống sẽ được kiện toàn lại", vị này chia sẻ.

Tinh thần của nội dung thông báo được thực hành nhanh chóng bằng việc các chế độ phúc lợi của cán bộ nhân viên phục hồi, những khó khăn về kinh tế dần được tháo gỡ, các chương trình marketing - kinh doanh tái khởi động. "Tuy nhiên, dù được rót vốn mạnh thì mấy chục tỷ tiền hàng được chia ra thanh toán thành từng đợt chứ không thể giải quyết ngay trong chốc lát", cán bộ kinh doanh này tiết lộ.


Topcare từng thay đổi logo giống logo của Ocean Group vào tháng 8/2014.

Tại thời điểm tháng 8/2014, Topcare từng thay đổi logo với chữ O trong tên thương hiệu được thiết kế cách điệu giống logo của Ocean Group, khiến nhiều người đặt nghi vấn Ocean Group đã mua lại hệ thống bán lẻ điện máy này. Tuy nhiên sau đó, Ocean Group phủ nhận thông tin, đồng thời yêu cầu phía Topcare "trả lại logo thương hiệu". Đại diện Ocean khi ấy chỉ khẳng định, Topcare là một trong những đối tác của ngân hàng Ocean Bank (thương hiệu thuộc Ocean Group).

Tháng 11/2014, với việc rót vốn 30 tỷ đồng khai trương siêu thị Topcare số 1 Hoàng Minh Giám (Thanh Xuân, Hà Nội), ông Lê Tùng, giám đốc marketing Topcare tự tin khẳng định, đại gia bán lẻ này chính thức trở lại thị trường với sinh khí mới. Đồng thời, ông Tùng tiết lộ, trong năm 2015, hệ thống này sẽ tiếp tục khai trương nhiều siêu thị khác ở Hà Nội, mục tiêu trở thành nhà bán lẻ điện máy hàng đầu Việt Nam.

Vậy nhưng chỉ 2 tháng sau, một lần nữa Topcare gây sốc không chỉ cho khách hàng mà với cả đối tác và nhân viên, khi bất ngờ đóng cửa toàn bộ các siêu thị tại Hà Nội vào ngày 23/1. Thậm chí, theo chia sẻ của nhân viên bảo vệ siêu thị số 1 Hoàng Minh Giám, địa chỉ này đã ngừng hoạt động từ ngày 15/1.

Phủ nhận luồng suy luận cho rằng, Topcare đã thật sự "đuối sức" trên đường đua đầy cạnh tranh của thị trường điện máy, cán bộ marketing và kinh doanh trên tiết lộ với báo chí: "Tôi không cho là như vậy. Bởi thực tế, các chương trình marketing, kinh doanh vẫn đang được triển khai rất tốt, được các đối tác ủng hộ, tín hiệu thị trường khả quan... Cho tới khi theo thông tin nội bộ, nguồn vốn đầu tư bị cắt. Chúng tôi không thể làm việc tiếp với các đối tác cung cấp khi không có vốn".

Đối tác bị động, gửi đơn tố cáo đòi công nợ

Cũng chỉ tiếp cận được thông tin bất lợi về Topcare qua những biểu hiện bên ngoài, nhiều đối tác cung cấp hàng hóa cho hệ thống bán lẻ này tỏ ra hoàn toàn bị động. Bà Kim Quyên, trưởng phòng Marketing công ty TNHH Cơ điện lạnh và Thương mại Hòa Bình - một đối tác cung cấp hàng hóa cho Topcare, bức xúc chia sẻ, từ tháng 12/2014, công ty Hòa Bình đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu Topcare thanh toán công nợ trị giá gần 700 triệu đồng, nhưng không nhận được thông tin phúc đáp từ đơn vị này.

Sự việc Topcare bất ngờ ngừng hoạt động khiến các đối tác lâu năm cũng bị động.

"Tới khi nắm được những thông tin bất lợi về hoạt động kinh doanh của Topcare, chúng tôi liên tục gửi công văn đề nghị thanh toán công nợ và giải quyết các vấn đề tồn đọng giữa hai bên, nhưng phía Topcare không có bất cứ phản hồi nào. Đại diện ban lãnh đạo Topcare cũng đã thất hẹn với công ty chúng tôi trong cuộc hẹn gặp vào cuối tháng 12", bà Quyên cho biết. Tới ngày 26/1, bất lực trước thái độ giữ im lặng, "cửa đóng then cài" của Topcare, công ty Hòa Bình đã quyết định gửi đơn tố cáo, đề nghị cơ quan chức năng can thiệp.

Việc Topcare chỉ tạm dừng hay chính thức dừng cuộc đua trên thị trường điện máy vẫn là câu hỏi khiến nhiều người tò mò, chờ đợi tuyên bố chính thức về tương lai của hệ thống bán lẻ này.