Vì sao rắn lục xuất hiện ồ ạt ở nhiều nơi?

Theo các nhà khoa học, ngoài việc biến đổi khí hậu, một nguyên nhân quan trọng là các loài thiên địch của rắn như cầy, cáo.. đã dần biến mất do trở thành 'mồi nhậu'.

Vài tháng nay, từ Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam cho đến đến Đà Nẵng, Phú Yên, người dân liên tục bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Tại Đà Nẵng, từ đầu tháng 11, ngày nào cũng có người nhập viện cấp cứu do rắn cắn; tại Phú Yên, riêng trong tháng có tới hơn 40 ca...

Để ứng phó, có địa phương đã phải huy động đến lực lượng công an... Thậm chí, ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An) chính quyền hỗ trợ 20.000 đồng cho người dân đối với mỗi con rắn lục đuôi đỏ bị tiêu diệt.

Trao đổi với giáo sư Đặng Huy Huỳnh (Chủ tịch Hội Động vật học) cho biết, hiện tượng biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ ràng, thời tiết lạnh ít hơn. "Rắn là loài bò sát ưa khí hậu nóng, ẩm. Trời càng nóng lên, rắn ăn uống tốt, sinh sản sẽ nhiều hơn", giáo sư Huỳnh cho hay.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe (Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam) phân tích, trước đây loài rắn này chỉ tập trung ở khu vực Trường Sơn nhưng hiện đã lan ra các khu vực phía Bắc - nơi thời tiết có xu hướng ấm lên trong mùa đông..

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, rắn lục đuôi đỏ là loài rắn độc đặc biệt trong họ hàng rắn lục vì chúng không đẻ trứng mà đẻ con Khi trứng trong bụng rắn mẹ được thụ tinh sẽ hình thành bào thai riêng giống như loài thú. Mỗi lần một con rắn cái có thể sản sinh ra 12 con non, mỗi con ngay khi sinh ra đã có chiều dài khoảng 15-20 cm. Tuy nhiên, trong lúc sinh con, phần bụng của rắn mẹ sẽ bị tách ra và toàn bộ số rắn con sẽ chui ra, sau sinh rắn mẹ cũng sẽ chết. "Vì thế mà loài rắn lục đuôi đỏ khi mới sinh ra đã trở thành con non khỏe. Đặc biệt, trong lúc mang thai cũng là lúc rắn tập trung nhiều lượng độc nhất và hung dữ nhất", tiến sĩ Hòe cho hay.

Lý giải về tại sao loại rắn này liên tục xuất hiện tấn công người dân thời gian gần đây, giáo sư Huỳnh cho hay, rắn thường sống ở những khu vực rừng núi, nhiều cây cối rậm rạp. Tuy nhiên, tình trạng tàn phá rừng khiến rắn không còn nơi trú ẩn nên quay ra tìm về nhà dân.

"Rừng không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là nơi cung cấp các nguồn thức ăn cho rắn sinh tồn. Rừng bị tàn phá, khu vực nhà dân thường có chuột, ếch, nhái, côn trùng... - những thức ăn mà rắn ưa thích - nên cũng là một nguyên nhân lý giải cho việc rắn tìm đến khu vực dân cư sinh sống", giáo sư Huỳnh nói.

Vẫn theo Chủ tịch Hội Động vật học, hiện thuốc trừ sâu, hóa chất được sử dụng quá nhiều. Nguồn thức ăn tại đồng ruộng của rắn trước đây như chuột, ếch nhái, thằn lằn… mất dần. Rắn không phân biệt được ruộng đồng, rừng núi hay nhà dân, cứ nơi nào có nguồn thức ăn là tìm đến.

Vẫn theo Chủ tịch Hội Động vật học, hiện thuốc trừ sâu, hóa chất được sử dụng quá nhiều. Nguồn thức ăn tại đồng ruộng của rắn trước đây như chuột, ếch nhái, thằn lằn… mất dần. Rắn không phân biệt được ruộng đồng, rừng núi hay nhà dân, cứ nơi nào có nguồn thức ăn là tìm đến.

“Một điều đáng chú ý là thiên nhiên có sự cân bằng. Rắn ăn chuột, nhưng cầy, cáo, mèo rừng… lại ăn rắn. Song, những loài thiên địch của chúng đang bị con người tận diệt để làm mồi nhậu”, Chủ tịch Hôi động vật học đưa ra thêm một khả năng lý giải sự xuất hiện ồ ạt của rắn ở các khu dân cư.



Các chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu để trả lời người dân về hiện tượng này. Ảnh: Phạm Hòa.

Thận trọng hơn, tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe cho rằng, các lý giải hiện nay vẫn chỉ là phỏng đoán bởi rắn xuất hiện nhiều, cắn người dân xảy ra ở cả 3 miền. Ông cho rằng, Chi cục bảo vệ môi trường các tỉnh cũng như các cơ quan quản lý cần tìm hiểu nghiêm túc để trả lời người dân yếu tố nào khiến rắn xuất hiện nhiều như vậy.

  "Nếu đổ cho dân phát bờ bụi khiến rắn không còn nơi ẩn nấp thì không đúng vì bờ bụi được phát quang thì đáng lẽ số lượng rắn phải giảm đi", tiến sĩ Hòe nêu quan điểm.

Ở khía cạnh động vật học, tiến sĩ Huỳnh cho biết thêm, các địa phương khi có chủ trương bắt rắn cũng cần trao đổi thêm với chi cục kiểm lâm hoặc sở nông nghiệp, phòng tài nguyên môi trường vì hiện nhiều loại rắn của Việt Nam nằm trong sách đỏ.

Trong khi đó, hoang mang trước việc rắn lục xuất hiện ngày càng nhiều, người dân Đà Nẵng thời gian gần đây đổ xô đi mua sả, nén và củ tỏi về để để phòng rắn vào nhà theo kinh nghiệm của dân gian. Chị Nguyễn Thị Trà (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, sau khi đọc báo thấy rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và cắn người tại Đà Nẵng, chị đã tìm hiểu một số kinh nghiệm dân gian thì được biết, trồng sả xung quanh nhà sẽ không bị rắn vào.

Tương tự, nhiều người khác cũng thi nhau mua củ nén và tỏi về giã ra, rắc xung quanh nhà với để loài bò sát này sẽ sợ hãi, không dám đến gần. Theo lý giải của người dân, sở dĩ rắn lục sợ củ nén, sả và tỏi vì nó chứa nhiều tinh dầu, tiết ra loại mùi cay nên khi ngửi thấy mùi, rắn sẽ tìm cách lẩn tránh ra xa.

Do nhu cầu của người dân tăng cao nên ở các tỉnh miền Trung, các mặt hàng xua đuổi rắn như củ nén, tỏi và cây sả đang rơi vào tình trạng khan hiếm. Theo khảo sát, ở các chợ Đà Nẵng, giá các mặt hàng này đã tăng giá, có nơi đắt gấp rưỡi so với trước đây song luôn ở tình trạng "cháy hàng".

Nguồn Zing News

Ngày 24/11, ông Trần Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng - cho biết, sau khi báo chí đăng tải thông tin, đơn vị đã cử người xuống các khu dân cư tìm hiểu và phát hiện một số con rắn lục đuôi đỏ ở quận Sơn Trà. "Việc rắn lục xuất hiện ở khu dân cư chỉ mới chỉ mới biết qua báo chí, chúng tôi chưa có kế hoạch gì. Nếu sự việc nghiêm trọng như các địa phương khác thì chắc chắn sẽ xin ý kiến chỉ đạo lãnh đạo TP để có phương án xử lý", ông Lương cho biết và khuyến cáo người dân cần phát quang bụi rậm, giữ gìn vệ sinh khu vực và mang các loại bảo hộ lao động cần thiết khi làm việc trong môi trường có nhiều cây, bụi…