Mới trước đó một hôm, trả lời câu hỏi từ mọi người về cái tên Flappy Bird, Nguyễn Hà Đông cho biết (cũng qua Twitter) rằng tên nguyên thủy của trò chơi là “Flap Flap” – tức tiếng vỗ cánh của chú chim trong trò chơi, sau đó mới đổi thành Flappy Bird.
Sau lời tuyên bố tháo gỡ trò chơi đang đứng vị trí số 1 cả trên App Store của hệ điều hành iOS và Google Play của hệ điều hành Android với trên 50 triệu lượt tải về, Nguyễn Hà Đông có giải thích thêm: “[Quyết định này] không có liên quan gì đến các vấn đề pháp lý. Chỉ có điều tôi không thể giữ nó được nữa”. Trả lời nhiều thắc mắc từ cả báo giới và người hâm mộ, Đông cho biết: “Tôi cũng sẽ không bán Flappy Bird đâu, xin đừng hỏi thế” và khẳng định: “Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm game”.
Như vậy chính áp lực dư luận từ nhiều phía đã khiến Nguyễn Hà Đông tạm ngừng cuộc chơi mặc dù theo nhiều thông tin nó đang đem về cho anh không dưới 50.000 đô-la Mỹ mỗi ngày. Áp lực đó có thể là những cáo buộc Đông “mượn” ý tưởng của nhiều người, nhiều nơi khác, Đông dùng “thủ thuật” để đẩy vị trí xếp hạng của Flappy Bird lên và gần đây nhất là chuyện Tổng cục Thuế có ý định “để mắt” tới khoản thu nhập này của Đông.
Tuy nhiên cũng qua các đối đáp trên Twitter, Nguyễn Hà Đông cũng lần lượt trả lời các cáo buộc, ví dụ chuyện lấy hình ảnh trên game Mario hái nấm: “À, tôi không trực tiếp ăn cắp cái gì cả. Làm điều đó là cả một nghệ thuật”. Đông cũng cho biết, không phải anh sợ sự thành công của Flappy Bird mà, “bởi cách mọi người đang sử dụng game của tôi. Họ đang chơi thái quá”.
Có lẽ lý do khiến Nguyễn Hà Đông quyết định gỡ trò chơi Flappy Bird của mình là câu khẩn nài của anh trước đó: “Dân báo chí đang đánh giá quá mức thành công của trò chơi này. Đây là điều tôi chưa bao giờ mong muốn. Xin cho tôi chút bình yên”.