Lộ chiêu?
Theo cách nhìn nhận của nhiều người, The Voice thêm một lần nữa để lộ “chiêu” dàn xếp. Trước đó, việc sắp xếp cho một số thí sinh tàn tật vào thi ở tập thứ hai cũng bị hiểu là nhằm mua nước mắt khán giả. Hay việc để HLV Trần Lập “thất bát” trong tập đầu tiên rồi lại “bứt phá” trong tập tiếp theo cũng nhanh chóng bị các báo mạng “lật tẩy” chiêu bài cắt ghép chứ hoàn toàn không theo thứ tự mỗi đêm thi.
Trong The Voice, các HLV phải mặc một bộ quần áo để BTC dễ... biên tập.
Dự luận tỏ ra bức xúc khi mấy tập liền mà ban HLV đều mặc có một bộ trang phục, khiến cho không khí cuộc thi trở nên cũ và đơn điệu. Thực tế, việc mặc duy nhất một bộ trang phục cũng chỉ là giải pháp “chẳng đặng đừng” để sau khi biên tập, mỗi tập phát sóng vẫn giữ được sự đồng bộ cần thiết mà không xảy ra tình trạng các HLV thay áo nhanh như tắc kè hoa. Điều này cũng lý giải vì sao The Voice tập 1 được ca ngợi lên mây với toàn những tiết mục xuất sắc và những giọng ca gây ấn tượng mạnh. Chất lượng thí sinh giảm dần qua các tập kế tiếp, khiến khán giả hoang mang về những tập phát sóng cuối cùng của vòng giấu mặt. Liệu cuộc thi có giống như một bát bún riêu đầy màu mè bề mặt nhưng ở dưới lại nhạt thếch?
Một số bài báo cho rằng những chiêu trò này khiến cuộc thi mất đi sức nóng tự nhiên, bởi khán giả dường như đã nắm bắt “đường đi nước bước” của ban tổ chức. Thậm chí họ còn cảm thấy như đang bị lừa khi sản phẩm được xem thực chất đã bị cắt xén, sắp đặt.
Đừng tự hào vì không chiêu!
Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu một cuộc thi hoàn toàn không có chiêu trò? Lúc đó, chương trình có thể sẽ như một viên ngọc thô bị quên lãng trong một đống tạp chất mà không khiến ai chú ý. Chuyện này khá phổ biến trong các cuộc thi của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn làng giải trí chưa xuất hiện các chương trình được mua bản quyền từ nước ngoài. Cuộc thi Sao Mai Điểm Hẹn (SMĐH) đang phát sóng có thể được xem là điển hình cho thất bại của một chương trình có chất mà thiếu chiêu. Dù thí sinh đều là những ca sĩ chuyên nghiệp, có tố chất, nhưng cuộc thi hầu như không gây được ấn tượng nào trong công chúng, có chăng chỉ tạo sự quan tâm trong giới chuyên môn. Cùng với SMĐH, nhiều cuộc thi tìm kiếm giọng ca truyền thống cũng đang dần chìm đi như Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Sao Mai…
Sự xuất hiện của thí sinh Lê Minh Mẫn, một blogger nổi tiếng với nickname Robbey, trong đêm thi thứ 3 của The Voice khiến cộng đồng mạng xôn xao
Tuy nhiên, sự thành công của bất kỳ chương trình nào cũng không thể trông chờ vào chiêu trò, mà điều cốt lỗi vẫn là chất lượng thí sinh. Thực tế cho thấy, nhiều chương trình khá ầm ĩ nhưng lại không được đánh giá cao, như Vietnam’s got talent với scandal Quỳnh Anh, Vietnam next top models với scandal kiện cáo vì để lộ thông tin bí mật… Tất cả chỉ tạo được hiệu ứng tức thời, sau đó nhanh chóng bị lãng quên mà không để lại dấu ấn gì.
Đã đến lúc nhà sản xuất không nên tự hào rằng chương trình của mình “sạch”, không chiêu trò nữa. Thay vào đó, họ cần nghĩ đến việc tìm ra điểm nhấn và làm bật lên. Vấn đề còn lại chỉ là chiêu trò như thế nào và đâu là ngưỡng cho việc áp dụng nó. Nếu sự can thiệp của nhà sản xuất chỉ nhằm tăng sự hấp dẫn cho chương trình mà không gây tổn hại gì đến người liên quan cũng như không “bóp méo” suy nghĩ của khán giả, thì sự can thiệp đó hoàn toàn có thể chấp nhận được. Ngược lại, những chiêu trò “bẩn” sẽ rất nguy hiểm, để lại cái nhìn xấu trong công chúng, hay có thể còn “giết chết” tương lai của thí sinh (như trường hợp của Quỳnh Anh trong Got Talent). Dĩ nhiên, quyết định sử dụng chiêu sạch, bẩn ra sao thì phụ thuộc vào đạo đức nhà sản xuất mà thôi.