Giải thích về tiếng nổ trong động đất, TS Đỗ Văn Lĩnh, Phó trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam giải thích: Động đất do vỏ trái đất bị gãy vỡ ra, nên phát sóng năng lượng dưới dạng âm và truyền lên mặt đất nghe có tiếng nổ.
Trong môi trường không khí sóng âm truyền với tốc độ hơn 330m/s, tốc độ truyền của sóng âm phụ thuộc vào môi trường rất lớn.
Khi ở gần tâm động đất, nghe tiếng nổ với rung chuyển xảy ra gần như cùng lúc. Ở xa tâm rung lắc được cảm nhận trước, còn tiếng nổ nghe sau, hoặc không nghe được, chỉ cảm nhận sự rung lắc của mặt đất.
Năm 2001, khi nghiên cứu động đất ở Điện Biên Phủ, TS Lĩnh kể đã chứng kiến rõ điều này. Đầu tiên thấy mặt đất bị chao đảo, rung lắc, rất chóng mặt, một lúc sau mới nghe tiến nổ như “bom” dội tới. Tiếp sau đó cón nghe tiếng nổ từ xa ì ầm song mặt đất không hề chao đảo.
Điều đó cho thấy có một số dư chấn kèm theo, cường độ nhỏ năng lượng sóng địa chấn tới vị trí cảm nhận đã không đủ, song sóng âm đủ sức truyền gây cảm nhận.
Tiếng nổ to, nhỏ trong động đất phụ thuộc vào độ sâu của tâm, môi trường đất đá cùng với cường độ giải phóng năng lượng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sạt, trượt lở núi, sụp lún hang động… có tiếng nổ hoặc động mạnh, nhưng không phải động đất.