Từng làm công nhân cho xưởng bún của bà P hơn 10 năm, ông N.V.H (56 tuổi) ngồi kể lại cho chúng tôi nghe về “sếp” của mình trong những năm tháng ông được làm việc cùng bà P.
Với vẻ mặt hào hứng, ngưỡng mộ, ông H kể về bà P như một thần tượng trong cuộc sống. Bà P luôn xem công nhân của mình như những người bạn, người anh em trong gia đình.
Những lần thấy ai trong xưởng có hoàn cảnh khó khăn hay đau ốm, bà đều động viên và giúp đỡ bằng tiền mặt.
Hay những ai không có hoàn cảnh để lấy vợ, lấy chồng, bà P cũng đều tự đứng ra lo tất cả mọi thủ tục cho họ. Sau đó còn cho họ vốn để làm ăn và tạo công ăn việc làm cho họ.
Không chỉ tiền mặt và tài khoản ngân hàng, bà P còn sở hữu rất nhiều bất động sản. (Nguồn ảnh: Internet)
"Bà P làm việc còn hơn đàn ông. Tui làm cho bà ấy hơn 10 năm nên cũng hiểu được phần nào. Mỗi lần vào xưởng thấy công nhân chúng tôi làm thì bà ấy cũng vào làm. Nếu nhìn thấy công nhân mệt, đổ mồ hôi…thì bà ấy kêu ra ngồi nghỉ một lúc rồi hãy bắt đầu lại." - ông H vui vẻ nói.
Nếu ai làm không đúng công việc của mình thì bà P nói nhỏ nhẹ chứ không mắng chửi bao giờ. Nếu ai lỡ may làm hư hàng hóa, bà P tận tình hướng dẫn, khuyên nhủ, chỉ cho từng cách rất tỉ mỉ. Những lời khuyên nhủ ấy, một lần, hai lần đến lần thứ ba nếu còn tái phạm, bà P sẽ gọi vào tính lương rồi cho nghỉ việc. Nhất là những người không chịu làm việc, suốt ngày trốn tránh.
Ai có gì là bà P nói ngay không để bụng, nhưng nói xong bà ấy không nghĩ gì. Mặc dù đuổi việc công nhân nhưng khi biết họ gặp khó khăn, bà P vẫn tìm mọi cách để giúp đỡ họ.
"Hồi tôi nghỉ, có mấy người bạn đang làm ở đó, do làm lâu một số người cứ có tính ỷ lại, lười biếng nên bà P cũng cho nghỉ luôn. Bà chỉ trân trọng những người cần mẫn, thật thà." - ông H cho biết thêm.
Bà P là người rất dứt khoát, đối với công việc bà ấy nói một là một, hai là hai chứ không bao giờ úp úp mở mở.
Ông H nhớ lại từng lời bà P khi nhắc nhở những người công nhân “làm thì phải làm cho xứng đáng, làm cho thật thà, đừng bao giờ làm dối trá, không chỉ một người không tin tưởng mà còn nhiều người khác nữa. Mình làm ăn lâu dài với nhau chứ không phải một ngày hai ngày. Và không chỉ làm việc ở đây mà sau này mình còn làm nhiều công việc khác nữa.”
"Những ngày đất nước còn chiến tranh, những người nào bị bắt, nếu biết được anh em bà P đều bỏ tiền ra chuộc họ về rồi cưu mang, bao bọc. Hồi đó, tui cũng đã một lần bị bắt nhốt trong trại nhưng đã được anh em bà P bỏ tiền ra chuộc về rồi lo cho công ăn việc làm” - Ông H xúc động nói.
Với những người anh em trong gia đình, bà P cũng rất rõ ràng, những gì không vừa ý là bà P nói thẳng. Chính điều này nhiều khi đã gây nên những cuộc xích mích với những anh chị em trong gia đình.
Đang vui vẻ nói chuyện, chợt ông H trầm ngâm: "Hôm trước ngày bà P mất, tui có gặp bà ấy trên đường, nhìn từ xa bà ấy đã cười rất tươi với tôi và còn nói chuyện rôm rả với những người xung quanh. Tui thấy bà ấy rất khỏe mạnh nhưng không hiểu sao bà ấy lại ra đi đột ngột như vậy. Cả xóm biết tin, ai cũng buồn và thương tiếc."
Bà P là người ngoại giao rất giỏi, cũng một công việc những người khác làm không được nhưng với tài năng và cách nói chuyện của bà P thì lại được phía đối tác họ tạo điều kiện và vui vẻ hợp tác. Những hợp đồng làm việc, nếu chắc ăn thì bà P mới đầu tư, còn không thì nhất định bà P từ chối và không bao giờ hối tiếc.
Thường ngày, bà P rất hiền lành, tốt tính, cho đến cuối cuộc đời cũng chỉ biết lo làm ăn. Mặc dù là người “đầu tắt mặt tối” với công việc và là người giàu có nhưng với những người nghèo, bà P cũng rất thân thiện và hòa đồng. Hàng xóm có chuyện gì bà P cũng có mặt để chia sẻ, động viên và giúp đỡ vật chất với họ.
Từ ngày bắt đầu sản xuất bún để kinh doanh, những xưởng bún do bà P quản lý không hề bị thua lỗ.
“Hồi mới giải phóng, bà P làm bún chung với người anh cả, ông H.C.K (đã qua đời). Sau khi mẹ bà P mất thì mới tách riêng. Những năm đất nước mới giải phóng, việc nhập nhiên liệu về gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đi thu mua gạo. Lúc đó, bà P phải trực tiếp xuống tận các tỉnh miền Tây mua từng túm gạo, gom lại rồi chở về Sài Gòn sản xuất. Từ việc thu mua gạo đến khi bún ra lò để cung cấp cho người tiêu dùng phải trải qua không biết bao nhiêu giai đoạn nhưng việc kinh doanh của anh em bà P vẫn có lời và đứng vững trên thị trường”. Ông H cho biết.
Ông Bảy, một người bảo vệ tại CLB Cầu lông Lan Minh của bà P cho biết, không chỉ là một người kiên định trong công việc, bà P rất thương chị L (con gái nuôi bà P). Trước khi bà ấy mất, chúng tôi cứ tưởng cô L là con gái ruột của bà ấy. Vì cho đến năm cô L 22 tuổi, bà P vẫn nhất quyết không cho con gái chạy xe, sợ có chuyện gì. Những lần đi đâu thì phải có tài xế đưa rước bằng xe ô tô, không thì bà ấy sẽ tự đưa đi chứ không cho đi một mình.
Ngày bà P còn sống, bà P chỉ mong chị L được học hành đến nơi đến chốn. Sau khi đi du học ở Đức về, bà P sẽ cho chị L sang Singapore học thạc sĩ chuyên ngành luật để về thay bà “gánh vác” con đường kinh doanh. Thế nhưng, tâm nguyện của bà chưa thực hiện được thì bà đã đột ngột ra đi.
Kết thúc câu chuyện, ông H mắt ngấn lệ chia sẻ: "Một "đại gia" có khối tài sản rất lớn, nhưng những gì bà P thể hiện khiến chúng tôi vô cùng trân trọng. Chỉ hy vọng vụ việc 'giành giật' khối tài sản của bà sớm kết thúc để vong hồn bà được thanh thản".