Trong mắt nhiều người dân, hình ảnh lực lượng CSGT đang bị gắn liền với những hành vi giao tiếp, ứng xử thiếu văn hóa, hành vi quan liêu, tham nhũng, thái độ hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà khi xử phạt vi phạm giao thông của người dân... Nếu không có biện pháp khắc phục, hình ảnh CSGT không còn là người giúp dân hiểu luật pháp, đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà chỉ là để xử phạt người dân.
Hình ảnh CSGT "xấu xí" trong mắt người dân
Những hành động hành hung người dân chỉ là giọt nước tràn ly khiến cho hình ảnh CSGT trở nên "không thể chấp nhận được". Trước đó, nhiều người dân đã than phiền về tư cách, thái độ làm việc "bề trên", cũng như trong lúc xử lý vi phạm không rõ ràng, đặc biệt là việc nhận mãi lộ của một bộ phận CSGT. Chị Nguyễn Vân Anh (34 tuổi, ngụ tại Củ Chi, TP.HCM) cho biết: "Nói thật là CSGT nơi tôi đang sinh sống chẳng thể đem lại sự thiện cảm cho người dân. Mỗi lần thổi phạt người vi phạm giao thông, họ nói năng rất "bề trên", xem người dân chẳng ra gì. Họ nắm quyền xử phạt trong tay, nên cứ nghĩ mình là ông trời vậy. Thật chẳng biết đến khi nào mới thay đổi được nữa".
Anh Hoàng Lê Minh (26 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình) kể lại: "Tuần trước, khi tôi đang trên đường từ công ty về nhà, dừng xe trước đèn đỏ thì một anh CSGT bước ra bảo tôi dắt xe vào vỉa hè làm việc. Lúc đó tôi biết chắc do xe mình không có gương nên bị phạt, nhưng chợt nhớ mình không mang theo giấy tờ xe, nên nói anh CSGT đợi 15 phút, tôi gọi người nhà mang ra, nhưng anh ta không đồng ý còn nói: "Nhà anh ở Thanh Hóa tôi cũng phải chờ à? Bây giờ tôi giữ xe anh 15 ngày, sau 15 ngày anh lên kho bạc nộp phạt 600 nghìn". Sau một hồi năn nỉ, anh công an hỏi tôi bây giờ tự nhận lỗi gì. Tôi trả lời xe mình không có gương chiếu hậu. Nhưng anh công an lại gạt phăng nói: "Không được, đang phạt 600 nghìn mà lỗi ít thế này thôi à". Hồi lâu sau, anh ta bảo tôi đưa cho anh ta 200 nghìn đồng, không quên kèm theo tập hồ sơ dày cộp để tôi kẹp tiền vào".
Không chỉ mất thiện cảm trước người dân ở thái độ "bề trên", hoặc lén lút nhận tiền mãi lộ ngay trên đường. Hình ảnh một CSGT đeo kính đen, bụng phệ, đang giờ làm việc mà xách cả xe tuần tra vào quán nhậu, hoặc thập thò núp sau những chỗ khuất tầm nhìn cũng khiến không ít người cảm thấy khó chịu. Ông Phạm Văn Hồng (45 tuổi, ngụ quận 4) cho biết: "Theo tôi thì những hình ảnh không đẹp không phải là của tất cả CSGT, đó cũng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng dù có thế, thì đúng là không thể nào có ấn tượng tốt về CSGT được. Thứ nhất, các anh là CSGT sao các anh không đường đường chính chính đứng ra những nơi dễ thấy để điều khiển giao thông, mà phải đứng ở góc khuất "rình" người dân để phạt. Thứ hai để được người dân tôn trọng thì các anh đừng nhận mãi lộ. Tôi luôn mong các anh CSGT đừng làm xấu hình ảnh của mình trong mắt người dân, vì các anh là hình ảnh đại diện cho pháp luật".
Đồng quan điểm trên, anh Hoàng Vinh, 34 tuổi (ngụ huyện Bình Chánh) phát biểu: "Nhiều khi đi trên đường, tôi bắt gặp các anh CSGT chở nhau phóng vèo qua trước mặt, hoặc cũng lấn tuyến như ai. CSGT cà kê quán xá thì cũng chẳng sao, không phải CSGT thì không có quyền đeo kính đen, ngồi gác chân lên ghế trong quán nhậu. Đạo đức, tư cách nhiều khi cũng không chỉ có thể đánh giá qua cách ngồi, cách uống nước. Nhưng đó là khi các anh không còn ở trong giờ làm việc, và đã thay thường phục. Còn một khi các anh còn khoác trên người bộ quần áo đồng phục, mang theo cả những chiếc xe tuần tra, khiến mọi người đều nhận ra mình, thì làm ơn giữ hình ảnh cho mình, để chúng tôi không thấy hình ảnh các anh chỉ ngày càng tệ hại hơn. Đây là điều không chỉ CSGT mà mọi ngành nghề cũng sẽ đều cần phải làm như vậy".
Không chỉ chia sẻ những suy nghĩ về hình ảnh CSGT, anh Hoàng Vinh còn bày tỏ mong muốn hình ảnh của người CSGT sẽ được thay đổi trong tương lai: "Tôi cho rằng không phải tất cả CSGT đều mất thiện cảm như vậy. Và một phần cũng do nhiều người vi phạm có những hành vi vô văn hóa, kích động khi bị xử lý, khiến nhiều CSGT không kiềm chế được. Nhưng thực tế, một bộ phận CSGT đang làm xấu đi hình ảnh của ngành trong mắt người dân. Hy vọng trong thời gian tới, ngành CSGT sẽ có những cách thức để chấn chỉnh, thay đổi hình ảnh không đẹp của CSGT trong mắt người dân như hiện nay. Chỉ có thế, họ mới có thể gây dựng lại niềm tin, thái độ tôn trọng của mọi người dân dành cho CSGT".
Một “pha” xử lý vi phạm của CSGT. (Ảnh chụp từ clip)
"Tập cười" là chưa đủ
Sự kiện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM (PC67) mở lớp tập huấn "Văn hóa ứng xử, đạo đức tác phong của chiến sĩ cảnh sát" cho 1.500 lượt cán bộ, chiến sĩ về văn hóa ứng xử đang nhận được nhiều sự đồng thuận từ dư luận người dân, các chuyên gia. Thạc sỹ Huỳnh Thanh Phương, chuyên gia nghiên cứu quản lý đô thị tại TP.HCM bày tỏ quan điểm: "Chương trình tập huấn của công an TP.HCM đang được tôi và nhiều người đặt cho cái tên mới là "gieo nụ cười sẽ gặt được sự thân thiện, gần gũi". Tôi và nhiều người dân đã mong chờ hành động thiết thực này từ lâu lắm rồi. Bởi, hình ảnh CSGT từ lâu trở nên "xấu xí" trong mắt người bởi những "con sâu làm rầu nồi canh". Với việc này, tôi tin rằng người dân sẽ cùng CSGT chung tay làm cho môi trường trật tự đô thị an toàn hơn".
Theo Thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng PC67 cho biết, 1.500 cán bộ, chiến sĩ được tập huấn trong 1 tuần (từ ngày 8 đến hết ngày 15/4) về tâm lý học, cách ứng xử phù hợp, đúng đắn đối với các trường hợp xử phạt vi phạm say xỉn, nổi nóng hoặc có lời nói xúc phạm, hành vi kích động... Tại chương trình, các chuyên gia sẽ chỉ rõ những mặt tồn tại "cố hữu" của nhiều CSGT khi tham gia xử phạt giao thông như hành vi ứng xử thiếu văn hóa, quan liêu, hách dịch, tham nhũng để hình ảnh CSGT sẽ trở nên thân thiện hơn, đúng nghĩa là "vì nhân dân phục vụ". Bởi xét cho cùng, nhiệm vụ của CSGT là giúp người dân hiểu pháp luật để không vi phạm giao thông chứ không phải lợi dụng điều này để trừng phạt dân.
TS. Nguyễn Công Thoại, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng việc PC67 mở lớp tập huấn giúp CSGT biết cười, biết xin lỗi người dân là việc làm cần phải thực hiện liên tục và lâu dài. Sau khi kết thúc chương trình tập huấn lần này, PC67 cần phải mở thêm các chương trình tập huấn về việc cách ứng xử có tình có lý với người dân khi tham gia xử phạt. Nhưng mục tiêu xa hơn của các chương trình này là giúp cho người dân có lòng tin vào những người thi hành công vụ chứ không phải tìm cách để đối phó.
Đồng tình với quan điểm trên của lãnh đạo PC67, nhiều chuyên gia về quản lý giao thông tại TP.HCM cho rằng mục đích của lớp tập huấn là vô cùng cần thiết. Nhưng các chuyên gia cho rằng một vài lớp tập huấn là chưa đủ để cải thiện hình ảnh CSGT. Để xây dựng được hình ảnh đẹp, thân thiện, có văn hóa, người CSGT cần phải có nghiệp vụ, kỹ năng tốt, thái độ thân thiện và phải được đào tạo kỹ từ trong nhà trường và được giám sát khi thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, bản thân mỗi CSGT cần phải biết cách bài trừ các hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Chỉ khi làm được những việc này thì hình ảnh CSGT mới đẹp lên và việc xử phạt giao thông sẽ không còn nhận được sự chống đối của người dân.
Lực lượng CSGT bị "chống lại" nhiều nhất! Tại buổi tọa đàm "văn hóa giao tiếp, ứng xử" do Cục CSGT đường bộ - đường sắt tổ chức mới đây, đại diện CSGT các tỉnh, thành cho biết những năm qua, trên mặt trận đảm bảo trận tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT bị "chống lại" nhiều nhất. Nguyên nhân một phần là do hành vi ứng xử thiếu văn hóa, chưa đúng mực của CSGT. |