Viện KSNDTC là cơ quan tiếp nhận tin báo bị bức cung
Tháng 11/2013, sau khi ông Nguyễn Thanh Chấn được tạm tha khỏi trại giam Vĩnh Quang (tỉnh Vĩnh Phúc), có nhiều chuyên gia pháp lý đã đặt vấn đề cần khởi tố vụ án dựa trên thông tin ông Chấn cho rằng mình bị bức cung, nhục hình.
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp trả lời báo chí cho rằng, với thẩm quyền của mình, Viện KSNDTC có thể thanh tra để làm rõ vụ việc. Tuy nhiên, cũng theo ông Thảo, việc tách ra thành một vụ án riêng để điều tra sẽ sớm có kết luận rõ ràng. “Điều tra có thể tìm ra hành vi phạm tội hoặc không. Vì thế, để Viện Kiểm sát dễ làm việc thì tốt nhất là khởi tố vụ án, sớm kết luận về vụ việc", ông Thảo nói.
Theo quy định của Luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát sẽ là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thông tin tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp. Ở vụ việc này, thông tin của ông Chấn về việc trong quá trình tạm giam ông ta đã bị ép ký vào các bản cung, bị đánh, phải “tập thực nghiệm hiện trường như tập kịch”… chính là tin báo tội phạm.
Cũng theo quy định của pháp luật, sau khi nhận các tố giác, tin báo về tội phạm, Viện kiểm sát phải chuyển các thông tin đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Luật tố tụng hình sự, điều 103 cũng ghi rõ: “Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Trong trường hợp sự việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác và tin báo có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”.
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp.
Vậy, đã hơn hai tháng kể từ khi ông Chấn cung cấp các thông tin bị ép cung, tại sao quyết định khởi tố vụ án vẫn chưa được ban hành?
Liệu vụ việc có bị “chìm xuồng”?
Lý giải vấn đề này, một luật sư cho rằng, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ: Ngày nào được xác là ngày Viện KSNDTC bắt đầu chuyển các thông tin tố giác tội phạm đến cơ quan điều tra. “Tháng 11/2013 có thể coi là thời điểm bắt đầu có thông tin tố giác tội phạm, nhưng có thể ngày 25/1/2014, khi ông Chấn chính thức được minh oan, thì Viện mới chuyển các thông tin này đến cơ quan điều tra. Vì thế không thể coi mốc tháng 11/2013 là thời điểm để tính thời hạn hai tháng như pháp luật quy định” – vị luật sư này cho biết.
Một người thân của ông Chấn cho biết, sau khi được Bộ Công an trao quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can vào ngày 25/1 vừa qua, hiện ông Chấn đang tiếp tục làm việc với Viện KSNDTC để làm rõ có hay không chuyện các điều tra viên ép cung, dùng nhục hình.
Vị thân nhân này cho biết các buổi làm việc diễn ra tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn. “Cũng có khi chú Chấn và gia đình được mời lên làm việc tại Viện KSNDTC ở Hà Nội” - người này cho biết.
Về phía các cá nhân liên quan đến vụ việc trong ngành Công an, khi giải trình, đều phủ nhận việc ép cung, đánh đập ông Chấn để ông này nhận tội giết chị Nguyễn Thị Hoan 10 năm trước.
Bảy cán bộ công an phải làm tường trình gồm các ông: Thái Xuân Dũng, Lê Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyến, Ngô Đình Dung, Trần Nhật Luật, Đào Văn Biên, Nguyễn Trung Thành.