Ôm nỗi ê chề, nhục nhã gần 4 năm qua, đến nay bà Lanh mới giành lại được công bằng sau nhiều năm kiên nhẫn chờ đợi.
Bà Phạm Thị Lanh (SN 1954, ngụ ấp Bình Chánh, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) vốn là một người bán bánh mì ở chợ Bình Thành, quanh năm yên phận nghèo nuôi nấng 2 con sau khi chồng qua đời. Những tưởng cuộc sống bình yên sẽ đến với 3 mẹ con nhưng nào ngờ, sóng gió cuộc đời nổi lên khiến cuộc sống của bà thay đổi.
Hành hung người giữa chợ
Vụ việc của bà Lanh xảy ra từ tháng 7/2009 nhưng dư chấn của nó còn để lại cho đến ngày nay, nhất là khi TAND huyện Thanh Bình vừa đưa vụ việc ra xét xử. Bà Lanh và 2 chị em bà Phạm Thị Duốt (SN 1960) và bà Phạm Thị Ẩm (SN 1967) vốn có mối quan hệ thông gia từ trước nhưng không mấy hòa thuận.
Bà Lê Thị Tuyết Nga (SN 1959) là người góp tiền chợ ở chợ Bình Thành. Vốn có mâu thuẫn với nhau nên bà Nga thu tiền chỗ bán bánh mì của bà Lanh nhiều hơn những người khác. Việc này dẫn đến bà Nga và bà Lanh thường xuyên lời qua tiếng lại.
Bà Lanh bức xúc trao đổi với PV
Sáng ngày 26/7/2009, bà Nga kiếm chuyện chửi bới bà Lanh và hai bên xảy ra to tiếng giữa chợ. Lúc này bà Ẩm đi chợ ngang qua, vốn đã có xích mích từ trước nên cũng tham gia vào cuộc cãi vã. Bà Ẩm và bà Nga lao vào đánh, nắm tóc kéo bà Lanh té xuống sạp tạp hóa gần đó. Trong khi 3 người đang giằng co thì bà Duốt đi chợ ngang qua thấy bà Ẩm là em mình đang đánh nhau liền xông vào tương trợ.
Trong khi bà Lanh cố gắng chống cự với 2 người đàn bà, kẻ nắm tóc, kẻ cào mặt thì bà Duốt sấn tới nắm quần bà Lanh tụt xuống trước sự chứng kiến của nhiều người trong chợ. Lục Thành Nam (SN 1984) là con ruột của bà Nga cũng chạy đến tham gia đánh bà Lanh. Sự việc làm huyên náo cả khu chợ. Chỉ đến khi chị Mai Thị Được (SN 1966) cùng một số người buôn bán gần đó chạy đến can ngăn và kéo quần lên cho bà Lanh thì người đàn bà tội nghiệp mới được giải vây.
Sau khi thoát được sự hành hung của nhóm người trên, bà Lanh bỏ chạy về nhà thì những đối tượng này còn rượt đuổi đến tận cửa để chửi bới và dọa nạt. Sau khi trấn tĩnh lại, bà Lanh mới đến phòng khám tư nhân gần đó để điều trị những vết thương trên người. Thấy sức khỏe không ổn, bà tiếp tục đến Bệnh viện Đa khoa xã Bình Thành điều trị 13 ngày nữa mới hoàn toàn bình phục.
Sau khi vụ việc xảy ra, bà Lanh không còn mặt mũi nào ra chợ buôn bán nữa trước những lời xì xầm bàn tán nên phải bỏ việc một thời gian. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà buộc phải tiếp tục ra chợ để kiếm sống. Tuy nhiên, cuộc sống của bà Lanh chưa thể trở lại bình thường khi những đối tượng hành hung bà vẫn không để bà yên.
“Tôi chỉ muốn được sống bình yên nên cắn răng, nhịn nhục cho qua mọi chuyện. Nào ngờ, họ thường xuyên dọa nạt, hăm đánh tôi lần nữa. Gần nửa năm sau ngày xảy ra vụ việc, họ lại kéo nhau đến nhà tôi để chửi bới, gây sự”. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, quá bức bách, bà Lanh viết đơn gửi TAND huyện Thanh Bình nhờ giải quyết vụ việc.
Một nhân chứng chỉ nơi bà Lanh bị hành hung.
Gian nan tìm lại công bằng
Vụ việc của bà Lanh gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Kể từ ngày đen tối đó, bà Lanh sợ hàng xóm gièm pha, con cái bà cũng ngại nên xa lánh bạn bè. Khi đưa đơn lên tòa án, bà mong đòi lại được công bằng cho mình và mong những kẻ thực hiện hành vi xúc phạm bà phải chịu sự trừng trị của pháp luật.
Tháng 11/2011, TAND huyện Thanh Bình đã đưa vụ việc ra xét xử và buộc các đối tượng đánh đập, lột quần nạn nhân đền bù số tiền 1,6 triệu đồng, tương đương với 2 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và một phần tiền thuốc men, chi phí điều trị khi bà Lanh bị thương. Tuy nhiên, trong phiên tòa này, các đối tượng hành hung bà Lanh đều chối bỏ hành vi vi phạm của mình.
Trong phiên tòa, Phạm Thị Duốt - bị cáo với tội danh làm nhục người khác - vẫn không thừa nhận hành vi làm nhục bà Lanh của mình. Khi tòa tuyên án, bị cáo chỉ cúi đầu và không phản ứng gì. Phiên tòa khép lại với nhiều tâm trạng. Đây là một bài học dành cho những kẻ coi thường pháp luật và xem nhân phẩm, sức khỏe của người khác không ra gì.
Bà Lanh cho biết: “Lúc tòa đưa ra bản án này tôi không chấp nhận. Tại sao hành vi của những đối tượng trên lại chỉ chiu trách nhiệm dân sự”. Không “tâm phục khẩu phục”, bà Lanh lại trình đơn lên TAND và Viện KSND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu xem xét lại vụ việc.
Ngày 9/4/2013, TAND huyện Thanh Bình đem vụ án hình sự làm nhục người khác ra xét xử. Tại phiên tòa, các đối tượng vẫn loanh quanh chối cãi. Bà Duốt không thừa nhận hành vi lột quần của bà Lanh mà khai rằng chỉ kéo chân bà Lanh.
Các đối tượng Nga, Nam, Ẩm cũng không thành thật khai báo trước tòa dù tất cả đều thừa nhận có hành hung bà Lanh. Trước lời tường thuật của nhân chứng và theo kết quả của những phiên xử trước, HĐXX kết luận hành vi phạm tội của bà Duốt là làm nhục người khác, các đồng phạm tham gia đánh bà Lanh cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Sau giờ nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Duốt mức án 6 tháng tù và đền bù về mặt tinh thần cho bà Lanh 3.150.000 đồng. Các đối tượng tham gia đánh đập bà Lanh phải chịu toàn bộ chi phí thuốc men, điều trị trong thời gian bà bị thương và điều trị tại bệnh viện.
Tuy nhiên, sau phiên tòa, bà Lanh bức xúc cho biết: “Tôi vẫn không cam tâm với bản án này. Bà Nga và bà Ẩm là người đánh tôi trước hết, tại sao không chịu trách nhiệm hình sự gì”. Bà Lanh cho biết sẽ tiếp tục kháng án để không bỏ sót người, lọt tội.