Đây là câu chuyện của tôi, nhưng có lẽ chỉ ở những ai sống ở miền quê miền Bắc mới hiểu được bi kịch này.
Tôi năm nay 40 tuổi, là con độc đinh, là cháu đích tôn của một dòng họ lớn. Ngay từ bé tôi đã là giống độc của gia đình. Bởi thế tôi được bảo bọc rất kĩ. Nhưng ông trời vốn có mắt, cái gì càng chăm thì càng trầy trật, còn cỏ dại cứ phơi phới mà lên.
Nhỏ thì tôi bị còi xương bẩm sinh, cóc vàng cả làng chỉ mình tôi được ăn. Lớn một chút thì chạy nhảy gãy tay gãy chân suốt. Lại phải đi bệnh viện làm tiểu phẩu cắt bao quy đầu vì thẳng nhỏ mãi không chịu mở mắt.
Tôi bị ép cưới vợ từ khi mới chỉ hơn 20 tuổi. Và để từ chối lập gia đình sớm, tôi đã phải viện đủ lý do, học đại học, cao học, tìm việc trên thành phố. Năm tôi 30 tuổi, cụ trưởng tộc còn lên thành phố tìm để kéo tôi về quê cho bằng được. Họ chỉ cần tôi cưới vợ, sinh cháu rồi cứ để vợ lại nhà quê, muốn đi đâu thì đâu.
Và tôi đã phải làm thế. Ngay cả chọn vợ tôi cũng không có quyền. Các cụ ở nhà chọn hộ tôi. Đó là một cô gái trẻ khỏe. Chúng tôi cưới nhau và tôi chỉ về quê 1 lần/ tuần một lần để làm tròn nghĩa vụ làm chồng.
Sáu tháng sau, cô ấy vẫn không có thai. Cả họ bắt đầu cuống cuồng tìm lý do. Chế độ bồi bổ của chúng tôi bắt đầu từ đó. Và tôi phải về quê mỗi tuần 2 lần. Nếu không họ sẽ gởi vợ tôi lên thành phố, mà tôi thì không muốn thế.
Thêm nửa năm nữa, nguyên nhân được xác định là do cô ấy. Cả họ họp lại bàn bạc. Ai cũng cảm thấy xấu hổ và không muốn lan truyền chuyện này ra ngoài vì đã chọn phải cô dâu “tịt ngòi”. Quyết định nhanh chóng được đưa ra. Chúng tôi buộc phải ly hôn để tôi lấy vợ mới.
Tôi ngồi nghe mà ngỡ ngàng, hơn 30 tuổi đầu, tôi vẫn không có quyền lên tiếng giữa các bậc cao niên. Vợ tôi vân vê gấu áo ngồi khóc lặng lẽ. Cuộc chia tay của chúng tôi không cãi vã, không hục hặc mâu thuẫn, chỉ giống như những quân cờ theo xếp đặt.
Tôi đã yêu cô ấy. Người đàn bà trẻ tuổi nhưng nhẫn nhịn và dào dạt yêu thương nhất tôi từng biết. Là người không biết đến mail, facebook, điện thoại di động là gì nhưng quá xứng đáng để được yêu.
Tôi không thể phản đối cuộc ly hôn. Trách nhiệm của tôi với dòng họ nặng nề hơn việc cứu rỗi cuộc đời một người phụ nữ. Tôi chỉ biết xin thêm một tháng để ở bên cô ấy. Tôi đã định mang cô ấy lên thành phố, cho cô ấy làm những điều mà một người vợ đáng được làm.
Nhưng cô ấy chỉ muốn ở lại quê. Cô ấy may quần áo cho tôi, đan khăn, áo ấm cho bố mẹ tôi, và đan cả vớ và áo cho đứa con mà có lẽ tôi sẽ có với vợ mới. Mỗi mũi đan là một giọt nước mắt nhỏ xuống.
Khoảng thời gian đó tôi rất năng về quê để ăn cơm cùng vợ. Trước mặt tôi, cô ấy chưa bao giờ khóc nhưng gương mặt cô ấy đau đáu xót xa xám ngắt. Chưa một lần cô ấy oán thán và van xin nhà chồng. Chúng tôi chỉ lặng lẽ ở bên nhau những ngày cuối cùng.
Tôi vẫn còn nhớ như in, vợ tôi nói với mẹ tôi “cho con nấu nốt bữa trưa”. Trưa hôm đó, lần đầu tiên tôi trông thấy cô ấy khóc. Tôi không nuốt nổi một miếng cơm vì nghẹn ngào. Tôi cứ ngỡ câu chuyện này chỉ có đâu đó trong những câu chuyện của Nam Cao hay Nguyên Hồng.
Ngày cưới vợ mới, vợ cũ gửi tặng tôi cặp gối thêu. Có lẽ là chiếc gối ấy đã thấm đẫm nước mắt của em rồi. Rồi sau đó, tôi nghe nói cô ấy rời khỏi làng. Mọi người đồn xôn xao là sẽ chẳng ai lấy cô ấy nữa, vì đã là gái một đời chồng lại còn vô sinh. Tôi muốn tìm lại cô ấy nhưng tìm để làm gì? Có cứu vớt, có mang cô ấy về làm vợ lần nữa không?
Lấy vợ tập 2, tôi sinh được hai con trai, các cụ mừng rỡ mãn nguyện. Tôi cũng mừng vì đã trút bỏ được trách nhiệm lên vai hai con nhỏ. Đã bao giờ tôi được sống nguyên vẹn cuộc đời của mình?
Tôi vẫn nhớ mong vợ cũ, luôn tự hỏi cô ấy đã phiêu dạt đến nơi nào, có vất vả, cực khổ lắm không? Giá như chúng tôi có duyên phận, tôi thề sẽ chẳng bao giờ làm một người đàn ông bất hạnh và bất cần như bây giờ. Bởi chưa bao giờ tôi yêu vợ hiện tại. Có con trai rồi tôi càng dễ phủi tay.
Tết rồi về quê, người ta lại đồn vợ cũ tôi đi biệt tích và ở mãi nơi đất khách quê người. Tôi buồn quá, lặng lẽ đi ra bờ sông. Hình ảnh vợ cũ đứng dưới nắng chiều nheo nheo mắt, tay vẫy nón khi trông thấy tôi. Tôi thấy cô ấy đang khóc. Nỗi nhớ cuộn lên, tôi cứ thế mà khóc như một đứa trẻ.
Nhiều khi tôi nghĩ, chỉ vì hai chữ “đích tôn” mà cuộc đời của ba con người chúng tôi trở nên dang dở. Một người đã phải bỏ đi biệt xứ, một người sống ẩm ương, người còn lại cũng chẳng thể nào được hạnh phúc.
Tôi không biết liệu có phải mình đã biến cuộc đời vợ cũ trở nên bất hạnh không? Tôi muốn đi tìm lại vợ cũ dù chỉ một lần để tận mắt nhìn thấy cuộc sống mới của em như thế nào thì mới thanh thản. Nhưng tôi biết, tôi sẽ bị phản đối. Song dù bị cả nhà phản đối lần nữa tôi sẽ vẫn làm thế.