Hôm qua (23/4), tại ga Hà Nội, sau khi toát mồ hôi đợi đến lượt mua vé, hành khách ngao ngán nhận được những cái lắc đầu “hết vé” của nhân viên. Vé giường nằm hết ở tất cả các tuyến.
Cá biệt như chặng Hà Nội – Huế/Đà Nẵng/Lào Cai, nhân viên trả lời hết cả vé ngồi cứng. Chuyến tàu Vinh – Hà Nội chỉ còn vé ngồi cứng ngày 26/4; ngày 27, 28.4 chỉ còn ghế phụ bằng nhựa.
Việc đi lại dịp 30/4 và 1/5 được dự đoán sẽ rất khó khăn.
Liên hệ một số điểm bán vé dịch vụ hoặc các trang mạng bán vé, chúng tôi đều nhận được những câu “anh đặt vé muộn quá”; “hẹn gặp lại lần sau”. Thậm chí, một địa chỉ uy tín như trang mạng Vé tàu 24h (vetau24h.com), trong nhiều giờ liền nhân viên trực không chịu nhấc máy. Bất đắc dĩ, nhiều người đã tìm đến các cò vé.
Anh Trung Quân (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh đưa vợ con về quê ở Hà Tĩnh được một cò vé ở sân ga Hà Nội để cho một đôi vé về Vinh với giá 1,2 triệu đồng (giá bình thường chỉ khoảng 500- 600 nghìn đồng) nhưng anh không dám mua vì chưa lo được vé ra từ Vinh ra Hà Nội.
Vé xe cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, dự kiến lượng khách qua bến đông nhất trong dịp này khoảng 73.000 người; chủ yếu tập trung ở các tuyến dưới 500km như Hà Nội đi Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hoá, Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Việt Trì...
Trong những ngày này, công ty sẽ điều 2.500 xe thường trực chở khách. Vào những ngày cao điểm, công ty sẽ tăng cường 550 lượt. Cho đến hôm qua, chỉ có duy nhất Công ty Du lịch Văn Minh (chạy tuyến Hà Nội - Vinh) đã bán và hết sạch vé; còn lại chưa công ty vận tải xe khách nào bán vé.
Tuy nhiên, điều đó không làm hành khách bớt lo vì khó thoát được cảnh làm ăn chộp giật, “chặt chém”, nhồi nhét của các nhà xe này. Một chủ xe chạy tuyến Hà Nội – Hà Tĩnh nói thẳng: “Tội gì phải bán, đến ngày đó chỉ cần đỗ xe là có khách ào lên…”. Tất nhiên, tiếp sau đó sẽ là cảnh nhồi nhét, tăng giá.
Trao đổi với PV chiều 23/4, ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội cho biết, để tránh tình trạng bắt chẹt khách, công ty sẽ tiếp nhận thông tin qua hệ thống đường dây nóng: 04.8641467 (Bến xe Giáp Bát); 7685549 (Bến xe Mỹ Đình); 8271529 (Bến xe Gia Lâm). Tuy nhiên, ông Trung cho biết để có cơ sở xử lý các nhà xe, hành khách nên vào bến mua vé lên xe; nếu hành khách bắt xe dọc đường, bến xe rất khó có cơ sở để giải quyết.