Vắng khách Trung Quốc, công ty lữ hành tìm thị trường mới

Doanh thu có nơi giảm 80% trong vòng một tháng do khách Trung Quốc hủy chuyến, doanh nghiệp cũng coi đây là cơ hội để thay đổi chiến lược, phát triển thị trường mới.

Đại diện một công ty lữ hành có trụ sở trên phố Đào Duy Anh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết Trung Quốc lâu nay là thị trường mang lại doanh thu chủ yếu cho đơn vị này. "Cứ 10 khách thì có 8 người đến từ Trung Quốc. Thế mà từ giữa tháng 5 đến nay, chúng tôi chưa đón được đoàn nào, doanh thu vì thế mà sụt mạnh", nữ lãnh đạo này than thở. Công ty đã hoạt động được 5 năm nay, mở văn phòng đại diện ở Bắc Kinh.

Không phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc như đơn vị bạn nhưng với 20% doanh số đến từ khách du lịch nước này, đại diện Công ty Lữ hành Hương Giang (HG Travel) cho biết việc không có khách trong vòng khoảng một tháng nay cũng khiến họ gặp khó. "Đầu tháng 5, lượng khách đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia... đều giảm đáng kể. Sau đó những thị trường khác ổn định trở lại, riêng khách Trung Quốc vẫn vậy", lãnh đạo này cho hay.

Không chỉ có các doanh nghiệp phía Bắc, tại TP HCM, ông Lý Tất Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch-Đầu tư Công ty Du lịch Chợ Lớn cho biết lượng khách tới Việt Nam qua đơn vị này giảm 30-40% so với cùng kỳ. "Công ty vừa phải hủy 3-4 hợp đồng với đối tác Trung Quốc và Thái Lan, mỗi hợp đồng có tới cả trăm du khách. Họ đều nói do ảnh hưởng của căng thẳng Biển Đông", ông nói.

Nếu trước đây một tháng khoảng 120 khách Trung Quốc đến TP HCM thì nay nhiều lắm cũng chỉ 20 người, còn lại chủ yếu là du khách ở các nước Đông Nam Á”, ông Vinh cho hay.

Ở chiều ngược lại, lượng khách Việt Nam đi du lịch Trung Quốc những ngày gần đây cũng sụt giảm mạnh. Đại diện Công ty Viet A Travel (Ba Đình, Hà Nội) cho biết chưa tổ chức được tour nào trong vòng một tháng qua, trong khi hiện là thời gian cao điểm trong năm. "Riêng lượng khách đi Hồng Kong, Macau vẫn giữ mức ổn định", vị này cho hay. 

Không chỉ có hãng lữ hành, việc vắng khách Trung Quốc cũng ảnh hưởng nhiều đến các cơ sở lưu trú. Nhân viên khách sạn Nhật Thảo (đường Bùi Viện, quận I) cho hay, hiện nay lượng khách đến khách sạn chủ yếu là du khách châu Âu. “Những tháng trước, một tuần có 5-10 khách Trung Quốc đặt phòng thì cả tháng nay không có khách nào ghé. Lượng khách đông nhất vẫn chủ yếu từ các nước châu Âu”, nhân viên ở đây nói.

Tại khách sạn Tân Hoàng Long (quận 5), nơi tập trung nhiều du khách Trung Quốc, đại diện đơn vị cũng than thở, trước đây một tháng có khoảng 600 khách đến từ thị trường này thì nay đã giảm một nửa. Ông Dương Duy Mỹ, Tổng giám đốc Windsor Plaza cũng cho biết, căng thẳng Biển Đông khiến khách sạn của ông gặp nhiều khó khăn. Một tháng trở lại đây, 100% lượng khách Trung Quốc hủy đặt phòng. 

Cũng nằm trong khu vực chứa lượng lớn du khách Trung Quốc hàng năm, tại các khách sạn khu vực Chợ Lớn như Thiên Hồng, Bát Đạt, Đồng Khánh cũng chung tình trạng như Tân Hoàng Long. Đặc biệt, tại các khách sạn này nhiều doanh nhân quen thuộc đã hủy phòng và chuyển ra các khách sạn trung tâm thành phố dù giá đắt gấp đôi. Nguyên nhân được họ lý giải là để cảm thấy an toàn hơn.

Chia sẻ về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, từ nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường có số lượng khách đứng đầu du lịch Việt Nam (chiếm khoảng 25% tổng số khách quốc tế vào Việt Nam). Tuy nhiên, thị trường này đang có xu hướng giảm.

Theo đó, lượng khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường bộ qua các cửa khẩu quốc tế như ở tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng thời gian qua hầu như không còn. Các hãng lữ hành Trung Quốc đã thông báo hủy toàn bộ các tour đưa khách nước này vào Việt Nam bằng đường không. Thị trường khách nói tiếng Trung như Hong Kong, Đài Loan cũng khuyến cáo người dân không sang Việt Nam du lịch... Bên cạnh đó, các thị trường du lịch khác cũng có nhiều ảnh hưởng. Một số công ty báo cáo đã có khoảng hơn 30% lượng khách đoàn hủy tour, thị trường Asean có dấu hiệu sụt giảm khách đến từ Malaysia, Indonesia, Singapore…

Để đối phó với tình trạng này, đại diện của đa số các đơn vị đều cho biết đang tìm giải pháp để nhắm tới khách nội địa, tìm kiếm thị trường bổ sung, tiến hành giảm giá phòng, dịch vụ nhà hàng để thu hút du khách trong nước... Tuy nhiên, theo đại diện của hãng lữ hành trên phố Đào Duy Anh (Hà Nội), việc chuyển hướng này cần có thời gian, lộ trình, sự đầu tư, không phải một, hai ngày. 

"Việc đầu tư một thị trường mới chúng tôi đã từng làm, nhưng có khi mất tới 3 đến 5 năm mà cũng không thành công. Hiện nay, các công ty lữ hành trong nước đang phải cạnh tranh khá mạnh với doanh nghiệp đến từ các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản...", vị này cho hay.

Do khó khăn, tiền đặt cọc tại các khách sạn chưa thể thu hồi hết, đơn vị này cho biết đã phải cho một nửa nhân viên nghỉ việc, chỉ giữ lại những phòng ban cơ bản, phục vụ công việc kinh doanh hiện tại. Tuy vậy, lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng từ nay đến cuối năm, thị trường có thể ổn định trở lại. "Do đó, chúng tôi vẫn phải giữ liên lạc, thường xuyên thăm hỏi các đối tác tại Trung Quốc", bà cho hay. 

Trong khi đó, theo ông Tuấn, bên cạnh những giải pháp duy trì quan hệ hợp tác ở mức độ cần thiết với cơ quan quản lý du lịch của Trung Quốc, nhà chức trách cũng đã xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro. Kế hoạch đó bao gồm nghiên cứu phát triển thị trường du lịch quốc tế nhằm khắc phục tác động trước ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời nghiên cứu tổng thể về thị trường này để có những giải pháp phù hợp về lâu dài.

Tại Hội nghị Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch được tổ chức gần đây, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng đề xuất với Chính phủ các giải pháp ứng phó như tạm dừng hoạt động xúc tiến quảng bá tại Trung Quốc, điều chuyển ngân sách quảng bá sang một số thị trường trọng điểm khác để bù đắp sự sụt giảm trên, khuyến khích các tour khuyến mại, kích cầu.

Một số đại biểu cho rằng thời gian tới nên tập trung vào thị trường Trung Đông. Đây là thị trường có thu nhập cao, có tiềm năng nhưng Việt Nam vẫn chưa đầu tư. Ngoài ra cần tăng cường hoạt động quảng bá du lịch trong lòng các thị trường Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc...