Văn hóa chặt chém đã có mặt ở quán ăn Sài Gòn

Tình trạng chặt chém thực khách ở một số quán ăn tại Sài Gòn của người dân tứ xử đổ về đây đang khiến nhiều người có cái nhìn không mấy thiện cảm.

Kinh tế thị trường mở cửa, với tiền đề có sẵn, TPHCM phát triển rất nhanh đã thu hút người dân tứ phương đổ về đây mưu sinh tạo nên bức tranh nhiều màu sắc về văn hóa kinh doanh tại đây.

Trong số đó kinh doanh hàng quán ăn uống thường hay xuất hiện tình trạng chặt chém thực khách, nhiều khách du lịch cũng như chính người dân tại Sài Gòn đôi khi cũng gặp tình trạng “mắc bẫy” kinh doanh của hàng quán nơi đây.

Tham khảo các ý kiến của các thành viên diễn đàn nổi tiếng đều cho rằng, các quán ăn chặt chém lại là các quán ăn mới mở gần đây, không có uy tín và không theo phong cách kinh doanh của người dân Sài Gòn, vốn nổi tiếng vì phong cách phục vụ coi khách hàng đúng là thượng đế.

“Đâu cũng người tốt, kẻ xấu nhưng tôi tin rằng với phần lớn người dân Sài Gòn không có phong cách kinh doanh chặt chém, thực tế của cá nhân tôi cho thấy tình trạng chặt chém ở các quán ăn chủ yếu rơi vào những người ở các vùng quen bán kiểu chửi khách vào mở”, anh Văn Quân, quận 7, nói.

Đồng tình với ý kiến này, anh Trọng Nam đang sống và làm việc tại Hà Nội cho biết, “Trước đây tôi hay có dịp vào Sài Gòn công tác, lưu lại đây làm việc một thời gian cũng đủ để nhận thấy đại bộ phận bà con miền Nam buôn bán rất hiền lành và thật thà.

Hầu hết những quán chặt chém là những người từ nơi khác đến kinh doanh, dưới áp lực chi phí kinh doanh, thuê nhà ở rồi thuê nhà bán hàng, đã khiến họ tìm nhiều cách móc túi người tiêu dùng”.

Anh này còn cho biết thêm: “Đôi khi nhớ hương vị Bắc, tôi tìm đến các quán ăn món Bắc cũng hay dính quán tính tiền quá cao so với những gì được thưởng thức. Không phải nói chê gì miền nào, nhưng quả thật phong cách bán hàng miền Nam không quen kiểu chặt chém vậy”.

Vùng miền nào cũng có người tốt, người xấu tuy nhiên người dân miền Nam được đánh giá cao hơn các vùng khác bởi tính cách thoải mái và văn minh bán hàng hiền hòa, thân thiện hơn.

Hầu hết ý kiến đều cho rằng, hiện tượng bán hàng thiếu văn minh thương mại không phải do người Sài Gòn đã bớt tốt hơn xưa mà là do kiểu bán hàng ở nơi khác du nhập về.

Chị Thu Nhàn nhận xét: “Dân Sài Gòn chính gốc hoặc sinh sống lâu ở Sài Gòn không kinh doanh chụp giựt kiểu đó, hiện tượng chặt chém gần đây mới du nhập”.

Các ý kiến đều đồng tình rằng, kiểu bán hàng nếu cứ chặt chém, thiếu văn hóa thì sẽ bị đào thải nhanh chóng ở đất Sài Gòn, vốn quen với việc được phục vụ chu đáo, đặt khách hàng lên trên hết.

Người Sài Gòn dễ tính, nhưng không bao giờ chấp nhận quán nào coi khinh khách hàng, dù có bán đặc sản hay đồ ngon đến mấy đi nữa.