Nghệ sĩ Văn Hiệp tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1942, quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khóa đầu tiên Đại học Sân khấu - Điện ảnh, cùng khoá Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Từ 1963 đến 1990, ông công tác tại Nhà hát Kịch TW và năm 1990 chuyển công tác sang Cục Văn hoá Thông tin. Nghệ sĩ Văn Hiệp nghỉ hưu từ năm 2002.
Là người Hà Nội gốc, nhưng ông không có cái vẻ công tử phong lưu, mà ngay từ thời trẻ ông đã tự nhận thấy những hạn chế của mình khi bước vào nghề diễn "mặt xấu xí, mắt híp, quần áo chẳng bao giờ là, đầu tóc chuyên một kiểu". Thời gian đầu ông công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam và tham gia diễn xuất trong các vở: cậu bé Sacca trong kịch Nila, Y tá Háp trong vở Đôi mắt, Phi Vân trong vở Hoa pháo, vai Ốc trong vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến…đã để lại trong lòng khán giả nhiều ấn tượng sâu sắc. Rồi ông chuyển sang diễn hài và được đông đảo khán giả yêu mến. Biệt danh “Trưởng thôn Văn Hiệp” đã trở thành cái tên nhận được nhiều thiện cảm trong công chúng, qua seri hài “Gặp nhau cuối tuần” của Đài truyền hình Việt Nam.
Cả đời cống hiến cho nghệ thuật, mang lại niềm vui cho khán giả cả nước, nhưng đến cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn chưa được công nhận bất kì một danh hiệu cao quý nào. Có lẽ, trong thâm tâm ông không hề màng đến những hư danh đó, và với ông được khán giả yêu mến mỗi khi diễn hài và cảm mến con người ông là niềm hạnh phúc to lớn nhất. Có thể nói ông là một người nghệ sĩ chân chính vào bậc nhất, con người và cốt cách của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên noi theo. Dường như, sự cống hiến của người "nghệ sĩ lớn" này là không thể đo đếm, là người luôn tâm niệm "nghệ thuật vị nghệ thuật" chứ không phải "nghệ thuật vị nhân sinh".
Để ghi nhận những cống hiến to lớn ấy của NS Văn Hiệp, hôm qua, Bộ trưởng VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, Bộ đã đề nghị Ban thi đua khen thưởng TƯ xem xét đặc cách phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cho nghệ sĩ hài Văn Hiệp.
Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL về việc phong tặng danh hiệu, giải thưởng cho nghệ sĩ, đến nay đã có 6 đợt phong tặng với 190 nghệ sĩ nhân dân, 1.580 nghệ sĩ ưu tú, 26 giải thưởng Hồ Chí Minh và 125 giải thưởng nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Đã đến lúc việc xét tặng danh hiệu “không nên quá phụ thuộc vào việc báo cáo của người được xét tặng vì không phải ai cũng chịu khó, thiết tha việc làm báo cáo nên dẫn đến việc mất công bằng và không thực chất”.
Theo lý giải của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, ngoài các trường hợp phong tặng theo quy định thông thường, Bộ VH-TT&DL đang xem xét những trường hợp cần có đặc cách. Cụ thể, Bộ đã có văn bản đề nghị Ban thi đua khen thưởng TƯ xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú đối với cố nghệ sĩ Văn Hiệp và danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đối với cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.