Những ngày qua, làng bóng nội nổi lên những tranh luận quanh chuyện cầu thủ đi bar. Nhiều người lên án kịch liệt nhưng cũng có số ít xem đấy là mốt thời thượng và cho là cầu thủ trên 18 tuổi thì có quyền như các cầu thủ Anh vẫn đầy scandal…
Thực tế thì cách bào chữa cho các cầu thủ tuổi dưới 21 như thế khó được chấp nhận, nhất là lại xé rào trốn đi vào ban đêm trong khi hôm sau phải thi đấu với U-21 Sydney (Úc). Tai hại hơn là các cầu thủ đi bar mà lại khoác trang phục của đội tuyển có chữ Việt Nam đằng sau lưng rồi miệng phì phèo thuốc lá, uống rượu mạnh và cặp kè với các em chân dài.
Tôi không đồng tình với cái cách xử lý của ban huấn luyện dù hiểu rằng họ cần những cầu thủ đấy. Có thể là ban huấn luyện vẫn sẽ để những cầu thủ này đá trong đội hình chính dù chắc chắn là thể lực, sức khỏe và tâm lý của họ không tốt nhưng nói như ban huấn luyện thì “cấm họ thì lấy ai mà đá!”.
Tối đến “xé rào” cùng đồng đội đi vũ trường, lại còn mặc áo đội tuyển vào bar. (Ảnh do người hâm mộ cung cấp)
Nói đến chuyện này lại phải nhắc đến chuyện rất cũ nhưng lại là chuyện mà những người lớn cần phải nhìn vào để xem xét trách nhiệm của mình. Đó là hồi chuẩn bị SEA Games 22 - 2003 trên sân nhà khi đội U-23 Việt Nam đá JVC Cup và vướng vào vụ bán độ trong trận thua Perak - Malaysia. Ban huấn luyện hồi đấy cùng với ông Riedl biết rất rõ trước trận thua này một nhóm cầu thủ đi ăn chơi trác táng và chuyện bán độ đấy là do một nhóm cầu thủ thực hiện nhưng khi “trảm” thì chỉ “bụp” mỗi Vũ Như Thành. Việc “trảm” Như Thành hồi đấy được bàn ra tính vào (tất nhiên chỉ những người Việt còn ông Riedl thì sau này được cả một “hội đồng” tư vấn) là “bụp” Thành để làm gương cho các cầu thủ còn lại.
Ai cũng biết là hồi đấy đội tuyển và LĐBĐ VN làm vậy cho tỏ ra nghiêm nhưng không phải là đánh vào đầu rắn. “Dây còn lại” sau vụ “trảm” Như Thành vẫn ăn nhậu, trác táng và đi bar, đi vũ trường hằng đêm.
U-23 bước vào SEA Games 22 không có Như Thành nhưng vẫn có nhiều cầu thủ chi phối và ngoài giờ đá bóng còn là những màn đi “bay” ăn chơi trụy lạc.
Sau trận thắng Malaysia ở bán kết, nhiều người chứng kiến đêm đấy “dây còn lại” rủ nhau trèo tường Trung tâm Huấn luyện Quốc gia 1 - Nhổn rồi bắt taxi đến khách sạn ở Đê La Thành. Tại đấy có người chứng kiến nhóm cầu thủ này thuê phòng rồi đưa cả gái về đấy ăn chơi trác táng. Một nhà báo kỳ cựu thân với ông chủ khách sạn kể lại rằng ông chủ khách sạn không tin vào mắt mình khi nhìn những thứ vương vãi trong phòng vào sáng hôm sau.
Những chuyện đấy ban huấn luyện không thể không biết và ông Riedl thì dù không ở với cầu thủ, không điểm danh cầu thủ nhưng sau này cũng biết chuyện cầu thủ của mình “xé rào” ăn chơi và chuyện án “trảm” thực hiện cho có lệ vì sợ… không có người để đá.
Cũng từ chuyện sợ không có người để đá đấy mà SEA Games sau - SEA Games 23 năm 2005, nhiều cầu thủ U-23 Việt Nam trong đó có cầu thủ thoát án “trảm” JVC Cup 2003 rơi vào vòng lao lý.
Nhắc lại chuyện đó để thấy rằng nếu người lớn “nghiêm” và trung thực ngay từ đầu thì cầu thủ đã không hư nhanh và không lây lan với tốc độ kinh khủng như thế.
Hay chuyện một đội bóng thủ đô vào đá giải ở miền Tây rồi đêm nghỉ tại TP.HCM, một nhóm cầu thủ đã thuê khách sạn ở quận 7 và “lắc” rồi bị bắt về nhưng chẳng bao lâu thì lại có người của đội đến bảo lãnh và xử lý nội bộ.
Có lần tôi trao đổi trực tiếp với cựu tuyển thủ và cũng chính là người đi bảo lãnh cho nhóm cầu thủ đấy thì được nghe: “Xử hết, xử nghiêm thì lấy ai mà đá!”. Nghe thấy thật đau lòng vì chẳng lẽ những cầu thủ đá được đều là những cầu thủ hư.
Những người thầy cũng không đủ dũng cảm để dạy cầu thủ và chấp nhận với những sai số theo sự sa đà, trác táng của cầu thủ.
Bóng đá Việt Nam từng hư nhiều thế hệ vì người lớn không dám dạy cầu thủ do sợ “không còn ai để đá”.
Bây giờ thì ngay chính những thế hệ cầu thủ trẻ tuổi chưa quá 21 cũng hư và cũng lại được xuê xoa qua bản án khiển trách.
Ai cũng sợ nhìn vào sự thật và ai cũng sợ không có cầu thủ để đá thì có khác nào cứ bảo những cầu thủ cứ hư đi, cứ trác táng đi và đã có ông đỡ.
Để kết thúc bài này, xin được mượn lời của nhà báo Huy Thọ khi nói về nỗi lo ở các lò đào tạo: “Ban ngày các em được thầy dẫn ra sân tập luyện nhưng chiều đến khi các thầy về rồi thì nhiều em ở nhiều lò lại tìm đến thế giới riêng không ai chăm sóc. Thế là những em nhỏ học các anh đánh bài, đi vũ trường, rồi có em tập tành cả hút, “lắc”. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ các em ở trong môi trường thiếu lành mạnh mà người lớn bỏ qua phần dưỡng dục cho cầu thủ trẻ”.