Theo dự báo, vải thiều Lục Ngạn năm nay sẽ được mùa và được cả giá. Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho biết: "Thời tiết đầu vụ vải năm nay không thuận lắm, mưa nhiều trong thời gian vải ra hoa và đậu quả nên quả non bị rụng khá nhiều". Tuy nhiên, có thể khẳng định năm nay vùng vải Lục Ngạn được mùa, dù 2 tuần nữa mới vào chính vụ thu hoạch. Năm 2013, sản lượng vải thiều toàn huyện đạt 72.000 tấn, năm nay ước tính đạt khoảng 90.000 tấn, trên 17.500ha trồng vải.
Theo các chuyên gia, vải thiều được xem là mặt hàng "độc", nhiều dinh dưỡng, có tiềm năng tiêu thụ ở những thị trường như Nhật Bản hay châu Âu. Tuy nhiên, vải thiều rất khó bảo quản. Vào mùa hè, trời nắng nóng, chỉ trong một ngày vải đã bị đổi màu, vỏ thâm lại. Sang ngày thứ 2-3, chất lượng quả cũng bị giảm.
Để tăng thời gian bảo quản nhằm xuất khẩu vải thiều sang các thị trường mới như Nhật Bản và châu Âu, thời gian qua, huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KHCN) nghiên cứu, áp dụng công nghệ CAS, giúp bảo quản vải hơn một năm với chất lượng tốt.
PGS-TS Lê Tất Khương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng cho biết: "Viện đang tiếp tục lấy mẫu vải thiều ở Lục Ngạn để nghiên cứu sâu hơn. Bảo quản thành công vải thiều sẽ góp phần tạo thuận lợi khi đưa vào thị trường Nhật Bản và châu Âu, gia tăng giá trị loại quả này".
Trong khi đó, theo UBND huyện Lục Ngạn, tới thời điểm này, hoạt động thu mua vải thiều vẫn diễn ra bình thường. 13 thương nhân Trung Quốc đã sang Lục Ngạn "đặt hàng". Những năm trước, tại đây xảy ra tình trạng thương lái Trung Quốc núp dưới danh nghĩa khách du lịch, vào Việt Nam để thua mua vải thiều rồi về xuất khẩu.
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang - Đào Xuân Cường, mỗi năm khoảng 100-200 thương lái Trung Quốc vào Lục Ngạn để thu mua vải. Toàn bộ giá cả, sức mua, thị trường vải thiều hàng năm cao hay thấp hầu như do chính thương lái nước ngoài quyết định.
Ông Triệu Văn Hội - chủ một trạm thu mua tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn) cho biết mình chỉ là "trung gian" lo việc gọi hàng, thuê người bốc xếp, cân đo. Còn chủ thu mua trực tiếp là người Trung Quốc. "Họ trực tiếp xem hàng, giám sát cân đong, vải đẹp mới lấy, không đạt là loại ra ngay, sau đó đóng thùng chuyển thẳng lên cửa khẩu Tân Thanh", ông Hội nói.
Ông Nguyễn Quang Bách - Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết từ nhiều năm nay, vải thiều Việt Nam không hề được gắn nhãn mác, thương hiệu của Việt Nam. Chỉ cần ra khỏi cửa khẩu là bị lột mác, bóc thùng để gắn thương hiệu vải Trung Quốc.
"Ngay tại vựa vải cũng như ở cửa khẩu, thương lái Trung Quốc không chịu mua hàng đóng gói sẵn mà chỉ mua hàng đóng thùng xốp. Sau đó, họ mang về bên kia đóng gói lại, mang thương hiệu Trung Quốc để bán được giá cao hơn, họ không chấp nhận để chỉ dẫn địa lý của Việt Nam", ông Bách nói. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc hiện cũng trồng khá nhiều vải thiều, nhưng chất lượng kém nhiều vải Thanh Hà, Lục Ngạn của Việt Nam.