Biến xăng thật thành rởm thế nào?
Xăng rởm là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ ô tô, xe máy.
Thời gian gần đây, nhiều vụ cháy nổ ô tô, xe máy diễn ra khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu cháy nổ này do chất lượng xe hay do xăng?
Nhiều phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học đã vạch trần thủ đoạn làm xăng rởm gây ra các vụ cháy nổ gần đây tại hội thảo về loại bỏ tạp chất trong xăng do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng: Các đối tượng làm rởm xăng vì lợi nhuận nhưng cũng không loại trừ khả năng muốn phá hoại an ninh xã hội. Và có một mối liên hệ xâu chuỗi giữa người làm xăng rởm tới người bán xăng. Sản phẩm xăng rất dễ cháy nổ, vì vậy kẻ làm rởm phải có chuyên môn trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Quang Kiên – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Petrolimex cho biết: Việt Nam hiện có 13 đầu mối kinh doanh xăng dầu. Riêng với Petrolimex, chất lượng xăng nhập về của Petrolimex được các đơn vị độc lập kiểm nghiệm. Xăng rởm có thể được pha chế bởi các đại lý, cơ sở bán lẻ.
Theo phân tích của PGS Hùng, xăng là hỗn hợp các hydrocacbon, được chưng cất, chế biến từ sản phẩm dầu mỏ. Nó gồm các hydrocacbon từ C4 đến C12, tỷ trọng: 0,71 đến 0,77 (719,7 kg/m3), nhiệt độ sôi từ 45 đến 2000C.
Xăng cần phải cháy nhanh, hoàn toàn, không còn cặn và không gây kích nổ. Xăng được chưng cất trực tiếp từ dầu mỏ có thành phần chính là isooctan, butan, một số naphthene, các aromat. Xăng chưng cất thường có chỉ số octan thấp (55-65 đơn vị), chỉ số này (RON) thấp sẽ làm cho động cơ dễ bị kích nổ, động cơ nhanh nóng, dễ bị hỏng và ảnh hưởng đến hiệu suất của xe, cho nên xăng thường được thêm một số chất để nâng cao chỉ số RON.
Đối với các động cơ đốt trong thì đòi hỏi chỉ số octan từ 90-95 đơn vị. Một số nước sản xuất ra xăng có chỉ số octan cao hơn (98; 99). Chỉ số này không chỉ nâng cao hiệu suất của động cơ mà còn đỡ gây ô nhiễm môi trường.
Về nguyên tắc trong xăng và dầu không được có nước, với dầu hàm lượng nước phải nhỏ hơn 0,25%.
Các đối tượng làm xăng rởm có thể pha nước lã vào xăng do đó làm cho xe hay bị chết máy hoặc không đi được.
Người mua xăng tại các đại lý lớn có thể an tâm phần nào về chất lượng xăng. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Chung quan điểm xăng bị làm rởm do nhiễm nước, TS. Đinh Ngọc Ân - Trưởng khoa Cơ khí Động Lực, trưởng bộ môn Công nghệ ôtô trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên cho rằng: Các đối tượng làm rởm xăng bằng cách pha vào xăng các chất hút nước như Mono ethylene glycol. Đây là chất lỏng trong suốt, tốc độ bay hơi thấp, hút ẩm, nhiệt độ sôi cao, có mùi nhẹ. Chất này hút nhiều nước sẽ làm tăng thể tích xăng và đem lại lợi nhuận cho người bán.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Kiên – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Petrolimex thì lượng nước trong xăng ở mức cho phép có thể được sinh ra trong quá trình chưng cất xăng và không ảnh hưởng gì đến động cơ.
“Một thủ đoạn nữa của dân làm rởm là xăng được cho thêm dầu hỏa hoặc các hỗn hợp chất tương tự”, PGS Hùng tiếp tục phân tích.
Do dầu hỏa có nhiệt độ sôi cao hơn xăng: 150 đến 2750C, nó gồm hydrocacbon từ C12 đến C15, tỷ trọng d15 là 0,78-0,80, do đó khi pha thêm dầu hỏa vào xăng, nếu ít thì xe vẫn chạy được, nhưng không “bốc”, hiệu suất kém, khi cho nhiều dầu hỏa sẽ gây ra nguy hiểm như máy nóng, hiệu suất động cơ kém, chất thải khói đen nhiều, gây ô nhiễm môi trường và hơi dầu không cháy hết, rò rỉ ra ngoài cũng dễ gây ra hiện tượng cháy xe, khi gặp nguồn nhiệt hoặc tia lửa.
Một thủ đoạn khác làm xăng rởm để tránh sự kiểm tra của các đoàn đi lấy mẫu khi đo chỉ số RON, đó chính là cho thêm vào xăng một số chất oxygenat chẳng hạn MTBE (viết tắt của Metyl tert butyl ete là hợp chất chứa oxy để nâng chỉ số octan tăng lên – PV).
Điều đáng nói là việc cho thêm các chất oxygenat sẽ ảnh hưởng đến sự phát tán hơi của nhiên liệu và hiệu suất chuyển động của xe. Nó làm thay đổi cách thức phản ứng trước khi đánh lửa ở động cơ, nó làm giảm đi hàm lượng năng lượng của nhiên liệu.
Nếu đối tượng làm rởm xăng cho thêm methanol vào xăng với hàm lượng cao như đã phát hiện sẽ làm cho dây dẫn nhiên liệu trương nở nhiều hơn, hơi nhiên liệu và chất oxygenat dễ phát tán ra ngoài.
Khi nhiên liệu bị phát tán ra ngoài, dễ dàng tạo nên hỗn hợp nổ cháy, khi hỗn hợp này nằm trong giới hạn nổ cháy với oxy trong không khí, gặp nhiệt độ cao (của động cơ hoặc do va chạm, chập mạch … sinh tia lửa), nó sẽ cháy, khi bình xăng còn nhiên liệu, lửa bén vào sẽ gây nổ nguy hiểm đến tính mạng.
Đối phó với xăng rởm
TS. Đinh Ngọc Ân- Trưởng khoa Cơ khí Động Lực, trưởng bộ môn Công nghệ ôtô trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên. (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Từ những chiêu làm rởm xăng, TS. Đinh Ngọc Ân chỉ rõ: Các chất phụ gia được cho vào xăng quá mức gây giãn nở và làm hỏng các ống dẫn cao su từ đó rò rỉ xăng, đặc biệt đối với các xe phun xăng sẽ gây cháy, nổ.
Hơn nữa, tác phong làm bừa, làm ẩu và gian dối của thợ bảo dưỡng sửa chữa xe như thay (hoặc tráo đổi) ống xăng rởm, không kẹp chặt ống xăng sau khi tháo ra… cũng là nguyên nhân cháy.
Bản thân người dùng không thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng đúng định kỳ nên xảy ra tình trạng đáng tiếc.
Để đối phó với xăng rởm, ở tầm vĩ mô, PGS Hoàng Mạnh Hùng kiến nghị: Chính phủ giao cho một, hai địa chỉ khoa học nhất định để liên tục kiểm tra, phân tích chất lượng xăng dầu nhập vào Việt Nam, độc lập với các cơ quan xuất nhập khẩu. Không giao nhiệm vụ này cho các bộ ngành trực tiếp quản lý xăng dầu. Cơ quan này cần thường xuyên lấy mẫu kiểm tra, không báo trước tại các đại lý lớn cũng như nhỏ.
PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, Giám định dân sự Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). (Ảnh: Nguyễn Tâm)
Nhà nước cần thành lập lâm thời tổ chuyên gia hỗn hợp, chỉ định phòng thí nghiệm trọng điểm nhà nước để giải quyết nhiệm vụ đột xuất này trong thời gian hạn định. Tổ có nhiệm vụ đi đến hiện trường, khám nghiệm hiện trường, thống kê tình trạng xe cháy, thu thập mẫu, bảo quản và giám định. Hiện nay, cán bộ chuyên trách khám nghiệm cháy nổ ở địa phường còn yếu và thiếu.
Ngoài ra, Chính phủ cần có ngay các Nghị định, thông tư để tăng mức phạt nặng (kể cả hình sự) đối với các cơ sở làm ăn gian dối về xăng dầu.
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khuyến cáo người tiêu dùng không cho bất cứ phụ gia nào như viên tiết kiệm xăng vào bình xăng. Hiện Cục đã niêm phong cũng như không cấp phép cho bất kỳ phụ gia tiết kiệm xăng nào ra thị trường để đợi kết quả nghiên cứu.
Còn TS Ân tư vấn: Người sử dụng xe cần được trang bị những hiểu biết về phương tiện mình đang sử dụng và thực hiện bảo dưỡng xe định kỳ ở những cơ sở có uy tín và được trang bị tốt. Đồng thời các cơ sở này cũng cần lựa chọn thợ và quản lý chất lượng công việc của thợ.
Khi đấu nối thêm các thiết bị phụ phải đúng cách và nên có tư vấn của chuyên gia.Không nên nghe theo thợ mời chào rồi thay, chỉnh hoặc lắp thêm một số đồ rởm v.v.
Trong tình huống xe cháy thì cần nhanh chóng rời khỏi xe và tìm cách dập lửa nếu có phương tiện và điều kiện; đồng thời cũng phải làm đúng kỹ thuật, tránh trường hợp tiếc của lao vào cứu xe có thể bị bỏng và bị thương.