Ưu đãi tín dụng bất động sản: Khó khả thi

Những tưởng sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chính sách giảm lãi suất cho vay, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ "ấm lên". Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau gần một tháng kể từ khi quyết định của NHNN có hiệu lực, thị trường BĐS vẫn trầm lắng.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này. 

Trần lãi suất cho vay giảm nhưng hiện các doanh nghiệp BĐS vẫn khó tiếp cận được nguồn tín dụng, ông đánh giá thế nào về vấn đề này? 

- Tôi cho rằng, việc khó tiếp cận với nguồn tín dụng nằm ở cả 2 phía, là ngân hàng và doanh nghiệp. Về phía ngân hàng, với việc nợ xấu tăng lên đến 10%, nhưng chưa giải quyết được nên các ngân hàng phải có những bước đi phù hợp, tiếp đến mới mạnh dạn cho vay những dự án có tính khả thi, có khả năng mang lại lợi nhuận cho cả 2 phía, đồng thời, không gây ra nợ xấu.

Về phía doanh nghiệp BĐS, hiện hầu hết đang gặp khó khăn ở đầu ra, do thị trường đóng băng trong một thời gian dài. Vì vậy, dù lãi suất ngân hàng đã xuống thấp và điều kiện tiếp cận tín dụng đã tốt lên, song bản thân các doanh nghiệp cũng không biết vay để làm gì khi sản phẩm không tiêu thụ được. Cũng có rất nhiều doanh nghiệp muốn vay vốn nhưng lại thiếu điều kiện để tiếp cận. Với nhóm này phải được xử lý bằng cách cơ cấu lại nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể mua, bán nợ xấu và tạo điều kiện tiếp cận  nguồn vốn tín dụng.

Ngoài ra, còn một nhóm doanh nghiệp có nguy cơ cao sẽ là thành viên tiếp theo trong số hơn 2 vạn doanh nghiệp đã phải tuyên bố giải thể, dừng hoạt động chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2012. Những doanh nghiệp này lại phải xử lý theo một hướng khác, chứ không phải vấn đề giảm lãi suất hay tạo điều kiện cho họ tiếp cận tín dụng.

Trong bối cảnh này, có ý kiến cho rằng, cần hỗ trợ lãi suất cho người mua để tạo đầu ra cho sản phẩm. Theo ông, đây có phải là giải pháp khả thi?

- Thị trường BĐS đang tồn tại 2 nghịch lý, nhiều phân khúc với các căn hộ cao cấp được chú trọng phát triển và giá bán quá cao so với thu nhập của người dân. Trong khi đó, phân khúc bình dân với các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực của đại đa số cán bộ công nhân viên lao động lại ít được quan tâm. Đây là vấn đề mà các nhà quản lý phải tính tới, bởi thực tế người mua nhà đã nhận ra những rủi ro khi họ tiếp cận với những BĐS có mức giá quá cao so với thu nhập. Nếu phải đi vay tiền, cuối cùng họ vẫn là người trả. Đó là chưa kể, nếu người mua chấp nhận vay với lượng tiền lớn vượt quá nhiều lần thu nhập để mua căn hộ cao cấp, thì rủi ro về phía người đi vay rất lớn. Do vậy, đề xuất ưu đãi tín dụng cho người mua cũng không khả thi, nếu không giải quyết tốt vấn đề về giá cả và cơ cấu phân khúc căn hộ.

Nếu áp dụng theo đề xuất này, không chỉ kéo các định chế tài chính, các ngân hàng thương mại vào khó khăn chung của thị trường BĐS hiện nay, mà còn kéo theo một bộ phận không nhỏ người dân rơi vào vòng xoáy nợ nần khi đã mua BĐS với giá vượt quá xa so với khả năng thanh toán.

Lãi suất đã hạ xuống 9%/năm nhưng người dân vẫn gửi tiết kiệm thay vì đầu tư vào các kênh khác. Ông có thể lý giải vấn đề này như thế nào?

- Lãi suất 9%/năm trong bối cảnh lạm phát như hiện nay vẫn là mức tương đối hấp dẫn đối với những người gửi tiền. Chúng ta đang có dự báo khá rõ ràng là lạm phát ít nhất sẽ không tăng từ nay cho tới cuối năm 2012 và nhiều khả năng sẽ giữ lạm phát ở mức một con số. Thị trường BĐS chưa có dấu hiệu "ấm lên". Thị trường chứng khoán khá trồi sụt với tính rủi ro lớn và thị trường vàng và ngoại tệ không còn hấp dẫn nữa. Do đó, tôi cho rằng đánh giá chung về bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng như khả năng hấp dẫn trong đầu tư và mức độ thu được lợi nhuận trong đầu tư, thì kênh tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng vẫn an toàn.

Xin cảm ơn ông!