Nếu bạn hỏi các tay vợt vĩ đại (và xuất sắc nhất) của tennis đương đại, rằng vô địch giải đấu nào là khó khăn nhất trong số bốn Grand Slam, dám cá rằng họ sẽ trả lời là US Open.
Federer vô địch Wimbledon năm 2003 rồi một năm sau nữa anh mới được nếm mùi chiến thắng ở Flushing Meadows, nơi có tổ hợp quần vợt BJK tổ chức US Open. Federer dù cho có năm chức vô địch liên tiếp ở US Open (2004 – 2008), nhưng nơi mà anh giành được nhiều Grand Slam nhất lại là Wimbledon (bảy lần).
Chức vô địch lần đầu tiên và cũng là duy nhất (tới nay) của Rafael Nadal ở US Open là Grand Slam thứ chín trong trình tự thời gian của bộ sưu tập 11 danh hiệu lớn của anh. Thậm chí, Nadal cũng phải chờ tới năm 2010 huyền diệu ấy mới có được chiến thắng đầu tiên trước một (và nhiều hơn) các đối thủ nằm trong top 10.
Federer lần đầu vô địch US Open vào năm 2004
Djokovic cũng hiểu rằng không phải vì US Open diễn ra cuối cùng trong năm mà anh mới có cơ hội đội chiếc mũ thể hiện tình yêu của anh với New York và ôm chiếc cúp đứng giữa Manhattan khoe với cả thế giới vào năm 2011 dù cho anh đã từng vô địch Grand Slam lần đầu tiên năm 2008, tại Australia, khi anh mới 21 tuổi.
Chỉ có Andy Murray mới tìm thấy US Open như một dấu mốc đầu tiên và là cao nhất trên con đường thành tích của mình: Chơi trận chung kết đầu tiên của anh ở các giải Grand Slam là tại New York. Nhưng đây là một chuẩn mực rất khác thường, bởi Andy Murray mãi đến năm 2012 mới cho thấy dấu hiệu anh đang đi đúng hướng (theo quỹ đạo của một tay vợt lớn) sau nhiều năm mà chính HLV của anh cũng không biết “đứa trẻ” này gặp vấn đề gì hay muốn gì.
Lỗi không phải mặt sân
Federer năm ngoái đã phàn nàn mặt sân ở US Open dường như bóng bay chậm hơn, nghi ngờ BTC đã thay đổi chất liệu (hoặc tỉ lệ chất liệu). Nhưng đó thực ra chỉ là một sự ám ảnh, và nếu có sự thay đổi rất nhỏ nào đó thì chỉ là do năm ngoái New York nắng nhiều mưa ít nên sân khô hơn rồi sau đấy lại là một loại sân cứng Deco Turf chuẩn mực.
Mặt sân cứng Deco Turf nhanh hơn mặt sân Plexicushion ở Australian Open, thậm chí còn được mô tả là nó cũng nhanh hơn cả mặt sân cỏ ở Wimbledon gần đây được cải tạo lại theo hướng “chậm hóa”. Nói cách khác, nó chính là mặt sân ưa thích của Federer, người khai thác rất tốt tốc độ để phát huy cú giao bóng và chiến thuật tốc hành.
Nhà Vua sân đất nện Nadal chỉ là một anh phó thường dân trên sân cứng, nhưng nếu nghĩ rằng ai cũng có thể bắt nạt anh thì đó là một sai lầm. Nadal đã đạt được những thành tựu trên mặt sân cứng Deco Turf từ khá sớm. Anh thắng Federer trong lần đầu tiên hai huyền thoại chạm trán với nhau ở Miami Masters năm 2004, vào chung kết một giải Masters đầu tiên cũng ở giải đấu này năm 2005, và chiếc cúp Masters thứ bảy (trong 21 cái) của anh là ở Indian Wells.
Djokovic cũng là một chuyên gia trên mặt sân cứng, rồi gần đây mới hoàn thiện để thích ứng với các mặt sân khác nhau. Lối đánh toàn sân (all court) của anh cũng cần cả tốc độ của mặt sân để khai thác hiệu quả của các đường bóng tấn công.
Vì một truyền thống cạnh tranh khốc liệt
Sân cứng không phải là chất liệu đầu tiên mà những bậc quý tộc ngày trước chơi tennis di chuyển trên đó. Nhưng nó là mặt sân phổ biến nhất và đại đa số các tay vợt qua các thời đại đều coi đó là sở trường, để rồi biến US Open thành giải đấu có tính cạnh tranh khốc liệt, rồi các kỷ lục cũng mang màu sắc khác.
Huyền thoại John McEnroe là một trong hai người hiếm hoi sau Federer giành được nhiều hơn hai chức vô địch liên tiếp ở US Open kể từ kỷ nguyên Mở. Thành tích ba chức vô địch liên tiếp từ năm 1979 - 1981 của ông đã góp phần làm cho một tên tuổi lớn khác của tennis thế giới, Bjorn Borg dù có 11 Grand Slam vẫn không thể chạm tới đỉnh cao của giải đấu này.
Chính Mc Enroe (và Jimmy Connors) sau đấy đã tạo nên những cuộc đấu kinh điển, khiến cho Ivan Lendl, một huyền thoại khác "chỉ" có thể vô địch được US Open ba lần liên tiếp sau khi ông làm nên điều kỳ diệu sáu lần liên tục góp mặt trong trận chung kết đơn nam (1982 - 1987).
Tới thời đại của Sampras, tính cạnh tranh lại được đẩy lên mức độ mới mà một người được công nhận là số 1 mọi thời đại của Mỹ như anh cũng chỉ vô địch liên tiếp được hai mùa (95 - 96).
Lần cuối cùng Federer vô địch US Open là vào năm 2008
Và chắc chúng ta chưa quên Federer bị truất ngôi ở US Open lần đầu tiên năm 2009 (lần thứ sáu liên tiếp vào chung kết) vì gặp một Del Potro chơi tấn công xuất sắc với cú giao bóng uy lực, thuận tay bóng bạt cùng cú trái đè bóng rất ngoạn mục cả khi đánh dọc dây và chéo sân. Đến năm 2010 và 2011, Federer lại gặp Djokovic chơi xuất sắc tới mức phi thường nên dừng bước ngay trước ngưỡng cửa của hai trận chung kết Nadal đã chờ sẵn.
Điểm qua như thế để chúng ta thấy rằng, US Open qua năm tháng là giải đấu mà số đông các tay vợt tài năng thường đạt được tối đa phong độ của họ và cũng không thiếu những ngôi sao thăng hoa tột đỉnh.
Đánh bại Federer, không cần Nadal
Nhưng một điểm đáng chú ý từ thống kê nói trên, là những lần thành trì Federer bị công phá, phần còn lại của thế giới tennis chưa cần tới Nadal, người vẫn bị cho (và anh cũng thừa nhận) là thua kém trên nhiều phương diện, nhưng lại là khắc tinh thực sự so với Federer.
Thế nên việc Nadal vắng mặt ở US Open năm nay vì chấn thương đầu gối có thể là tin mừng cho Federer hay bất cứ tay vợt nào khác, nhưng những mối đe dọa tiềm ẩn đối với tham vọng giành chiếc cúp thứ sáu ở đây của Federer là rất hiện hữu.
Djokovic sa sút so với chính bản thân anh trong năm 2011, đã thua bốn trận đấu quan trọng trước các tay vợt top 10 trong vòng hai tháng qua (chỉ ăn được một set), nhưng vẫn được nhiều nhà cái xếp là ứng viên số 1. Vì thể thức đấu năm set có lợi hơn cho một tay vợt trẻ hơn đối thủ cạnh tranh chính tới sáu tuổi, và lại không chịu nhiều sức ép do sự kỳ vọng bắt đầu giảm.
Andy Murray cũng được chờ đợi sẽ tạo nên những thách thức thực sự sau khi chứng tỏ sự trưởng thành cả về tâm lý cũng như các cú quả kể từ khi làm việc với HLV Ivan Lendl và giành tấm HCV Olympic. Nhất là Murray có lợi thế về thời gian hồi phục do thất bại sớm ở Cincinnati.
Và danh sách các ứng viên không thể bỏ qua Juan Del Potro, Tsonga, và phần nào đó là Berdych - những người từng thắng Federer ở các trận đấu lớn.
Nhưng cũng nên nhớ rằng, ngoại trừ Roland Garros thì Federer chẳng phải chờ đợi lâu hơn ba năm để quay trở lại ngôi vị nhà vô địch ở các giải Grand Slam. Với Wimbledon là hai năm (2010-2011), với Australian Open cũng chỉ là hai năm (2008-2009, 2011-2012).
US Open 2012 là của Federer chăng?