Tự vẫn chỉ vì bốn cái bạt tai
Trưa ngày 31/5, bà H’Map Rya (1960) đi làm rẫy về nhà, vội vàng tắm rửa, thay đồ để làm giấy tờ chính sách cho người chồng tàn tật. Trước khi đi, bà dặn cô con gái H’Mị ở nhà, không được đi đâu. Thế nhưng mẹ vừa đi thì con gái cũng ra khỏi nhà theo lũ bạn. Lát sau, bà H’Map trở về, không thấy con liền đi tìm. Không thấy con, bà bắt đầu bực bội, cộng thêm cái nóng đổ lửa đất trời Tây Nguyên khiến bà thêm tức tối.
Khoảng 12h trưa, H’Mị lò dò từ nhà hàng xóm trở về. Vừa nhìn thấy con, bà H’Map gọi lại la mắng. H’Mị tỏ ra khó chịu, lớn giọng cãi lại. Thấy con ương ngạnh, hỗn hào, tức thì bà H’Map giơ tay tát vào má con 4 cái. “Nó khóc lớn, vội chạy ra sau bếp, còn tôi ra trước nhà ngồi. Sau đó không lâu, tôi nghe tiếng kêu la thất thanh của con và vội chạy đến, thấy nó đang giãy giụa, thở gấp, xung quanh nồng nặc mùi thuốc diệt cỏ”, người mẹ nhớ lại.
Phát hiện con uống thuốc diệt cỏ tự tử, người mẹ thất thanh gọi người trong nhà và cầu cứu hàng xóm. Nghe tiếng kêu, hàng chục người dân trong buôn kéo sang nhà cô bé và “hiến kế”. Theo đó, gia đình đã pha nước lọc với bột giặt cho H’Mị uống nhằm mục đích để cô bé nôn thuốc độc ra ngoài, không cho ngấm vào cơ thể. Mặc dù uống vào và có nôn ra nhưng H’Mị vẫn đau đớn quằn quại dưới nền nhà. Khi H’Mị đã nôn được ra ngoài, gia đình nhanh chóng lấy xe đưa lên trạm xá xã, sau đó chuyển tiếp lên bệnh viện đa khoa huyện Buôn Đôn cấp cứu. Trên suốt đường đi, cô gái đều luôn miệng: “Để con chết đi còn hơn, đừng cứu nữa, con không muốn sống…”.
Sau khi tiếp nhận điều trị, xác định nạn nhân hết phương cứu chữa, chiều ngày 1/6, bệnh viện phải lắc đầu mà trả H’Mị về cho gia đình. Đúng 7h sáng ngày 2/6, cô bé trút hơi thở cuối cùng tại nhà.
Trước khi chết, cô bé trăn trối: “Mẹ ơi, con quá đáng, con không nghe lời mẹ. Con uống thuốc cỏ cháy để chết thôi. Con không sống với mẹ nữa”. Người mẹ đau đớn: “Nghe con nói thế, tôi rất đau lòng. Thực ra, việc tôi la mắng, tát nó chẳng qua vì tôi thương con, muốn con nên người. Ai ngờ nó tự ái chọn cách giải quyết hồ đồ như vậy”. Chai thuốc diệt cỏ H’Mị uống được mẹ mua từ đầu năm 2014 để diệt cỏtrên rẫy. Do sử dụng không hết, bà H’Map cất trên gác bếp, định sau này sử dụng tiếp. Không ngờ chai thuốc đó lại tiếp tay cho hành động hồ đồ của con gái bà.
Theo một số người dân buôn Ea Mar, trước khi vụ việc đau lòng nói trên xảy ra, H’ Mị đã cùng với 4 cô bạn trong buôn tụ tập uống rượu, hát karaoke tại nhà một người trong nhóm. Đến khi nhìn thấy bà H’Map trở về, các cô bé mới tàn cuộc vui.
Những cái chết vì phút nông nổi nhất thời
Nói về việc uống thuốc cỏ tự tử trên địa bàn xã, ông Y L ư ơ m Knul, Phó chủ tịch UBND xã K r ô n g Na, cho biết, nếu tính cả vụ H’Mị, thì từ năm 2013 đến năm 2014 trên địa bàn xã đã xảy ra 4 vụ uống thuốc cỏ tự tử. Các nạn nhân đều là thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số, tuổi từ 15 đến 18, nguyên nhân vụ việc đều rất “trời ơi”, đều vì cách suy nghĩ quá đơn giản và bồng bột, thiếu trách nhiệm của nạn nhân.
Vụ gần đây nhất là vào đầu tháng 1/2014. Cô bé H’Noi Ênuôl (17 tuổi, ngụ buôn Yang Lành) và người yêu Y’Linh Knul (18 tuổi, ngụ buôn Trí B) đã cùng nhau tự tử. Đôi trẻ vốn có quan hệ tình cảm yêu đương với nhau. Tuy nhiên cô gái xinh đẹp, gia đình lại giàu có. Trong khi chàng trai nghèo khó, không “môn đăng hộ đối”. Cho rằng chàng trai không xứng với con mình nên gia đình cô gái chưa đồng ý cho họ nên duyên đôi lứa.
Không thuyết phục gia đình, chàng trai đã buồn bã, tủi phận đi mua thuốc cỏ cháy về uống tự tử. Hơn ba tiếng đồng hồ sau đó, cô gái biết chuyện, tự vẫn theo người yêu. May mắn do loại thuốc sâu cô gái uống độc tố không mạnh, lại được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên cô may mắn thoát chết. Vừa hồi sức cô đã chứng kiến cảnh người yêu quằn quại nằm trên giường. Chàng trai chết sau 3 ngày bệnh viện trả về. Kể từ ngày đó cô gái như người mất trí, chẳng muốn gặp ai, không chịu mở lời nói chuyện với người thân.
Trước đó, vào cuối năm 2013 tại buôn Đrăng Phốk, cũng xảy ra một vụ tự tử bằng thuốc sâu không khác gì trường hợp của H’Mị. Một chàng trai tối ngày chỉ biết đi chơi khiến bà mẹ ngán ngẩm mà la mắng “lớn rồi mà không biết chăm chỉ làm ăn”. Tỏ ra bực tức cậu cãi lại với những lời hỗn hào. Bà mẹ quá nóng giận đã cho con mấy bạt tai. Thế rồi chẳng nói chẳng rằng, chàng trai vào nhà lấy chai thuốc cỏ cháy uống cạn, tắt thở trên đường đến bệnh viện.
“UBND xã Krông Na đã nhiều lần cử cán bộ về các thôn buôn, hộ gia đình để tuyên truyền, khuyến cáo bà con khi có mâu thuẫn thì ngồi lại để tìm hướng giải quyết, tránh tìm đến cái chết để giải quyết. Đặc biệt là nhắc nhở các bậc cha mẹ lưu tâm hơn đến con cái ở tuổi mới lớn để kịp thời uốn nắn suy nghĩ và tư tưởng con trẻ”, vị Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.
Cướp cơm cha mẹ
Bà H’Map có 6 người con, trong đó 3 người con trai lớn đã lập gia đình và ra ở riêng. Tuy nhiên do cuộc sống “thiếu trước hụt sau” nên những người con này chẳng thể đỡ đần được gì cho bố mẹ. Cũng bởi thế mà H’Mị hiện là lao động chính được bố mẹ trông cậy nhất khi trở thành con gái lớn gánh vác gia đình. Để lo toan ruộng nương cũng như cùng mẹ chăm lo cho 2 em nhỏ và người bố bệnh tật, cô bé phải nghỉ học sớm so với bạn bè. “Tôi tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu nên không làm được việc nặng. Còn chồng tôi thì nhiều năm nay bị bệnh tai biến mạch máu não, không thể làm việc được. Vì thế, 2 năm nay con bé trở thành trụ cột gánh vác mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà. Nó chịu khó lắm nhưng đôi khi vì thiệt thòi hơn bạn bè mà nó trở nên bướng bỉnh. Tôi cũng hiểu và thương con, chỉ có điều hoàn cảnh gia đình như vậy chẳng biết phải làm sao”, bà H’Map buồn rầu.
Nhớ về con bà H’Map nói tiếp về tầm quan trọng của H’Mị: “Biết gia đình nghèo nên nó rất chịu khó làm việc. Hết làm việc nương rẫy, nó lại đi làm thuê làm mướn kiếm tiền trang trải mua thuốc men cho bố, tiền ăn học cho em. Nhiều bữa 2 mẹ con đi làm với nhau, nó giành làm việc nặng, còn việc nhẹ để tôi làm. Nó cũng nói sau này có tiền nó sẽ mua cho tôi bộ đồ mới, đưa bố đi chữa dứt điểm bệnh tật…”, người mẹ bật khóc.
Ngồi bên cạnh vợ, ông Y Sưng liên tục rơi nước mắt khi nhắc đến cô con gái xấu số. Người bố kể rằng ngày bé, H’Mị rất ngoan ngoãn và ít khi cãi lời người lớn.