Ông Lã Văn Ch. (68 tuổi, HN), đến phòng khám chuyên khoa tim mạch với chỉ số huyết áp là 170/100, nhịp tim 90 lần/phút. Ông Ch. là bệnh nhân quen của phòng khám đã 6-7 năm nay, nên PGS.TS Đinh Thu Hương (Viện Tim mạch Quốc gia) nhớ rất rõ trường hợp này. Chị tỏ ra ngạc nhiên vì tình trạng của bệnh nhân đã có nhiều năm kiểm soát được huyết áp nhưng gần đây lại có diễn biến xấu như vậy. Xem lại sổ khám cũ, khám kỹ cho bệnh nhân, chị vẫn không hiểu nguyên nhân tại sao chỉ số huyết áp, nhịp tim, của ông Ch. có hiểu hiện tăng trở lại.
Lúc này, bệnh nhân Ch. mới rụt rè kể: Nghe người ta nói bệnh nhân bị tăng huyết áp thì mỗi ngày chỉ cần uống một ly rượu vang, đi bộ 30 phút, ăn nhạt là có thể khỏi được bệnh mà không cần uống thuốc. Do đó ông đã bỏ uống thuốc từ nửa năm nay, dạo này thấy người mệt mỏi, nói như hụt hơi thì ông mới đi khám bệnh.
PGS. Hương cho biết, đây là một trong số rất nhiều bệnh nhân khi nghe tư vấn của những người không có chuyên môn đã tự ý bỏ thuốc mà chị gặp hằng ngày tại phòng khám. Bệnh nhân bỏ thuốc không những khó kiểm soát được bệnh mà còn có nhiều hệ lụy. Huyết áp không kiểm soát được có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim; sức khỏe suy giảm kéo theo sức lao động giảm. Việc điều trị cho những trường hợp bệnh nhân này cũng hết sức khó khăn vì diễn biến của bệnh rất phức tạp. Với những bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo nhịp tim nhanh thì càng nguy hiểm vì có nguy cơ tử vong cao.
PGS. Hương cũng cho biết, uống một ly rượu vang, đi bộ và ăn nhạt là những biện pháp rất tốt cho bệnh nhân tăng huyết áp. Nhưng nó chỉ để hỗ trợ chứ không thể thay thế được thuốc, do đó người bệnh không nên nghe các tư vấn thiếu chứng cứ khoa học mà bỏ thuốc, tự hại bản thân.