Những khối đá thạch như thế này cũng có giá đến vài trăm ngàn đồng
Cả gia đình cùng lên núi... tìm đá
Thời gian qua, cùng với sự lên giá của các loại cây cảnh thì các loại đá quý, đá cảnh cũng được dân chơi săn lùng ráo riết. Họ đặt tiền để người dân leo lên núi tìm về những hòn đá với nhiều màu sắc, kích cỡ khác nhau. Chính vì vậy, việc săn tìm các loại đá cảnh và quý hiếm đã trở thành một nghề “hái ra tiền” với một số người dân ở xóm Nà Phòn, xã Nà Phòn (Mai Châu-Hòa Bình). Gia đình chị Khà Thị Lương là một ví dụ điển hình. Nhiều tháng nay, hai vợ chồng chị đã cùng lên núi tìm đá thạch anh về bán.
Chị Lương cho biết: Núi Pù Nà Hẻ ở phía trước nhà chị là ngọn núi có nhiều đá thạch với nhiều màu sắc và kích cỡ khác nhau. Ban đầu, gia đình chị được một người em ở Yên Bái gọi điện về bảo tìm loại đá thạch có những màu sắc và kiểu dáng đẹp lấy cho anh ta. Chẳng biết để làm gì nhưng chị cũng lên núi và tìm về, cũng không nghĩ gì đến chuyện bán chác.
Thấy có nhiều hòn đá có màu sắc, hình dáng đẹp, chị đem trưng bày ở gian hàng của người em ở ngoài bản Lác, không ngờ những hòn đá đó lại thu hút nhiều khách hàng xem, hỏi mua, có những người trả giá rất cao, có khách hàng còn đặt tìm những hòn đá có kích cỡ, hình dáng, màu sắc theo yêu cầu và trả giá đến cả nghìn đô la. Từ đó, chị bắt đầu nghĩ đến việc kiếm tiền bằng cách này.
Thế là hai vợ chồng chị hàng ngày leo lên núi tìm và đào những viên đá có nhiều màu sắc đó, họ lại rủ thêm những người anh em trong gia đình cùng tham gia săn lùng đá trên núi Pù Nà Hẻ. Sau gia đình chị Lương, một số người thấy vậy cũng kéo nhau lên núi để “săn” đá. Họ đi theo các nhóm độc lập và mỗi nhóm trung bình thường có từ 3 - 5 người.
Cheo leo... vách núi
Chị Lương cho biết: Để tìm được đá không phải đơn giản với bất kỳ một đội quân săn đá nào. Để đào được những viên đá “nặng đô” phải có đội quân ít nhất 3 người, nếu đi đơn lẻ thì chỉ có thể kiếm được những hòn đá nhỏ thôi.
Nhóm của chị Lương có 4 người, đồ nghề để đào đá của họ gồm: cuốc, xẻng, xà beng và dây thừng... Việc lên núi phải thận trọng từng bước, không thể vội vàng được, phải bám chặt vào cách núi, vào dây rừng, sơ xuất một chút thôi cũng phải trả giá, nhẹ thì xây xát, gãy tay chân, nặng thì có thể mất mạng.
Sau khi đã tìm được những viên đá to, đẹp theo ý muốn phải đào bới, có khi phải đào sâu xuống đất mấy mét để hòn đá lộ ra, sau đó tìm cách lấy lên và đưa xuống núi. Quá trình đưa đá xuống núi không hề đơn giản, phải làm đòn khênh rồi túm tụm lại mà khênh, phải hết sức cẩn thận. Ít khi gặp được những viên đá nằm ở vị trí thuận lợi, dễ đào mà đa số nằm ở những nơi hiểm trở, cheo leo. Ngoài ra, đây còn là loại đá giòn và rất dễ vỡ, nếu để đá rơi hay lăn xuống núi thì coi như ngày hôm đó được “ăn” công cốc mà ra về.
Thông thường sau khi đã mang được đá về, họ kỳ công để mài giũa thành các tác phẩm theo như ý muốn hoặc theo yêu cầu của khách hàng. Nhưng nhóm chị Lương thì mới chỉ dừng lại ở việc mài giũa theo như hình dáng vốn có ban đầu chứ chưa làm được các tác phẩm nghệ thuật bởi anh Phát chưa học được cách chế tác ra các tác phẩm như mình mong muốn. Anh chị dự định sẽ lên người em ở Yên Bái để học thêm cách chế tác đá để bán được có giá hơn.
Giá tiền tính bằng... đô la
Một người đàn ông “săn đá” ở Nà Phòn xin không tiết lộ tên cho biết: Giá cả của loại đá này vô kể, nếu gặp khách, kể cả hàng nghìn đô họ cũng không hề mặc cả. Có những khách hàng tìm về tận nơi để đặt tìm đá, họ yêu cầu tìm cho họ những hòn đá nặng đến cả tạ có hình dáng đẹp, tiền nong không phải bàn.
Theo người đàn ông này, những hòn đá cỡ đó không phải là không có nhưng để đem được đá về không phải chuyện dễ dàng bởi bằng sức người không thể mang được những thứ nặng khi mà vách núi cheo leo, rất nguy hiểm, đá không thể lăn được vì dễ vỡ.
Chị Lương cũng đã có vài lần bán được những viên đá với những màu sắc, hình dáng đẹp và tất nhiên chị cũng được một khoản tiền khá lớn. Chị Lương cho hay: Cũng tùy khách hàng, có người thích màu trắng, người thích màu nâu, màu đỏ, vàng, tuy nhiên có hai màu chủ đạo được yêu thích đó là màu đỏ, nâu, ngoài ra ở những vùng núi khác còn có màu xanh ngọc rất quý nhưng hỏi đó là vùng núi nào thị chị không tiết lộ.
Chị cho biết thêm : Với những hòn đá có giá vài trăm đến vài ba triệu đồng, chị bán nhiều, tuy nhiên, giờ đang vụ cấy nên nhóm của chị cũng tạm nghỉ, chị cũng chỉ tranh thủ những lúc nông nhàn, mọi người lại tiếp tục lên núi tìm đá.
Ngoài chị Lương, những người đi săn đá còn có anh Hà Văn Đức, Hà Văn Dũng cũng ở Nà Phòn cùng đi tìm kiếm vận may. Họ cho biết, cái nghề này cũng rủi ro như tìm vàng vậy thôi, may thì trúng chứ chẳng phải núi có nhiều đá đâu ra, nếu rủi về không hoặc kiếm được những hòn đá có giá vài trăm đến 1 triệu đồng.
Nguy hiểm thì phải có, rất nguy hiểm nữa vì leo trèo vách núi tránh sao được vấp ngã rồi rắn, rết. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo và nó cũng kiếm ra tiền nên phải đi thôi - chị Lương tặc lưỡi.
Việc khai thác đá thạch anh có thể đem lại thu nhập cho gia đình chị Lương và một số người dân tại xóm Nà Phòn. Tuy nhiên, việc làm này trái pháp luật. Ngoài tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng con người, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên quốc gia. Hàng ngàn cây rừng cũng sẽ bị chặt do việc làm này gây ra nạn phá rừng bởi để có thể đào được đá, họ phải chặt phá, phát quang những khoảnh rừng xung quanh để đào, chặt phá cây cối xung quanh để làm đường vận chuyển đá về nhà.
Ông Lò Văn Dũng, Chủ tịch UNBD xã Nà Phòn cho biết: Xã sẽ tập trung tuyên truyền để sớm ngăn chặn sự việc trên, tránh tình trạng lan rộng trong người dân nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên.