Hối thúc tất cả các nước phải hết sức thận trọng với năng lượng hạt nhân, Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych ngày 26/4 bày tỏ lời cảm ơn với các nhà tài trợ đã giúp đỡ nước này xây dựng một lớp chắn mới, an toàn hơn đối với các lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl.
Cụ bà Valentina Lopatyuk, 79 tuổi, khóc bên mộ con trai Viktor Lopatyuk, qua đời khi 29 tuổi trong thảm họa Chernobyl 1986, ở nghĩa trang Mitino, Matxcơva. (Ảnh: AP)
Theo dự án đó, một lớp bêtông mới sẽ được phủ lên bốn lò phản ứng hạt nhân Chernobyl. Dự án đã được khởi công và dự kiến hoàn tất vào năm 2015. Một lớp bêtông cốt thép mái cong khổng lồ sẽ che phủ toàn bộ những gì còn lại của các lò phản ứng.
Kiến trúc này nặng tổng cộng 20.000 tấn. Chỉ sau khi khối bêtông được hoàn thành, công việc hết sức nguy hiểm là thu dọn rác thải xung quanh nhà máy mới có thể được bắt đầu.
“Thảm họa Chernobyl nhấn mạnh rằng loài người phải hết sức thận trọng trong sử dụng các công nghệ hạt nhân - Hãng tin Mỹ AP dẫn lời ông Yanukovych - Các tai nạn hạt nhân để lại những hậu quả mang tính toàn cầu. Chúng không phải là vấn đề của chỉ một nước mà ảnh hưởng tới cuộc sống ở nhiều vùng rộng lớn”.
Ngày 26/4/1986, vụ nổ Chernobyl đã làm tung lên những đám mây phóng xạ phát tán khắp Bắc bán cầu, khiến hàng trăm nghìn người phải rời bỏ nhà cửa ở những vùng bị ảnh hưởng trực tiếp tại Ukraine, Belarus và miền tây Nga.
Theo lời ông Yanukovych, đã có 2 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa này. Ông Yanukovych cũng cảm ơn các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết tài trợ 740 triệu euro (980 triệu USD) để xây dựng mái vòm bêtông và một cơ sở xử lý chất thải hạt nhân.