Mới đây PV nhận được đơn tố cáo của ông Lê Đức Xuân, trú tại Thôn I, Yên Nẫm, Xã Công Bình, huyện Nông Cống cho biết: Trước đây, gia đình ông có san lấp một hố bom để canh tác. Đến năm 2001, UBND xã Công Bình đã tiến hành thu hồi diện tích đất mà ông đã khai hoang đó để chia cho người khác, với diện tích là 1000m2 nhưng ông lại không được chính quyền hỗ trợ gì về công khai hoang dù chỉ mới canh tác được một thời gian ngắn. Khi thu hồi đất đó của ông xã Công Bình đã chia cho gia đình ông thửa ruộng số 571 với giấy chứng nhận QSD đất số 972192, có diện tích 500m2.
Thế nhưng có một điều kỳ lạ là với diện tích được chia chỉ có 500m2 nhưng đến vụ thu sản thì trong sổ thanh toán sản của gia đình ông ở xã lại tính lên mất 141m2 nữa và tổng cộng diện tích gia đình ông phải chịu nộp thuế là 641m2. Ở một thửa khác, có giấy chứng nhận QSD đất số 972186, diện tích ban đầu được chia là 3100m2 cũng đã bị UBND xã này chữa nâng lên 3400m2 trong sổ thu rồi ép gia đình ông phải đóng góp các khoản thuế theo diện tích "ảo" đó.
Với những lý do trên, ông Xuân và gia đình đã nhiều lần viết đơn thư khiếu nại lên UBND xã Công Bình rồi UBND huyện Nông Cống song vẫn không được giải quyết. Quá bức xúc vì việc này, gia đình ông chỉ nộp các khoản lệ phí và các khoản dịch vụ khác còn riêng các khoản thu của ủy ban xã ông không nộp, để chờ giải thích của UBND xã và huyện.
Vào ngày 10/06/2002, ông Trần Văn Hiệp chủ tịch hội đồng nhân dân xã Công Bình đã cùng một nhóm người kéo đến gia đình nhà ông Xuân phá cửa và lấy đi một chiếc máy vò lúa có nhãn hiệu Tân Việt, cùng toàn bộ dụng cụ sửa chữa may mặc. Thời điểm đó, gia đình ông Xuân không có nhà và chiếc máy đó hiện giờ vẫn đang nằm trình ình ở trụ sở UBND xã Công Bình. Quá uất ức với việc làm của chính quyền sở tại, ông Xuân đã nhiều lần làm đơn lên các ban nghành chức năng của huyện Nông Cống song vẫn không được giải quyết thỏa đáng.
Đơn tố cáo của gia đình ông Xuân
Qua tìm hiểu và trao đổi với PV ông Nguyễn Đức Xuân bức xúc cho biết: Cách làm của UBND xã Công Bình đã khiến gia đình tôi thiệt hại về kinh tế rất nhiều. Hơn nữa, không hiểu sao chính quyền lại xuống nhà tôi bất ngờ thu phương tiện làm ăn của gia đình tôi mà không có bất cứ thông báo hay giải thích nào. Như thế có khác gì là “quân ăn cướp” đâu.
Ông Xuân phân trần: Cái máy vò gia đình tôi mua để làm ăn nhưng chính quyền xã đến “cướp mất”. 11 năm nay gia đình tôi không có phương tiện làm ăn, nợ nần thì chồng chất.
Mang những thắc mắc trên của ông Xuân lên gặp chủ tịch UBND xã Công Bình là ông Trần Văn Hiệp thì PV bị khước từ làm việc với với lý do: PV chỉ có giấy giới thiệu nên không đủ tư cách làm việc. Rồi ông lớn tiếng quát tháo, dọa nạt và đưa ra yêu sách là phải có thẻ nhà báo thì mới đủ tư cách làm việc với ông và ông mới làm việc và cung cấp thông tin.
Rõ ràng việc tự ý đến thu máy móc của gia đình ông Xuân mà UBND xã Công Bình đã làm là sai hoàn toàn. Theo nguyên tắc, khi tịch thu tài sản của dân thì chính quyền sở tại phải ra thông báo và khi đã ra thông báo nhiều lần mà gia đình không nộp thì chính quyền xã mới thực hiện cưỡng chế. Khi cưỡng chế phải thực hiện đầy đủ quy tắc của việc cưỡng chế đó là phải cưỡng chế một cách công khai, có đầy đủ các ban nghành của địa phương và phải có Quyết định cưỡng chế của chính quyền sở tại.
Trước sự việc trên, đề nghị với các cấp có thẩm quyền của huyện Nông Cống cũng như tỉnh Thanh Hóa cần sớm có biện pháp giải quyết một cách thấu tình đạt lý, để đảm bảo quyền lợi của ông Xuân, tránh việc khiếu kiện kéo dài gây mất trật tự xã hội.