U19 Việt Nam và giấc mơ World Cup: Lửng lơ mơ và thực

Thêm một lần nữa bóng đá Việt Nam lại có cơ hội hiện thực hóa giấc mơ World Cup, dù chỉ là dành cho lứa U20.

Hơn một tháng sau khi 'ngày hội' mang tên giải U19 Đông Nam Á 2014 ở Hà Nội khép lại, người hâm mộ Việt Nam lại dõi theo hành trình mới của U19 Việt Nam tại vòng chung kết (VCK) giải U19 châu Á, giải đấu mà U19 Việt Nam đã chính thức 'đốn hạ' biết bao trái tim của các cổ động viên (CĐV) Việt Nam nhờ chiến thắng hoành tráng 5-1 trước U19 Australia.

Đây không phải lần đầu tiên bóng đá Việt Nam có đại diện góp mặt tại VCK giải U19 châu Á, nhưng ở các kỳ giải trước đây U19 Việt Nam chỉ tham dự với mục tiêu học hỏi, và thành tích được cải thiện dần từ toàn thua hoặc chỉ thua với hòa tiến lên thành có 1 trận thắng làm vốn trước khi về nước.

Tuy nhiên, sau những gì mà U19 Việt Nam với lứa cầu thủ nòng cốt thuộc Học viện HA.GL Arsenal JMG làm được trong vòng 2 năm qua, người hâm mộ đang khấp khởi kỳ vọng vào khả năng U19 Việt Nam sẽ làm được chiến tích kỳ diệu tại VCK giải U19 châu Á năm nay là giành quyền tham dự vòng bán kết để có vé tới New Zealand tham dự giải U20 thế giới vào năm sau.

Giải U19 châu Á được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1959 tại Malaysia, đến nay đã trải qua 37 kỳ. Có lẽ không nhiều người biết rằng bóng đá Việt Nam (bao gồm cả đội tuyển U19 miền Nam Việt Nam) đã có tới 14 lần góp mặt tại VCK, trong đó thành tích ấn tượng nhất là chiếc HCĐ mà đội tuyển U19 miền Nam Việt Nam giành được ở VCK năm 1964, khi giải đấu này được tổ chức tại Sài Gòn.

Không dễ để U19 Việt Nam của năm 2014 lặp lại thành tích như các bậc tiền bối cách đây nửa thế kỷ. Kể từ lần đầu tiên trở lại sân chơi U19 châu Á vào năm 2002, chưa một lần U19 Việt Nam vượt qua được vòng bảng.

Trong 5 kỳ VCK U19 châu Á gần đây mà bóng đá Việt Nam có đại diện góp mặt, chỉ 2 lần U19 Việt Nam thắng được 1 trận ở VCK năm 2010 và VCK năm 2006 để đứng thứ ba ở bảng đấu. Còn 3 kỳ giải khác vào các năm 2012, 2004 và 2002 U19 Việt Nam đều kết thúc vòng loại với vị trí đội sổ sau loạt trận chỉ thua và hòa.

Sau 3 lần đụng độ với U19 Nhật Bản trong năm nay, U19 Việt Nam đã tự bộc lộ giới hạn của mình, nên thầy trò HLV Guillaume Graechen hẳn sẽ khó có cửa cạnh tranh vé vào vòng tứ kết với U19 Nhật Bản. Trong số 2 đội bóng còn lại ở bảng C, U19 Hàn Quốc được đánh giá là khó nhằn không kém U19 Nhật Bản, bởi đội bóng xứ sở kim chi đang là nhà ĐKVĐ của giải đấu và U19 Hàn Quốc đã có cả thảy 12 lần bước lên bục cao nhất ở sân chơi này.

Như vậy chỉ còn lại U19 Trung Quốc là đối thủ mà U19 Việt Nam có thể đặt mục tiêu giành 3 điểm, bởi bóng đá Trung Quốc lâu nay không còn nằm ở nhóm trên của châu Á, và ở cấp độ đội tuyển trẻ như U16 hay U19, bóng đá Việt Nam có không ít lần gặt hái được những kết quả tích cực trước đối thủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là U19 Việt Nam sẽ phải gặp U19 Hàn Quốc và U19 Nhật Bản ngay 2 trận đầu tiên của vòng bảng, và nhiệm vụ của thầy trò HLV Guillaume là bắt buộc phải có ít nhất 1 điểm trong 2 trận đấu này mới có cơ hội đua tranh chiếc vé tham dự vòng tứ kết.

Nếu không có được điểm số nào từ 2 cuộc đối đầu với U19 Hàn Quốc và U19 Nhật Bản, giấc mơ đoạt vé góp mặt tại VCK U20 thế giới của U19 Việt Nam sẽ tan thành mây khói, và cuộc chạm trán với U19 Trung Quốc trong trận đấu cuối cùng tại vòng bảng có lẽ chỉ mang ý nghĩa danh dự mà thôi.