Nhiều điều mừng sau màn trình diễn của U19 VN. Mừng nhất là cách làm bóng đá căn cơ, đường dài, kiên quyết xa lạ với…tiền thưởng và những lời tâng bốc say sưa của thiên hạ và thái độ chuyên nghiệp của các cầu thủ trẻ. Nên nhớ đây là lò đào tạo có gốc từ Arsenal nhưng trên… núi, trên đất Việt Nam, chứ không phải chọn một lứa cầu thủ có năng khiếu rồi đưa ra nước ngoài đào tạo như chính người Indonesia hay các nước khác đang làm.
Bởi từng có lứa cầu thủ của Indonesia được đào tạo bài bản ở nước ngoài, từng gây khó dễ cho các đội bóng vùng trũng nhưng kết cục cũng… rứa, nghĩa là không nhằm nhò gì, so với các cầu thủ Thái hoặc Singapore ở góc độ cá nhân cũng như đóng góp cho đội tuyển.
Các cầu thủ U19 VN liệu có sớm đi vào vết xe đổ đó hay không còn phải chờ câu trả lời trong tương lai.
Nhưng có một thực tế mà nhiều người đã biết là một số cầu thủ từ “lò” này từng góp sức tham dự VCK U17 QG các năm 2012, 2013 và đã không thành công. U17 HA.GL từng thắng tưng bừng U17 SLNA 3-0 ở vòng bảng nhưng vào bán kết đã thua ngược 2-3 trước đối thủ nhiều sức mạnh và biết điều chỉnh lối chơi.
Hay như khi đấu tập với U19 Lào thì thắng dễ, nhưng vào giải thì người ta biết hóa giải lối chơi và bịt hết mọi ngõ ngách. Trận đó, nếu may mắn cho người Lào, chính U19 VN mới là đội bị đá văng khỏi trận chung kết mong đợi.
Tương tự là trận đấu khó nhằn trước đối thủ “một mất, một còn” Indonesia. Rõ ràng là U19 VN không đủ điều kiện thể lực, đấu pháp cũng như khả năng của một vài cá nhân để hóa giải đối thủ. Hai niềm hy vọng là Văn Toàn và Công Phượng hoàn toàn bế tắc vì họ lộ diện quá sớm. Các con bài dự bị không đủ sức khiến đối thủ bất ngờ.
U19 VN xử lý kỹ thuật với trái bóng ở từng cá nhân, từng nhóm khi thể lực đảm bảo thì xem thật bắt mắt. Nhưng khi đôi chân không vâng lời và bị xô đẩy, họ bất lực. Đội bóng cũng chưa kịp rèn giũa kỹ năng ở các tình huống cố định. Công Phượng dù rất muốn nhưng chưa đủ tầm để kết liễu đối thủ từ một quả phạt, gián tiếp (trận Lào), trực tiếp (trận chung kết). Nhưng đây là câu chuyện tài năng thiên bẩm và khổ luyện, chứ không hề muốn là được, nhất là ở tình huống căng thẳng, cân não, lại là đối với các cầu thủ trẻ lần đầu ra biển lớn.
U19 VN chơi đẹp, chuyên nghiệp nhưng mất quá nhiều sức để tạo được một cơ hội và… bỏ lỡ nhanh chóng. Có cảm giác các cầu thủ chỉ mới thành công ở kỹ năng xử lý trái bóng, kỹ năng phối hợp nhóm, mà chưa được đào tạo cặn kẽ về kỹ năng kết liễu đối thủ một cách dứt khoát, mạnh và gọn.
Ấy là một môi trường học tập nghiêm túc, bài bản, chất lượng, chưa phải là thực tế bụi bặm, nhiều trái khoáy, không có trong giáo án. Vì thế việc đưa dàn cầu thủ Học viện đi thi đấu như vừa rồi, thua hay thắng cũng đều rất cần thiết trong quá trình đào tạo và trưởng thành của họ.
Giờ đây, các đối thủ trong khu vực bắt đầu giật mình và tìm cách đối phó với U19 VN. Và chính là lúc U19 VN mỗi ngày lại bộc lộ những điểm yếu không dễ khắc phục ngày một ngày hai. Một Brazil luôn có Argentina, Pháp, Italia… rình rập để tìm mọi cách giành chiến thắng. Sau thất bại vừa rồi trước U19 VN, người Thái, người Mã chắc chắn không ngồi yên, người Indonesia khỏe mạnh đến thế càng hăng hái chứng minh “Vàng” của họ là có cơ sở.
Thực ra, không ít thì nhiều, U19 VN và cách làm bóng đá chuyên nghiệp của bầu Đức đã sớm “lộ bài” qua một giải đấu không còn bài để giấu. Thắng, lại đi một nhẽ; đằng này, thua nhưng được xưng tụng như thắng, thế mới là… cưỡi trên lưng cọp.
Phải đi tiếp thôi, không chỉ bằng khéo léo, kỹ thuật mà phải bằng uy lực của sức mạnh và đa dạng, nhiều phương án công thủ. Điều này thì phải chờ thời gian, chờ quá trình rèn luyện, chứ không thể có ngay được ở… giải U19 Châu Á ngay đầu tháng 10 này!