Bukit Jalil hay địa điểm thi đấu dự định thay thế là Shah Alam thì cũng thế thôi, bởi đó đều là những “chảo lửa” gần như “bất khả xâm phạm” của bóng đá Malaysia. Nói là bất khả xâm phạm, bởi khoảng 5 năm gần đây, Malaysia luôn rất khó bị đánh bại khi được chơi trên sân nhà, với cả trăm nghìn cổ động viên luôn sát cánh, hừng hực khí thế trên các khán đài. Nó khác với bầu không khí có phần kém “nhiệt” ở Mỹ Đình.
Ở trận chung kết AFF Cup 2010 mà Indonesia đã thua trắng 0-3, người ta tính có khoảng 98.000 CĐV có mặt trên các khán đài sân Bukil Jalil hùng vĩ, chừng vài ngàn người khác tập trung bên ngoài các “fan-zone”, nơi dành cho những ai không mua được vé, tham gia các trò chơi có thưởng, mua quà lưu niệm và theo dõi trận đấu qua màn hình lớn. Cách tổ chức này được Malaysia học hỏi từ những chuyến du đấu của các CLB lớn châu Âu (đá với Malaysia XI) hàng năm.
Theo thông tin mới nhất, Shah Alam, sân nhà của CLB Selangor FC, đối thủ quen thuộc của các đội bóng Việt Nam tại AFC Cup, sẽ thay thế Bukit Jalil để tổ chức trận bán kết lượt đi AFF Cup 2014 với Việt Nam. Shah Alam “chỉ” có sức chứa 80.000 khán giả, nhưng “chảo lửa” này được dự báo là còn dữ dội hơn cả Bukit Jalil, nhờ hệ thống mái vòm che gần kín các khán đài. Cảm giác như các cầu thủ sẽ vào vai những “võ sĩ giác đấu” và chỉ một đội rời sân trong vinh quang.
Trước khi Bukit Jalil ra đời (năm 1997, với mục đích tổ chức Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung năm 1998), Shah Alam (thuộc tỉnh Selangor, một trong những thành phố vệ tinh của Kuala Lumpur) là đấu trường có sức chứa lớn nhất xứ dầu cọ và là nơi mà ĐTQG Malaysia chọn làm sân nhà. Cũng một hệ thống khán đài chính nằm dưới lòng đất, đại công trình Shah Alam từng tiếp đón Bayern Munich, Leeds United, Flamengo... trong các chuyến du đấu của họ, kiểu Bukit Jalil sau này.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao Malaysia (cũng như Singapore, Indonesia hay Thái Lan) lại nhọc công xây những SVĐ tầm cỡ thế giới (Bukit Jalil từng được liệt vào một trong 10 SVĐ tốt nhất thế giới), trong khi cũng như Việt Nam, họ đều là những nền bóng nhỏ so với bức tranh bóng đá toàn cầu?!
“Nếu các ngôi chùa hay nhà thờ là nơi linh thiêng của giới mộ đạo, thì SVĐ là nơi để kết nối và chắp cánh những giấc mơ bay bổng”, một người bạn của chúng tôi ở Malaysia chia sẻ.
Một trong những điều khoản bắt buộc của các ĐTQG, các CLB lớn hàng đầu châu Âu và thế giới khi du đấu qua các nền bóng đá kém phát triển là sức chứa của SVĐ, bên cạnh thị phần áo đấu - vật lưu niệm, điều kiện ăn ở, di chuyển..., được đảm bảo. “Họ không đá với các ĐTQG, nhưng nếu là đội tuyển tập hợp các ngôi sao hoặc thậm chí một CLB có lượng CĐV lớn thì cũng OK! Tiền (phí ra sân) đôi khi chỉ là vấn đề nhỏ”, vẫn lời người bạn Malaysia từng qua Việt Nam học lớp bằng A của AFC.
Đến lúc này có lẽ chúng ta cũng đã tìm được câu trả lời cho mấy chục năm qua bóng đá Việt Nam chỉ đón được Juventus, Barca B hay cùng lắm là Olympic Brazil, rồi Arsenal! Người Việt Nam yêu bóng đá chứ, yêu lắm, nhưng chúng ta chưa học được cách cổ động - cổ vũ bóng đá, đặc biệt là trong các trận đấu của ĐTQG. Trong số vài chục ngàn khán giả tìm đến Mỹ Đình những ngày qua, số CĐV thực thụ, cổ vũ thực sự cho đội tuyển Việt Nam hẳn không quá nhiều.
Yếu tố sân nhà hay “cầu thủ thứ 12” với Việt Nam chưa phát huy tác dụng là vì thế, chứ đừng vội bàn đến chuyện kinh doanh bóng đá.