Theo đó, Hà Nội có 79.653 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 trung học phổ thông công lập không chuyên, tăng gần 10.000 thí sinh so với năm 2014. Trong khi, tổng chỉ tiêu của các trường này là 50.185. Như vậy, chỉ khoảng 63% số học sinh đăng ký dự thi được vào các trường trung học phổ thông công lập.
Áp lực vào trường công lập khiến nhiều học sinh lo lắng
Cuộc đua ngộp thở
Năm nay, rất nhiều phụ huynh ở Hà Nội lo mất ăn, mất ngủ trước thông tin kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015 -2016 của Hà Nội tăng 10.000 thí sinh so với năm 2014. Bởi lẽ, so với mọi năm, chỉ tiêu vào lớp 10 THPT ở Hà Nội năm nay không tăng nhiều, nhưng số lượng học sinh (HS) lại tăng lớn.
Đây là lứa HS sinh năm Canh Thìn (năm 2000), năm được đánh giá là đẹp nên được nhiều gia đình lựa chọn để sinh con. Sở dĩ có tình trạng đau đầu như vậy là vì chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của HS.
Theo tỷ lệ vừa công bố, trong 5 trường THPT đứng đầu của thành phố, tỷ lệ chọi vào THPT Kim Liên cao nhất với 1.535 học sinh đăng ký. Trong khi chỉ tiêu của trường là 600. Như vậy, nếu tính riêng nguyện vọng (NV) 1, tỷ lệ chọi của trường là 1/2,5; gồm cả NV2, tỷ lệ này là 1/2,7. Tiếp đó là Trường THPT Yên Hòa với các số tương ứng 1.452/480; Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông) là 1.258/560.
Do tình trạng học sinh tăng đột biến trong kỳ thi này, bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng phòng Quản lý thi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết: “Nếu năm học trước, Sở đã tiến hành xử lý nhiều trường THPT tuyển vượt chỉ tiêu thì năm nay Hà Nội đã phải “nới” chỉ tiêu cho các trường. Cụ thể, căn cứ vào tình hình thực tế mà Sở cho phép một số trường được tăng 5-10% chỉ tiêu so với năm học trước…”.
Chị Thu Trà (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ: “Mình chưa thấy năm nào căng thẳng vào lớp 10 thế này. Trước đây cậu lớn nhà mình còn lo lựa chọn trường top đầu, chứ năm nay thế này mình chỉ mong cậu út vào trường công là tốt rồi. Cứ nghĩ sinh năm đẹp mọi điều sẽ thuận lợi với con, nào ngờ thi cử cũng phải căng thẳng tới ngộp thở…”.
Một phụ huynh có con học Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “ Hy vọng có thể giành được một suất vào trường công lập, con tôi đã phải học ngày, học đêm, chạy hết nơi này đến nơi khác. Cháu còn tham gia nhiều đợt thi thử ở trường và các trung tâm học thêm. Nếu trượt công lập mà phải vào các trường ngoài công lập thì học phí sẽ rất cao, mà chất lượng chưa biết thế nào…”.
Hơn nữa, theo các phụ huynh, không vào được lớp 10 trường công thì khó biết tương lai con mình sẽ ra sao khi còn ở lứa tuổi dở dang như vậy.
Đừng chọn trường thương hiệu chỉ vì oai
Tuy nhiên, trước tỷ lệ chọi cao, phụ huynh và các em học HS không nên quá căng thẳng nếu biết lựa chọn đúng và biết lựa sức mình. Thực tế, năm ngoái, có những HS có điểm khá cao nhưng không trúng tuyển lớp 10 công lập là do đăng ký NV không phù hợp.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục học Hà Nội phân tích, các em chọn đúng NV thì sẽ dễ đạt mục tiêu hơn. Vì thế, chọn NV phải đúng với năng lực bản thân, chứ không phải cứ lao vào trường có tiếng cho oai.
Cụ thể, đối với NV1, chọn trường mình mong muốn và tự tin khi thi vào trường đó. NV2 các em nên chọn những trường có số điểm đầu vào thấp hơn trường NV1. Còn nếu tính chọn trường không theo khả năng của mình hoặc cả 2 NV đều chọn những trường có điểm cao thì rất dễ trượt.
Phụ huynh cũng không chỉ căn cứ vào tỉ lệ chọi của các trường mà phải xác định xem sức học con mình có thể đạt được bao nhiêu điểm để chọn trường có điểm chuẩn tương ứng, hoặc thấp hơn một chút. Nhiều giáo viên đưa ra lời khuyên, các phụ huynh không nên quá căng thẳng khi chọn trường, quan trọng không phải vào trường nào mà chính là bản thân mình có quyết tâm học hay không?
Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là bước vào kì tuyển sinh, vì thế làm sao để việc ôn tập có hiệu quả càng làm nhiều HS, phụ huynh rối bời. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều giáo viên, thay vì cứ đẩy con đi học thêm thật nhiều thì phụ huynh nên kiểm soát khả năng tự học của con mình và sát ngày thi không học dồn dập quá nhiều khiến đầu óc mất tỉnh táo.
Ngoài kiến thức cơ bản thì còn đòi hỏi HS phải có khả năng sáng tạo, biết vận dụng kiến thức, nếu chỉ học vẹt thì điểm sẽ không cao. Đặc biệt, tạo tâm lý thật thoải mái, tự tin khi làm bài thi, phải quyết tâm cao không được thấy bài khó là bỏ qua mà phải làm đến cùng.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, Đề thi vào lớp 10 THPT hoàn toàn trong chương trình phổ thông, trọng tâm là chương trình lớp 9, xoay quanh những kiến thức cơ bản, không khó đến mức các em phải học ngày, học đêm, học hết lò này sang lò khác. HS chỉ cần ôn tập kỹ, đầy đủ, nắm vững chuẩn kiến thức, kỹ năng là có thể làm được. HS trung bình có thể đạt từ 5 đến 7 điểm, HS khá đạt từ 7 đến 9 điểm. Phần câu hỏi nâng cao dành cho HS giỏi chỉ chiếm 1 điểm. Siết chặt từ khâu kiểm tra hồ sơ
Dự kiến HS sẽ nhận phiếu báo thi vào 3 ngày 4, 5 và 6/6/2015. HS sẽ sử dụng phiếu báo thi này để tham dự kỳ thi vào ngày 11/6/2015. Học sinh sẽ thi hai môn Toán và Ngữ văn. Năm nay, Hà Nội vẫn duy trì phương án thi tuyển kết hợp với xét tuyển dựa trên kết quả học lực 4 năm THCS. Để đảm bảo công bằng, khách quan cho kỳ thi, Sở sẽ siết chặt ngay từ khâu kiểm tra hồ sơ, điểm bậc THCS để tránh phát sinh tiêu cực. Dự kiến từ ngày 20 - 25/5, Sở tổ chức 4 đoàn kiểm tra điểm bậc THCS…
Với các trường THPT không chuyên, phương thức tuyển sinh là kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Điểm xét tuyển được tính theo công thức: Điểm xét tuyển = Điểm THCS + Điểm thi (đã nhân hệ số 2) + Điểm cộng thêm. Điểm THCS là tổng điểm tính theo kết quả học tập và rèn luyện của 4 năm học THCS. Trong trường hợp học sinh bị lưu ban lớp nào thì sẽ lấy kết quả năm học lại của lớp đó.