Tuyển sinh ĐH, CĐ vượt quá chỉ tiêu: Phạt tiền vẫn không sợ

20 trường ĐH, CĐ bị xử phạt do lỗi tuyển vượt chỉ tiêu trong năm 2011 vừa được công bố. Tuy các trường này đều phải nộp tiền phạt và bị trừ chỉ tiêu nhưng tình trạng đăng ký tuyển sinh vượt quá thực lực được cảnh báo vẫn sẽ diễn ra trong năm 2012.


Tuyển ít sẽ không có nguồn thu là nguyên nhân nhiều trường phá bỏ chỉ tiêu được giao

Tuyển vượt tới 40% mức được giao

Danh sách 20 trường ĐH, CĐ có sai phạm bị xử phạt hành chính vừa được Bộ GD-ĐT công khai gồm  ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ĐH KHXH&NV thuộc ĐHQGHN, ĐHDL Duy Tân, ĐH Công nghiệp Hà Nội, CĐ Xây dựng số 1, CĐ Y tế Đồng Nai, CĐ Xây dựng số 2, CĐ Cộng đồng Kiên Giang, CĐ Giao thông vận tải số 3, CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TP.HCM, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Trung ương, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Thống kê, ĐH Công nghệ Sài Gòn, CĐ Bách nghệ Tây Hà, CĐ Ngoại ngữ công nghệ Việt Nhật, CĐ Đức Trí - Đà Nẵng, ĐH Công đoàn, CĐ Công nghệ Bắc Hà.

Lý do xử phạt hầu hết của các trường là tuyển vượt chỉ tiêu cho phép, trong đó trường vượt tới gần 40% mức được giao là ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đứng đầu danh sách với số lượng 3.453 sinh viên đại học tuyển quá mức. Mặc dù chưa công bố hình thức xử lý khác nhưng theo quy định của Bộ GD-ĐT, ngoài xử phạt hành chính theo quy định hiện hành, những trường tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh thì tùy theo mức độ sẽ bị đình chỉ tuyển sinh một số ngành hoặc đình chỉ tuyển sinh cả trường năm đó.

Bên cạnh lỗi tuyển vượt chỉ tiêu, một số trường còn bị “tuýt còi” vì tổ chức thi tuyển sai đối tượng đào tạo liên thông trình độ CĐ lên ĐH (ĐH Công nghệ Sài Gòn); thông báo tuyển sinh CĐ hệ chính quy 2011 sai quy định (CĐ Bách nghệ Tây Hà, CĐ Ngoại ngữ công nghệ Việt Nhật); tuyển sai đối tượng tuyển sinh CĐ hệ chính quy (CĐ Đức Trí); vi phạm liên kết đào tạo (ĐH Công đoàn, CĐ Công nghệ Bắc Hà); Chấm bài thi tuyển sinh CĐ không đúng quy định (CĐ Công nghệ Bắc Hà).

Tuyển vượt khả năng để tạo nguồn thu

Cùng với thông báo về tình trạng vi phạm của các trường trong mùa tuyển sinh năm 2011, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng đưa ra thông báo mới nhất cho đến thời điểm hiện nay, Bộ GD-ĐT đã nhận được đăng ký chỉ tiêu của 133/176 trường ĐH và 152/212 trường CĐ. Kết quả tổng hợp sơ bộ cho thấy, có 55 trường ĐH và 39 trường CĐ đăng ký chỉ tiêu vượt quá năng lực thực tế của nhà trường. Vậy phải chăng chế tài xử phạt hành chính cùng hình thức phạt chỉ tiêu, thậm chí đình chỉ cũng không khiến các trường này e ngại?

Một thực tế được đại diện các trường phản ánh rằng, với chủ trương nâng cao chất lượng, các trường phải đảm bảo tiêu chí 25 sinh viên/giảng viên nhưng lượng sinh viên ít đi kèm với nghĩa là nguồn thu hạn chế. Ông Đặng Kim Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, khi áp dụng đổi mới tài chính, các trường phải trả lương cho giảng viên lên tới 6 triệu đồng/tháng kể cả bảo hiểm xã hội. Với mức thu học phí hiện nay, tổng nguồn thu chỉ đủ để trả lương cho đội ngũ giảng viên cùng cán bộ nhân viên trong trường đã hết. Các trường sẽ không còn nguồn thu nào chi cho các hoạt động đào tạo. Đó là lý do các trường vẫn phải trông chờ vào việc tuyển sinh đủ, thậm chí là vượt chỉ tiêu. “Sắp tới triển khai quy định tổng chỉ tiêu tuyển sinh vừa làm vừa học, liên thông không vượt quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy thì các trường còn khó khăn nhiều hơn nữa vì chủ yếu nguồn thu các trường đang phụ thuộc vào đào tạo phi chính quy” - ông Đặng Kim Vui nêu rõ. Ngoài ra, mặc dù đã có lộ trình tăng học phí nhưng từ nay đến năm 2014, với lộ trình tăng lương cơ bản của Chính phủ, không hỗ trợ thêm ngân sách, các trường sẽ lại càng khó khăn.

Trước tình hình này, Bộ GD-ĐT cho biết, quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ bổ sung chế tài xử lý cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với hiệu trưởng và những người khác liên quan nếu kê khai các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh không đúng, không trung thực. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị, các trường cần khẩn trương rà soát lại chỉ tiêu tuyển sinh 2012 đã đăng ký. Đối với những trường hợp đặc biệt, cơ sở đào tạo cần nêu những biện pháp khắc phục và đề xuất phương án đảm bảo chất lượng đào tạo trong tuyển sinh năm 2012 và những năm tiếp theo, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể.