Thưa ông, năm 2011 được cho là năm mà GDĐH có nhiều biến động. Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh và nâng cao chất lượng. Vậy chủ trương này có tiếp tục được thực hiện trong năm 2012?
Năm 2011 đánh dấu những bước đi ban đầu trong thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường và phân cấp quản lý GDĐH cho địa phương và cơ sở. Công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường để giám sát việc thực hiện pháp luật cũng như các quy định của ngành. Bộ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là luật GDĐH, tách bạch công tác quản lý nhà nước của Bộ và hoạt động chuyên môn của các trường. Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì vậy, công tác thanh tra, kiểm tra là việc làm thường xuyên của Bộ trong những năm tới để đưa hoạt động GDĐH đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật.
Việc tuyển sinh ĐH sẽ có lộ trình đổi mới như thế nào, thưa ông?
Việc đổi mới tuyển sinh sẽ được thực hiện có lộ trình, trong tổng thể đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, theo hướng gọn nhẹ, thiết thực và hiệu quả. Thay đổi cách thi tuyển sinh ĐH-CĐ phải kết hợp với đổi mới cách dạy, cách học ở bậc phổ thông và định hướng học sinh học toàn diện, không học tủ, không học lệch…
Từ nay đến 2015, về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” (chung đợt, chung đề, sử dụng chung kết quả thi - PV) với những điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật, theo hướng tiếp tục giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, tăng thêm cơ hội cho thí sinh và giảm áp lực cho xã hội.
Năm nay, Bộ có chủ trương tăng quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Vậy xin ông cho biết, các trường sẽ được tự chủ ra sao?
Các trường căn cứ tiêu chí về tỷ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu quy đổi và tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo của cơ sở đào tạo/sinh viên để tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012.
Bên cạnh đó, dự kiến kỳ thi tuyển sinh năm 2012, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển, trên cơ sở điểm sàn và chỉ tiêu đã xác định. Các trường ĐH trọng điểm, các trường ĐH thuộc khối năng khiếu - nghệ thuật chủ động đề xuất phương án tuyển sinh với yêu cầu chung là không để tái diễn luyện thi, tổ chức tuyển sinh nghiêm túc và có cơ chế để tập thể nhà trường, xã hội kiểm tra, giám sát.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ trong những năm tới vẫn chung đợt, chung đề, sử dụng chung kết quả thi với những điều chỉnh nhỏ về kỹ thuật - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nhiều chuyên gia GDĐH cho rằng cần phải thiết kế lại hệ thống GDĐH bằng việc phân tầng để nhà nước sẽ có cơ chế tài chính tương thích với mô hình quản trị. Vậy ý kiến của ông thế nào? Bao giờ thì vấn đề này mới được triển khai?
Yêu cầu về kỹ năng, trình độ chuyên môn, phương pháp tác nghiệp của đội ngũ nhân lực rất đa dạng, nhất là khi đất nước ta hội nhập quốc tế. Do đó, các trường trong hệ thống GDĐH cũng phải có mục tiêu đào tạo đa dạng và chuyên biệt. Hệ thống GDĐH cần được phân tầng theo hướng ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng và các trường CĐ đào tạo nghề nghiệp. Chương trình, phương pháp đào tạo cũng như đầu tư cho các loại hình trường này cũng khác nhau.
Tuy nhiên, cho đến nay nước ta chưa có quy phạm pháp luật cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về phân tầng ĐH để làm căn cứ đầu tư, giao nhiệm vụ, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục đại học.