Nhận định ban đầu cho thấy, mặt bằng điểm ở cụm thi ĐH khá cao, do đó dự kiến điểm chuẩn và điểm sàn cũng cao hơn mọi năm. Ngược lại, tại các cụm thi địa phương, mặt bằng điểm lại không cao.
ĐH Thái Nguyên đã chấm xong và đang thống kê điểm. Thông tin bước đầu cho thấy, về cơ bản, điểm bài làm của thí sinh được gọi là “đẹp”: Phổ điểm có số điểm để có thể xét đỗ tốt nghiệp chiếm tới 90%, tính từng môn.
Theo thống kê bước đầu, môn vật lý có 15.000 bài thi, số bài đạt 5 điểm trở lên chiếm gần 10.000; 2.500 thí sinh đạt từ điểm 7 trở lên. Môn Sinh học có 8.000 người thi và có hơn 3.000 người có điểm thi lớn hơn 5. Môn tiếng Anh có số bài thi (tự luận) đạt 5 điểm trở lên là 3.000/26.000 bài. Dự kiến khi cộng cả điểm thi trắc nghiệm thì điểm thi môn tiếng Anh cũng khá cao. Tương tự như vậy điểm thi môn Văn tương đối cao với nhiều điểm 7-8.
Chấm thi THPT Quốc gia tại Hà Nội. Ảnh: Hồ Thu.
Nhận xét chung về điểm thi, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cho biết, phổ điểm tương đối rõ ràng và thuận lợi cho việc phân bổ đều thí sinh vào các trường ĐH thuộc các tốp cao, thấp khác nhau. Ông Kim Vui dự báo, điểm sàn tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm nay cao hơn năm trước.
Ông Trần Minh Thụ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi (Hà Nội) cho biết, ở trường thi này điểm 9 trở lên nhiều và phổ điểm chính nằm ở 6-8 điểm, điểm dưới trung bình ít. Nhìn chung, mặt bằng điểm cao hơn năm trước.
Điểm 10 ít, điểm liệt khá nhiều
Trong khi điểm 9 và 10 (các môn thi toán, hóa, sinh học…) được nhận xét ít thì điểm liệt lại đáng kể. Ví dụ, môn Toán ở ĐH Thái Nguyên, số điểm liệt chiếm gần 4%; môn Văn có 0,07-0,08% điểm liệt; môn tiếng Anh (bài tự luận) có 46 người bị điểm liệt trên tổng số 26.000 người thi.
Ở ĐH Bách khoa Hà Nội, môn Văn mới lên điểm được 1/3 số bài chấm và có 5 điểm liệt trên 4.400 bài thi; môn Toán có 200 điểm liệt/14.500 bài, chiếm hơn 1,5%. Trong khi đó, số bài đạt trên 8 điểm chiếm 10,5%; điểm 9 và 9,5 nhiều và chỉ có chưa đến 10 điểm 10.
Tại một trường thi ở Hà Nội, cán bộ quản lý thi nhận xét: Môn văn chấm chậm vì tranh luận và đối thoại nhiều. Trường thi này phản ánh, năm nay, do có giáo viên phổ thông chấm thi nên có thể có sự vênh nhau về quan điểm chấm. Một nhà quản lý dẫn ví dụ, với hơn 40 giảng viên ĐH, các thầy mất 1 buổi sáng để tranh luận ba-rem chấm thi môn sử, trong khi đó giáo viên THPT chấm ngay và cho điểm có phần lỏng hơn.
Ông Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, cho hay, theo đánh giá sơ bộ, các môn thi năm nay có phổ điểm khá cao. Môn lịch sử, địa lý cũng có một số điểm 10. Ông Khoa dự đoán, điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay sẽ tăng cao so với năm trước.
Cụm địa phương: Mặt bằng điểm không cao
Theo các giáo viên chấm thi ở các cụm thi địa phương, mặc dù đề thi các môn Sử, Địa khá dễ nhưng thí sinh vẫn không đạt điểm cao. Không ít học sinh làm bài ngô nghê, khả năng diễn đạt kém, có thí sinh để giấy trắng nên cán bộ chấm thi đành chấm điểm liệt.
Qua chấm thi, một số giáo viên có nhận định, điểm thi lịch sử, địa lý đa phần đạt ở khung 4-6 điểm. Riêng môn Văn, theo nhận xét của một số cán bộ chấm thi, ở cụm thi địa phương thí sinh đạt điểm 5-6 khá nhiều, có thí sinh đạt điểm 8. Cô N.T.L.H một giáo viên chấm thi môn Lịch Sử ở huyện Gia Lâm, Hà Nội cho hay, đề thi có 2 câu đầu rất dễ, nhưng nhiều thí sinh viết lăng nhăng nên cán bộ chấm thi rất khó cho điểm.
“Thương thí sinh, đội ngũ chấm thi cũng cố gắng đọc kỹ bài thi để lọc ý nào đó “chạm” đáp án để cho điểm nhưng quả thật có bài thi câu hỏi một đằng, thí sinh trả lời một nẻo, thậm chí viết rất nhiều câu thơ vào bài làm, có thí sinh để giấy trắng. Những thí sinh này không có kiến thức nên nghĩ gì viết nấy vào bài thi. Với bài thi thí sinh để giấy trắng, giáo viên chấm đành cho điểm 0. Có thí sinh chép nguyên xi đề thi, cùng lắm giáo viên cũng chỉ cho đến 0,5 điểm, không thể cho hơn”, giáo viên này nói.
Một giáo viên khác chấm thi môn Văn tại tỉnh Hà Tĩnh thông tin, bài thi năm nay thí sinh đạt trên 5 điểm nhiều hơn mọi năm nhờ 8 câu hỏi ở phần I khá dễ. Cũng theo giáo viên này, dù là cụm thi địa phương nhưng cũng có những thí sinh đạt hơn 8 điểm theo tỉ lệ một túi bài thi có từ 1-2 em, ít thí sinh bị điểm 2-3.
Ngược lại, sau 5 ngày chấm thi cụm địa phương, cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ Văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) chia sẻ, phổ điểm năm nay khá thấp. Số bài 6 đến 8 khá hiếm hoi, thậm chí đếm trên đầu ngón tay. Cũng theo cô Hằng Nga, qua gần 400 bài thi, có không ít học sinh bị cho điểm 0,5 - 0,75 vì bài viết rất ngô nghê. Có thí sinh chỉ chép lại đề, có thí sinh chỉ ghi được vài dòng nên giáo viên đành phải cho điểm liệt.
Không lo trượt tốt nghiệp cao
Theo thông tin từ các sở GD&ĐT phía Bắc, đến thời điểm này hầu hết các đơn vị đã hoàn tất công tác chấm thi để bước sang giai đoạn vào điểm để đảm bảo trước ngày 20/7 tất cả các đơn vị đều có điểm. Theo một số lãnh đạo các sở GD&ĐT, năm nay không lo tỉ lệ học sinh trượt tốt nghiệp cao. Bởi lẽ, ngoài điểm thi 4 môn, thí sinh còn được xét điểm cả quá trình học với tỉ trọng 50% để xét tốt nghiệp nên khá thuận lợi cho thí sinh.