“Câu hỏi tần suất âm thanh em chưa được làm bao giờ. Năm nay cũng là lần đầu tiên em thấy đề thi Lý có câu hỏi sử dụng hình vẽ để thí sinh dựa vào trả lời”, Phạm Thị Hồng Ngọc, thi khoa Sư phạm Toán nói.
Nữ sinh này cho biết, ngoài một số câu lạ thì đề Vật lý năm nay vẫn xoay quanh những nội dung cơ bản như: dao động, điện từ, sóng âm, phản ứng hạt nhân, cơ, điện, ánh sáng. Phần lý thuyết khá dài nhưng tương đối cơ bản. Đề có khả năng phân hoá học sinh rất cao vì những câu dễ thì rất dễ, khó lại cực khó. Chỉ cần 15 phút thí sinh này đã hoàn thành chắc chắn 30 câu trắc nghiệm. Tuy nhiên, càng về sau, nội dung hỏi càng hóc búa, mất nhiều thời gian làm.
“Em làm được chắc chắn 35 câu. Các bạn khác trong phòng thi của em đều nộp bài với vẻ mặt nhăn nhó”, Ngọc nói.
Lê Thu Hương (THPT Lương Thế Vinh) và Nguyễn Bích Diệp (THPT Bắc Thăng Long) thì thở ngắn than dài vì đề Vật lý không có phần tự chọn. “Nhiều đứa lớp em toàn ôn kiến thức nâng cao mà bỏ qua phần cơ bản. Với đề này chắc chúng nó không làm được”, cả hai nói.
Hai nữ sinh cũng nhận định, đề thi năm nay có sự bao quát kiến thức rất cao. Gần như tất cả nội dung học trong lớp 12 được đề cập. Một số câu liên quan kiến thức lớp 10, 11.
Ở Hội đồng thi Đại học Công đoàn, nhiều thí sinh thích thú vì đề khá thú vị, có tính ứng dụng và đặc biệt có sự phân loại học sinh rất rõ. Tiếng trống kết thúc buổi thi vang lên khoảng 5 phút, các thí sinh bước ra cổng trong tiếng vỗ tay chào đón của sinh viên tình nguyện và phụ huynh.
Giáp Thị Thu (Bắc Giang) tâm sự, đề thi sát với chương trình học, trong đó chương trình lớp 12 chiếm 80%. Điểm đặc biệt khiến em thấy đề hay là nhiều câu có tính ứng dụng, sát thực tế như câu về đo cường độ điện, ánh sáng laser...
"Khi học chúng em đã được thầy cô liên hệ khá nhiều nên không thấy bỡ ngỡ. trong 50 câu em làm được khoảng 40 câu và hy vọng đạt 7-8 điểm", Thu nói.
Còn với Kiều Văn Chuyển (Hà Nội), đề năm nay không quá khó, nhưng có sự phân loại học sinh rất cao. Trong 50 câu thì khoảng 10 câu là hóc búa. Chuyển dự tính được 6-7 điểm với hơn 30 câu hỏi làm được.
Ở Đà Nẵng, nhiều thí sin cũng kết thúc môn Vật Lý với vẻ mặt căng thẳng, khiến nhiều phụ huynh lo lắng theo. Theo các em, dù "không bỏ trống ô nào", nhưng nhiều câu phải "đánh bừa".
Bùi Xuân Quý, địa điểm thi trường CĐ Đức Trí, cho hay đề năm nay không quá khó nhưng để đạt điểm tối đa là rất khó. "Phần sóng cơ và phần điện có nhiều câu mang tính phân loại, đặc biệt là tìm giá trị f1 phần điện. Em đã cố hết sức nhưng không giải được", Quý nói.
Ngược lại, thí sinh ở các điểm ĐH Bách Khoa, Sư phạm... tự tin nắm chắc những kiến thức cơ bản thì hoàn toàn có thể đạt điểm khá.
Tại TP HCM, khác với môn Toán, khi trống đánh hết giờ làm bài thí sinh mới được ra khỏi hội đồng thi. Môn thứ hai được nhiều thí sinh đánh giá là vừa sức, ngoài những câu gỡ điểm thì cũng có khá nhiều câu có thể phân loại thí sinh.
Rời điểm thi ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM, Võ Nguyễn Hàn Giang cho biết đề thi có 50 câu thì hơn 60% là bài tập còn lại là lý thuyết. Các câu lý thuyết được cho là câu gỡ điểm bởi toàn kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, chỉ cần nắm vững là làm được.
Các câu bài tập thuộc phần sóng, cơ học, dòng điện xoay chiều, LC mặt kính... lại là dạng bài tập khó, phải học khá mới có thể làm được. "Em đã phải làm hết thời gian mới hoàn thành được bài, hy vọng có thể đạt 6 điểm trở lên", Giang nói.
Tương tự, Minh Vy nhận định so với năm trước đề năm nay vừa sức, kiến thức tập trung chủ yếu ở lớp 12. Tuy nhiên, nếu chỉ nắm kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa thì chỉ làm được 60% đề, phần còn lại thuộc kiến thức nâng cao. Vy ước chừng mình được 7 điểm môn này.
Thầy Đào Tuấn Đạt, giáo viên Vật lý THPT Anhxtanh nhận xét, một nửa số câu của đề thi Vật lý cực kỳ cơ bản, giống câu hỏi thi tốt nghiệp. Học sinh chỉ cần hiểu hiện tượng và có kỹ năng tính toán đơn giản là tìm được đáp số. Như vậy, học sinh chăm chỉ thì dễ dàng được 5 điểm.
Đề thi có nhiều câu hỏi khó hơn so với năm ngoái, không chỉ tập trung vào chương dòng điện xoay chiều như mọi năm mà còn xuất hiện ở các chương khác như sóng cơ và dao động cơ. Các bài này đòi hỏi học sinh phải hiểu sâu sắc hiện tượng, có kỹ năng tính toán tốt và phải có một quá trình rèn luyện trước đó mới làm được.
Đề thi có 2 câu sẽ lạ với học sinh là câu số 44 (mã đề 825) đề cập tới các khái niệm trong âm nhạc như là quãng, nốt, game (âm giai), và câu số 1 (mã đề 825) đề cập tới cách sử dụng đồng hồ hiện số.
"Với đề thi này thì phổ điểm chủ yếu là 6, 7 và khó đạt được 9, 10 với sự khác biệt rõ ràng về mức độ giữa 50% câu hỏi cơ bản và 50% câu hỏi nâng cao. Đề thi hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu "2 trong 1", tức vừa để xét tốt nghiệp, vừa dùng để tuyển sinh vào đại học", thầy Đạt nói.