Ngay sau khi ký ban hành bản phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, trong đó chính thức quy định những điều chỉnh trong tuyển sinh ĐH, CĐ 2012, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã về Đà Nẵng tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 ngày 26-2.
Học sinh được cung cấp thêm nhiều thông tin cần thiết để chọn ngành và nghề nghiệp cho tương lai - Ảnh: Đoàn Cường
Tại ngày hội do Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Đà Nẵng và Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) tổ chức, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cùng gần 30 thành viên ban tư vấn đã cung cấp cho học sinh miền Trung những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Những lưu ý sát sườn
Suốt ngày hội, ngoài phần tiếp xúc với các trường tại gian tư vấn, các câu hỏi của học sinh tại các khu vực tư vấn chuyên sâu tập trung vào các nội dung: những thông tin trước kỳ thi, việc học tập khi đã trúng tuyển và cơ hội nghề nghiệp khi ra trường. Rất nhiều thí sinh băn khoăn ngày thi chính thức của kỳ tuyển sinh năm nay bởi có nhiều thông tin về ngày thi sẽ thay đổi so với năm trước.
Một thí sinh được nộp bao nhiêu hồ sơ, được dự thi mấy đợt, có được tích hợp điểm môn toán, lý khối A và tiếng Anh khối D để xét tuyển khối A1 vào trường khác, đề thi ĐH có ra nội dung trong phần giảm tải... là những câu hỏi được rất nhiều thí sinh đặt ra. TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, chân tình chia sẻ: học sinh nộp bao nhiêu hồ sơ cũng được và đều nhận được giấy báo dự thi. Tuy nhiên, dù nộp bao nhiêu hồ sơ thì trong mỗi đợt thi, thí sinh chỉ có thể dự thi tại một trường. Do vậy, thí sinh cần hết sức cân nhắc để tránh tốn chi phí không cần thiết. Đề thi ĐH, CĐ bám sát chương trình THPT, đặc biệt là lớp 12. Phần giảm tải sẽ không ra trong đề thi. Thí sinh cũng hết sức lưu ý: đề thi một số môn, ngoài phần chung cho tất cả thí sinh sẽ có phần tự chọn (cho thí sinh phân ban và không phân ban). Thí sinh được quyền chọn phần nào làm cũng được nhưng khi đã chọn phần nào chỉ được làm phần đó. Nếu làm cả hai phần coi như phạm quy và không được chấm điểm phần tự chọn.
Trong khi đó, nhiều thí sinh băn khoăn không biết trường nào tuyển khối A1 vì năm nay Bộ GD-ĐT không phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012. Các thành viên ban tư vấn chia sẻ: tùy vào điều kiện của mình, các trường có thể bổ sung khối A1 vào khối tuyển sinh của mình. Vì Bộ GD-ĐT mới chính thức quyết định bổ sung khối A1 nên nhiều trường cũng vừa bổ sung khối thi này. Do đó, những thông tin do trường công bố trước đây có thể chưa chính xác. Thí sinh muốn dự thi vào trường nào cần vào trang web của trường đó để có được thông tin chính xác nhất. Trong khi đó, thiếu tá Trần Văn Đồng - phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy - thông tin đến nhiều thí sinh quan tâm nhóm ngành công an, quân đội: năm nay các trường khối này vẫn chỉ tuyển sinh các khối truyền thống, chưa tuyển sinh khối A1.
Về các quy định tuyển sinh riêng, ThS Giang Thị Kim Liên - phó trưởng ban đào tạo ĐH Đà Nẵng - tư vấn: ngoài điểm sàn chung của Bộ GD-ĐT, ĐH Đà Nẵng còn có điểm sàn riêng của trường (thường cao hơn điểm sàn của bộ). Nếu thí sinh đạt điểm sàn của trường nhưng không đạt điểm chuẩn vào ngành mình đăng ký, thí sinh sẽ được xét trúng tuyển vào trường và được đăng ký chuyển sang ngành khác cùng trường. Năm nay Trường ĐH Sư phạm sẽ không áp dụng việc nhân hệ số môn thi đối với các môn trùng với tên ngành (như văn, sử, địa, toán...).
Chọn ngành nhiều nhu cầu nhân lực
Không chỉ băn khoăn về quy định, những điểm mới trong tuyển sinh, học sinh tham gia ngày hội còn thắc mắc về cơ hội việc làm mà mình muốn theo học. Nhiều học sinh muốn theo học ngành du lịch nhưng lo lắng cơ hội việc làm ngành này ở miền Trung liệu có nhiều hay không. Giải đáp băn khoăn này, các thành viên ban tư vấn chia sẻ về nhu cầu nhân lực từ sự phát triển của ngành này, đồng thời cũng nhắc nhở thí sinh rằng ngành nào cũng có nhu cầu nhân lực, cơ hội việc làm tùy thuộc chính bản thân người học, vào kết quả học tập, kiến thức và kỹ năng sinh viên tích lũy được.
ThS Giang Thị Kim Liên chia sẻ Đà Nẵng là trung tâm của miền Trung. Tại đây có nhiều tuyến bay đi các nước trên thế giới, có các khu du lịch nổi tiếng, thu hút rất nhiều khách du lịch. Ở đây có nhiều công ty du lịch và lữ hành đang hoạt động, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư vào ngành này tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận. Hằng năm các công ty này đều có nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này.
Học kỹ thuật hạt nhân chỉ làm việc trong nhà máy điện hạt nhân? TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) - tư vấn ngành này có hai chuyên ngành, sinh viên có thể theo hướng năng lượng, điện hạt nhân. Hướng thứ hai là kỹ thuật hạt nhân. Hướng này chú trọng vào ứng dụng hạt nhân trong các lĩnh vực nông nghiệp, y học, khai thác dầu khí... Học kỹ thuật hạt nhân có thể làm việc tại các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy có ứng dụng về kỹ thuật hạt nhân, làm trong các bệnh viện, lĩnh vực nông nghiệp, y học, khai thác dầu khí... chứ không bó hẹp trong nhà máy điện hạt nhân.
Trong khi đó, các thành viên ban tư vấn cũng chia sẻ thêm: chương trình đào tạo ở bậc ĐH khá rộng, trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản. Để có thể làm việc và phát huy tốt năng lực của mình, sinh viên phải không ngừng phấn đấu, trang bị thêm các kỹ năng mềm phục vụ công việc của mình. Hơn nữa, chương trình đào tạo khá rộng nên không nhất thiết học ngành nào phải làm việc trong ngành đó. ThS Lâm Tường Thoại - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) - cung cấp thêm: ngành kiểm toán đào tạo phần lớn môn học giống như kế toán. Tốt nghiệp kiểm toán vẫn có thể làm kế toán. Người tốt nghiệp kế toán cũng có thể thi lấy chứng chỉ để làm kiểm toán viên. Chương trình học có khác nhau nhưng tốt nghiệp kế toán có thể làm kiểm toán và ngược lại. Tuy nhiên, vừa tốt nghiệp ngành kiểm toán chỉ có thể làm kiểm toán nội bộ ở các công ty. Muốn làm kiểm toán viên ở các công ty kiểm toán độc lập hay kiểm toán nhà nước, ứng viên phải học và được cấp chứng chỉ hành nghề mới được làm kiểm toán viên.
TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - nhấn mạnh: không phải tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng mới có thể làm việc trong ngân hàng. Trong ngân hàng có nhiều phòng ban khác nhau, cần người tốt nghiệp ở các lĩnh vực phù hợp như marketing, nhân sự, công nghệ thông tin, tài chính... Điểm chuẩn ngành tài chính ngân hàng khá cao, do đó thí sinh có thể cân nhắc thi vào các ngành khác để sau này có thể làm việc trong ngân hàng.