Pho tượng cổ bảo hộ làng chài nghèo
Đến thôn Hải Giang, hỏi đường đến chùa Linh Sơn ai cũng biết, hỏi thêm về pho tượng bí hiểm trong chùa, người dân càng hào hứng kể vanh vách.
Chùa Linh Sơn có thờ pho tượng cổ bằng đá mà dân gian quen gọi là tượng Phật lồi. Pho tượng tạc hình dáng một vị tu sĩ trong tư thế ngồi thiền, tay trái đặt lên đùi, tay phải cầm tràng hạt, mình trần, thân đeo một mảnh vải vắt chéo qua vai trái. Tượng cao 0,82m, ngang 0,46m. Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, cho biết: “Tượng Phật Lồi ở Hải Giang là tượng thần Shiva do người Chăm tạc, có niên đại khoảng thế kỷ XI - XIII”.
Đặc biệt, lưng tượng là một tấm bia hình ngũ giác cao 60cm, rộng 45cm, có 12 dòng chữ Chăm cổ đến nay vẫn chưa ai dịch nghĩa được. Được biết, Viện Viễn Đông bác cổ ở Pháp sang cũng đã lấy mẫu chữ đằng sau pho tượng Phật Lồi về nghiên cứu nhưng chưa có kết quả.
Theo ông Trương Long (82 tuổi, ở thôn Hải Giang), người trông coi chùa Linh Sơn, tượng Phật lồi lộ ra từ lòng đất khi một người dân Hải Giang cày ruộng canh tác và cả làng cùng nhau lập đền để thờ. Sau nhiều lần di chuyển lên cao dần, vị trí đặt tượng ngày nay cách địa điểm phát hiện pho tượng khoảng 300m. Chùa Linh Sơn được xây dựng từ đó, nay đã hơn 200 năm. Chùa ngày càng được mở rộng dần, người ta hiến tặng các tượng Phật, Bồ tát để thờ chung với pho tượng cổ.
Màn sương huyền thoại bao trùm pho tượng này bắt đầu từ khoảng 1 thế kỷ trước. Theo ông Nguyễn Văn Hậu (60 tuổi, ngụ thôn Hải Giang), đó là chuyện hai ngư dân trong thôn một ngày kéo lưới tại vùng biển gần bờ, không may bị trượt chân ngã xuống biển. Dân làng ra sức tìm kiếm hai ngày liên tiếp nhưng không thấy. Gia đình đến chùa Linh Sơn cầu khấn, xin tượng Phật lồi bảo hộ cho những người bị nạn. Tình cờ, chỉ ngay sau đó, người làng đã tìm thấy họ còn sống, trôi lơ lửng cùng với chiếc phao cách nơi bị nạn gần 2km.
“Huyền thoại” về pho tượng còn tiếp nối bằng nhiều sự may mắn trùng hợp ngẫu nhiên khác. Như cách đây ba năm, anh Nguyễn Văn Tại (40 tuổi, ngụ thôn Hải Giang) bị đau một trận thập tử nhất sinh chạy chữa mãi nhưng không hết. “Nghĩ là mình bị ma ám nên tôi lên chùa Linh Sơn cầu nguyện xin tượng cổ phù hộ hết bệnh”, anh Tại nói. Tình cờ sau lần cầu xin đó, anh dần đỡ bệnh, đến nay đã có sức khỏe để ra khơi đánh cá. Dù lý do khỏi bệnh là từ thuốc men, nhưng trong quan niệm của người đàn ông này, anh vẫn một mực cho rằng mình được tượng “phù hộ”.
Người dân làng chài Hải Giang chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá. Giữa biển khơi mênh mông, thân phận con người nhỏ bé như hạt cát trong sa mạc, có lẽ vì vậy mà họ cầu đến “thánh thần”. Trước mỗi chuyến đi biển, ngư dân lại nô nức đến chùa cầu xin tượng Phật, có ngày lên tới vài chục người; nhiều người trong làng biển khác nghe tiếng, cũng rủ nhau thuê xe lớn đến cầu xin.
Tượng “báo oán” kẻ trộm
Người làng cũng còn truyền tai nhau câu chuyện từ năm 1945, khi quân Nhật chuẩn bị rút về nước, một viên sĩ quan người Nhật tại Quy Nhơn dẫn một toán lính tới chùa Linh Sơn khiêng pho tượng cổ đi. Lạ kỳ là cả chục thanh niên khỏe mạnh hè nhau hết sức lực vẫn không khiêng được pho tượng, đành phải bỏ về. Chiến tranh loạn lạc, một số người làng tham gia vụ trộm năm ấy người chết trận, người đau bệnh, người chết bất đắc kỳ tử sau đó, nhưng một số người làng nhất mực: “Do Phật hiển linh, muốn ở lại với dân làng Hải Giang nên không ai có thể dời Phật đi nơi khác. Phật đã gắn bó sâu đậm nghĩa tình với người dân nơi đây nên cương quyết ở lại để phù hộ cho làng, cho những người dân nghèo”.
Bức tượng này còn được gọi là “bất khả xâm phạm” khi sau đó còn gắn liền với hàng loạt vụ trộm bất thành khác. Khoảng năm 1980, có một nhóm người từ vùng khác đến đây trộm tượng. Trong đêm, họ xúm vào khiêng tượng đi, nhưng khi vừa đặt tay vào tượng thì những kẻ trộm bị tê cứng tay chân. “Thần hồn nát thần tính”, những người không tê chân tay chạy tán loạn, những người đang tê chân tay cũng sợ đến tỉnh người, tháo chạy khỏi chùa.
Mười chín năm sau, năm 1999 lại xuất hiện vài người lạ đến phối hợp cùng một số người trong làng săn tìm đồ cổ, đồ đồng đen... Một đêm, họ phá khóa gian thờ chính điện, định khiêng tượng Phật Lồi đem đi bán thì bỗng dưng trời nổi sấm sét, mưa ầm ầm. Cho rằng “có điềm”, họ lẳng lặng bỏ đi. Lần bị trộm cuối cùng là năm 2000, một nhóm thanh niên trong thôn biết không thể di chuyển được Phật nên vác búa đập tượng định bán sắt vụn. Lạ là dù lực đập mạnh đến đâu cũng không hề sứt mẻ tượng. Một người trong số này bất ngờ mất trí nhớ, đến nay vẫn chưa phục hồi.
Ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải nhận xét về pho tượng trong ngôi chùa ở địa phương mình: “Những câu chuyện trộm tượng, có vụ có thật, cũng có những chuyện được người dân vì quá sùng bái tượng nên thêu dệt”.