Tiến sĩ Trần Đình Bá (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam), nguyên là sĩ quan tham mưu từng sống trong những ngày đất nước gồng mình chống đỡ cuộc tập kích bằng B-52 của kẻ thù đã có những chia sẻ một câu chuyện ít biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng:
Dẫu biết Vĩ nhân cũng không thể cưỡng lại quy luật “sinh tử” nhưng cái tin Đại Tướng Võ Nguyên Giáp từ trần vẫn làm cho hàng triệu trái tim bất ngờ luyến tiếc. Ông là vị tướng “Không bao giờ bị bắt”, một vị Tướng mà kẻ thù đã từng ra lời “thách đấu” tại Điện Biên, là mục tiêu mà kẻ thù đã dùng đến sức hủy diệt mạnh nhất vẫn không thể giết được Ông.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đó là những ngày Đế quốc Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II tháng 12/1972 dùng B-52 tấn công Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố lớn ở miền Bắc, lương tri nhân loại cùng những người Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới…đồng bào chiến sỹ miền Nam, đặc biệt là vùng tuyến lửa Quảng Bình-Vĩnh Linh hướng về Thủ đô Hà Nội với một nỗi lo lắng cho Trung ương Đảng và Chính phủ, cho Đại tướng Tổng tư lệnh đứng đầu lực lượng Vũ trang có trụ nổi không?
Có hầm trú ẩn kiên cố đủ cho dân tránh giảm tổn thất B-52 hay không, đánh B-52 như thế nào? Và nhất là bộ đội phòng không bảo vệ Thủ đô được bao lâu như những năm khói lửa 1946 “Cảm tử để Tổ quốc trường sinh” trước sức hủy diệt kinh khủng của bom B-52 chỉ đứng sau bom nguyên tử.
Quảng Bình-Vĩnh Linh là nơi lần đầu tiên đương đầu sự hủy diệt của B-52 và phải chịu đựng nhiều phi vụ B-52 nhất nên quá hiểu rất rõ sức tàn phá của nó. Mỗi phi đội B-52 có 3 chiếc mang theo 100 tấn bom, bay ở độ cao trên 11.000m để tránh tên lửa phòng không, trút bom xong là lập tức nghiêng cánh đổi hướng rút chạy. Và khoảng 3-5 phút sau bom ở mặt đất mới phát nổ cách nơi cắt bom 15km nên vùng bị trúng bom không hề nghe tiếng máy bay để trú ẩn.
Phi đội B-52 tạo ra 3 vệt bom liên tiếp nhau, mỗi vệt có diện tích rộng 300-500m kéo dài khoảng 1-1,5km diễn ra trong 10 giây nên không ai kịp tìm đường trú ẩn, hàng trăm đợt B-52 vào Thủ đô mỗi đêm tần suất như vậy, kéo dài liên tiếp thì chỉ vài ngày thì diện tích cả Thủ Đô nằm gọn trong “vùng phủ bom B-52”, bị “cày đi bừa lại” kỹ như làm đất canh tác thì không còn một sự sống nào tồn tại, chưa tính các loại máy bay khác thi nhau dội bom, bắn tên lửa…
Sức công phá của bom B-52 mà nhiều như thế thì gấp nhiều lần 2 trái bom nguyên tử được ném xuống Nhật Bản (tháng 8/1945) và rồi bao nhiêu người dân phải chung số phận như ở Hiroshima và Nagasaki.
Nhân dân vùng Tuyến lửa lo lắng cho Thủ đô đang phải gồng mình chịu một “cơn địa chấn” lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Tất cả nhìn về phía Bắc nơi có Thủ Đô như trái tim mình, nín thở hồi hộp suốt chiến dịch qua sóng thu thanh vì phương tiện thông tin nhanh nhất quý nhất, duy nhất lúc đó chỉ là radio, còn báo viết thì đến chậm cả tuần.
Qua sóng thu thanh, nhân dân vùng tuyến lửa đã nhận được những tin chiến thắng ngay từ ngày đầu - ta đã diệt được B-52, bắt sống giặc lái. Tin chiến thắng qua sóng thu thanh đã làm nức lòng nhân dân song có lúc tưởng chừng làm cho triệu trái tim của người dân Việt Nam và vùng “tuyến lửa” hướng về Thủ đô có lúc dường như phải ngừng đập.
Đó là những lúc Đài Tiếng nói Việt Nam đang phát sóng thì bỗng dưng tắt, tín hiệu âm thanh vẫn nghe “rào rào…ồ ồ…” một phút, hai phút… rồi 10, 12 phút làm mọi người tưởng như ngừng thở, tới 15 phút sau bỗng có tiếng phát ra “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam… cùng nhạc hiệu hoành tráng vang lên làm người dân vỡ òa hạnh phúc. “Đài tiếng nói Việt Nam còn… Hà Nội còn…, Thủ đô còn là Tổ quốc vẫn sống!"
Đại tướng duyệt kế hoạch tác chiến đánh B-52 tập kích vào Hà Nội, 1972.
Vào đỉnh điểm ác liệt nhất của chiến dịch, sóng vô tuyến của một hãng thông tấn phương Tây phát tin dữ vào 6h sáng sau một đêm Hà Nội hứng bom: “Tướng Giáp tử nạn B-52 khi vừa đến kiểm tra trận địa phòng không ở nhà máy Cơ khí….” và các đài khác đồng loạt dẫn tin này.
Biết là đài địch, những thông tin đó được gọi là “Chiến tranh tâm lý” mà nhân dân vùng “Tuyến lửa” thì quá hiểu để cảnh giác, song ai cũng phải hồi hộp lo lắng: Bom đạn như thế, cuộc đụng đầu lịch sử như thế, Đại tướng Tổng tư lệnh là người trực tiếp chỉ huy, là mục tiêu số 1 mà kẻ thù hướng đến để đánh quỵ tinh thần đối phương. Bom B-52 mà sức hủy diệt không kém bom nguyên tử thì làm sao tránh khỏi. Đại tướng Tổng tư lệnh ngã xuống lúc này thì ai sẽ chỉ huy có tài thao lược… để ngăn được “Cơn lốc hủy diệt Linebacker II”.
Thế nhưng, trưa hôm ấy Đài tiếng nói VN đưa tin: “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp sáng nay vừa đến thăm, động viên kịp thời đơn vị phòng không Z bắn rơi B-52 bắt sống giặc lái…”.
Nhân dân sau khi nghe đến bản tin radio mừng khôn xiết, bảo nhau: “Thấy chưa, biết ngay là chiến tranh tâm lý, nó muốn tung tin lung lạc tinh thần của quân dân Hà Nội và cả nước. Đại tướng ơi! Đại tướng đừng hy sinh… Đại tướng phải thắng”, mọi người thốt lên sung sướng.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm trận địa tên lửa Tiểu đoàn 77 - đơn vị xuất sắc bắn rơi B-52 trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 1972.
Sau này các tuyên truyền viên từ Hà Nội vào tuyến lửa khu 4 kể về chiến thắng lịch sử: “Ta không cần đưa tin phủ nhận hay thanh minh mà chỉ đưa tin Đại tướng Tổng tư lệnh đến thăm… thế là đủ, lập tức buổi chiều hôm đó, thông tấn BBC 18h30 cùng các hãng thông tin khác đều “nhất thanh” chính thức bác bỏ thông tin đã đưa sáng nay về Đại tướng Tổng tư lệnh, thừa nhận thêm nhiều B-52 rơi nhiều càng làm cho chiến dịch đánh vào Thủ đô ta bằng “Chiến tranh tâm lý” thất bại. Cỗ máy “chiến tranh điện tử” tuyên truyền đồ sộ, tinh vi trở thành “gậy ông đập lưng ông” thêm một lần nữa thất bại, tự khẳng định sự thất bại trong cuộc chiến, lại cỗ vũ quân dân Hà Nội toàn thắng”.
Tôi đã sống tuổi niên thiếu cho đến trưởng thành, hưởng trọn đủ “mùi đạn bom vùng thời Tuyến lửa”, sống sót dưới làn bom B-52 – trận cuối cùng trong lịch sử chiến tranh dội xuống Quảng Bình ngày 2/1/1973 rồi “xếp bút nghiên” ở trường Đại học Kiến trúc Hà Nột để lên đường, hòa vào đoàn quân trong chiến dịch Đại Thắng Mùa Xuân 1975 rồi lại lại lao ra chiến trường sống mái trực tiếp với quân thù.
Tôi kính trọng ngưỡng mộ vị “Tổng chỉ huy bất tử”. Ông trở thành vị Tổng tư lệnh làm nên “Hai Điện Biên chấn động địa cầu” và “Đại thắng Mùa Xuân”, lại thọ trên “Bách niên” cùng Nhân dân cả nước và Thủ đô kỷ niệm “40 năm Điện Biên trên không” ấy mới là “Tuyệt vời” chứ.
Đại tướng Tổng tư lệnh đã lập kỳ tích trong lịch sử Việt Nam và quốc tế: Đại tướng của cả hai lần “Điện Biên”, là Đại tướng của nhiều “Đại thắng”, là “Đại tướng Anh cả của tất cả các Đại tướng đã qua chiến tranh và hôm nay, ngày mai – là Tổng tư lệnh của tất cả các Tư lệnh – là Chính ủy của các chính ủy, lại còn là “Đại tướng” đứng trực diện dưới mưa bom B-52 chỉ huy chiến đấu và chiến thắng B-52 khi đối phương coi đó là “mục tiêu số 1 phải tiêu diệt”.
Tổng hợp những cái “Đại” trên là quá đủ để Bảo tàng Hoàng gia Anh nhạy cảm khôn ngoan chọn lọc đúc tượng Vàng cho một vị tướng tài thế giới mà nhiều nước trong các chính kiến khác nhau đều phải khâm phục nể trọng .
Đã từ lâu trong trái tim tôi, Ông là Đại – Đại tướng – một Anh hùng dân tộc và tinh thần: “Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” để làm nên Đại Thắng!
Tôi có câu chuyện trong chiến tranh bây giờ mới kể về “Tướng Giáp tử nạn B-52” do kẻ thù dựng nên để ngưỡng mộ về một vị Đại tướng Tổng tư lệnh “ Bất tử”.
Vậy mà mùa thu này Đại Tướng đã ra đi.
Tôi hướng về Thủ đô và Xin nghiêng mình vĩnh biệt Đại tướng – Người Anh hùng dân tộc bất tử.