Tuy nhiên ẩn sau đôi lông mày rậm rịt lại là đôi mắt phảng phất những nét buồn u uất. Trong suốt buổi nói chuyện với tôi, không ít lần những giọt nước mắt rơi xuống từ đôi mắt ấy khi Thanh đã kể về tuổi thơ cơ cực của mình. Một tuổi thơ không trọn vẹn và thiếu đi hơi ấm, tình yêu người mẹ.
Tuổi thơ không trọn vẹn
Tạ Văn Thanh sinh ra ở miền quê nghèo vùng bán sơn địa Yên Dũng - Bắc Giang. Thanh khổ từ tấm bé, mới lên 3 tuổi, Thanh đã phải đối mặt với một biến cố lớn xảy ra trong đời. Mẹ Thanh theo bạn đi lên Lạng Sơn làm ăn buôn bán rồi từ đó bặt luôn tin tức. Không một ai có thể biết chính xác người đàn bà ấy ở đâu và làm gì. Có người bảo mẹ Thanh bị kẻ xấu lừa bán sang bên kia biên giới, kẻ lại nói bà bỏ bố con Thanh để đi theo người đàn ông khác. “Đến bây giờ trong những giấc ngủ chập chờn, đôi lúc em vẫn mơ được gặp mẹ nhưng không thể hình dung nổi khuôn mặt mẹ như thế nào. Em chỉ còn nhớ láng máng ngày mẹ đi em còn chạy theo ra đến cổng, cách đấy không xa em nhìn thấy bóng mẹ em mặc bộ quần áo màu đen, đội nón và đi chiếc xe đạp, em khóc, đuổi theo mẹ và bị ngã…”. Thanh nói rồi chỉ cho tôi xem vết tích của chiếc sẹo ngày bé vẫn còn ở trên trán.
Mấy năm sau ngày mẹ Thanh bỏ nhà đi không tin tức, bố Thanh đi bước nữa với một người đàn bà hơn 2 tuổi đã quá lứa nhỡ thì ở xóm kế bên. Cuộc sống bên người mẹ mới không thể khiến Thanh quên đi được nỗi buồn và nỗi nhớ người đã sinh thành ra mình. Càng lớn Thanh càng trở nên lầm lì, ít nói và mối quan hệ với người mẹ kế cũng gặp nhiều những trắc trở. Một thời gian rồi bố Thanh theo vợ về sống ở một nơi khác. Thanh không theo bố mà ở lại với ông bà nội. Ông nội Thanh làm nghề mài dao kéo lên vẫn thường ngược xuôi khắp mọi miền, chẳng mấy khi có mặt ở nhà, thời gian này, Thanh chủ yếu sống với bà nội. “Em có hay gặp lại bố không?” - tôi hỏi. “Cũng không nhiều anh ạ, sau khi bố em đi, ngôi nhà trước đây ông bà em đã quyết định để lại cho chú thứ 3 nên bố em cũng ít về. Mỗi lần về bố cũng quý em lắm thường bế em, thỉnh thoảng còn cho tiền, nhưng em thì không muốn về chỗ bố vì không muốn phải ở chung với dì…” - Thanh trả lời.
Quãng đầu năm 2000, bà nội Thanh mắc bệnh rồi qua đời. Ngày bà nội còn sống, bà là người luôn quan tâm và chăm sóc cho cuộc sống hàng ngày của Thanh thay cho mẹ. Vì vậy mà lúc bà mất một lần nữa cuộc đời Thanh lại phải chịu một cú sốc vượt quá sức chịu đựng. Khi đó Thanh mới học hết lớp 5, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới ấy”, Thanh phải tự định đoạt lấy cuộc sống của mình. Và rồi cậu quyết định bỏ học lên Lạng Sơn ở nhà người quen để kiếm việc làm. Công việc của Thanh lúc bấy giờ là xách hàng, ai thuê làm cái gì thì làm cái đó, người ta trả bao nhiêu tiền thì biết bấy nhiêu. Có hôm chẳng có hàng để xách thì lại phải chơi dài.
Ban đầu Thanh ở nhà người quen, sau rồi lớn hơn chút, có tí “sĩ diện”, Thanh dọn ra ở nhà trọ thuê với đám cửu vạn. Tiền kiếm được cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống và sắm sửa chút ít quần áo gọi là. Trong thời gian làm ở đấy, Thanh quen với một người anh ngoài xã hội. Biết hoàn cảnh của Thanh nên anh ta rủ Thanh về Hà Nội. Thanh nhớ đó là quãng năm 2006, người anh mà Thanh quen có cửa buôn bán và sửa chữa điện thoại ở khu vực Cầu Giấy nên khi về Hà Nội, Thanh được cho ở luôn tại cửa hàng để tiện việc trông coi. Quãng thời gian làm không lương ở đây Thanh được dạy cách sửa chữa điện thoại. Và cũng nhờ có chút ít kiến thức về điện tử và sửa chữa điện thoại này mà sau này Thanh đã áp dụng vào việc chế tạo ra mìn kích nổ bằng điện thoại nhằm mục đích gây án. Không may mắn cho Thanh, khi mà những tưởng nó sẽ học tạm được một thứ nghề để ổn định cuộc sống thì cửa hàng của người anh làm ăn thua lỗ phải giải tán. Không tiền, không bạn bè quan hệ, không chốn dung thân, Thanh buộc phải trở về Lạng Sơn để tiếp tục với công việc “cửu vạn” của mình.
Tiệm vàng nơi xảy ra vụ việc
“Tôi muốn làm được một điều gì đó”
Làm “cửu vạn” thêm một thời gian nữa nhưng rồi nghĩ lại nếu cứ đi vác hàng thuê mãi như vậy thì làm sao mà khá được, Thanh quyết định theo bạn vào Vũng Tàu kiếm việc làm để thay đổi cuộc sống của mình. Đến năm 2010 Thanh quay về Lạng Sơn rủ thêm người em cùng bố khác mẹ là Tạ Văn Hà cùng vào làm công nhân. Thanh khá thân với Hà vì Hà hay về nhà chú chơi và gặp Thanh ở đó. Hà rất quý và nể Thanh. Cho đến bây giờ, Thanh luôn tỏ ra ân hận vì đã lôi Hà vào con đường phạm tội. Trong mắt Thanh, Hà là đứa rất hiền lành và ngoan ngoãn. Sau lần cướp hụt tiệm vàng ở Cầu Giấy vào khoảng tháng 4/2012, nghĩ một mình không thể làm được, Thanh gọi điện cho Hà từ trong miền Nam ra bảo là có việc gấp. Hà lặn lội ra ngay mà không hề nghi ngờ gì ông anh của mình. Khi Thanh kể ý định đi cướp tiệm vàng và rủ Hà tham gia, dù nó đã nhiều lần từ chối, nhưng Thanh cứ thuyết phục mãi. Vì không muốn làm mất lòng Thanh nên Hà mới nhận lời. Giờ thì việc làm của Thanh đã liên lụy đến Hà và chắc chắn Hà sẽ không tránh được bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Theo lời kể của Thanh, cuộc sống làm công nhân trong các khu công nghiệp hết sức khó khăn. Mức lương cuối cùng chỉ khoảng gần 3 triệu đồng. Sau khi trừ hết các khoản chi tiêu, sinh hoạt phí nó cũng không dành dụm và để ra được đồng nào. Thanh tâm sự: “Em cứ làm việc như vậy mãi cũng chỉ đủ để nuôi thân, không làm được gì nữa. Em tính mình phải làm một cái gì đó, mà muốn làm được thì phải có tiền, nghĩ vậy nên em mới đi cướp. Nếu đi cướp mà có tiền rồi em sẽ buôn bán gì đó hoặc để sản xuất, khi làm công nhân em cũng sản xuất các mặt hàng, nếu có tiền rồi có thể em sẽ mua máy về để sản xuất các mặt hàng”.
Nghĩ một hồi, Thanh bần thần rồi kể cho tôi nghe về câu chuyện tình cảm của nó. Thanh chia tay bạn gái cũng vì lúc nào cũng lo lắng và nghĩ mình không có sự nghiệp, không có gì hết. Thanh luôn mang trong mình cảm giác mặc cảm với cuộc sống và bản thân. Yêu nhau được một thời gian, lúc bạn gái muốn đưa Thanh về để ra mắt gia đình Thanh cũng từ chối vì lý do không kiếm nổi một chiếc xe máy ra hồn để đi. Thanh chia sẻ, lúc đầu cũng xác định sẽ cưới xin tử tế nhưng sau này suy nghĩ lại thấy mình chẳng có gì hết, chỉ đủ để sống qua ngày, cưới nhau sẽ không có tương lai nên đã quyết định chia tay người yêu.
Cái mong muốn cần tiền, phải kiếm tiền cứ đeo đẳng trong con người Thanh như một thứ quỷ ám khiến nó phải phạm tội. Thanh mong tạo dựng sự nghiệp, hoặc làm một việc gì để cuộc sống đỡ vất vả. Nhưng khi tôi nhắc làm sao có thể làm được sự nghiệp và cuộc sống có ý nghĩa hơn từ những đồng tiền phạm tội thì Thanh chỉ biết cúi đầu im lặng. Thanh đã nung nấu ý định đi cướp từ rất lâu, chính vì vậy khi gặp được một người bạn làm nghề khai thác đá, Thanh đã tỉ mỉ hỏi về cách chế tạo mìn với suy nghĩ rằng sẽ có lúc mình cần đến việc đó. Hỏi Thanh có nghĩ việc làm của mình sẽ gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng không, nó trả lời rằng, em chỉ nghĩ sẽ làm cho người ta sợ để đưa tiền cho em thôi chứ em cũng không biết hậu quả sau này sẽ thế nào. Thanh bảo nó nghĩ đơn giản rằng, lúc có tiền rồi sẽ bảo người ta cầm khối thuốc nổ này đi ra chỗ nào đó trống trải để nó kích nổ. Hôm 2 đứa rủ nhau đi cướp cửa hàng vàng, khi Hà kích nổ khối mìn bị chủ cửa hàng ném ra ngoài đường, lúc đó nó đã chạy được vài chục mét, nó chỉ biết cắm đầu chạy mà không dám nhìn lại phía sau vì có rất đông người đuổi theo. Nghe tiếng mìn nổ, nó cũng không kịp nghĩ xem mình đã gây ra hậu quả lớn như thế nào.
Ngồi trước mặt tôi sau sau gần 4 tháng bị tạm giữ trong Trại Tạm giam số 1 Công an Hà Nội, giờ Thanh mới thấy thấm thía cái giá mà mình phải trả. Nó nghẹn ngào khi nghĩ về tương lai. “Bố mẹ em sinh ra cái số của em nó đã như vậy, em chẳng thể thay đổi được, nếu như em biết chấp nhận ngay từ đầu thì có lẽ em đã không phải vào đây. Giờ thì em thấy xấu hổ với hành động của mình, sau này em chẳng biết sẽ gặp ai, em chẳng biết mình sinh ra để làm gì nữa…”. Nói đến đây Thanh ôm mặt rồi khóc. Cho đến lúc đi theo hai cán bộ công an để trở về buồng giam, đôi mắt Thanh vẫn đỏ hoe. Tôi nhìn theo cho đến khi dáng người nhỏ bé của nó khuất sau những lớp cửa sắt dày đặc.