Tùng Dương: ‘Song ca mà thể hiện mình là phi nghệ thuật’

"Đứng trước ống kính, nghệ sĩ phải diễn, từ sự diễn ấy mà khán giả nghĩ là thật thì quả là nguy hiểm", giọng ca "Ôi quê tôi" than thở.

Gặp Tùng Dương tại Hà Nội sau khi anh kết thúc vai trò là thành viên Hội đồng Nghệ thuật (HĐNT) của Sao Mai điểm hẹn 2012, thấy anh vẫn vô cùng tất bật. Bên cạnh những show diễn đã ký từ trước, anh chàng được mệnh danh là "Diva của âm nhạc đương đại" đang tích cực chuẩn bị cho show diễn riêng với một đêm duy nhất vào 15/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

- Nhiều người đến giờ vẫn thắc mắc vì sao anh từ chối vị trí huấn luyện viên của The Voice để tham gia vào HĐNT của Sao Mai điểm hẹn (SMĐH)?

- Tôi đã trưởng thành từ SMĐH 10 năm trước, ê-kíp làm chương trình này đã cố gắng làm những việc để tạo ra những mới mẻ cho âm nhạc Việt Nam. Và 10 năm sau, tôi muốn trả ơn những người giúp đỡ mình.

Bên cạnh đó, tôi hy vọng sau này, các bạn trẻ thành công ở các cuộc thi cũng cố gắng vươn lên để có khi trở thành người đi góp ý nhận xét, thậm chí trở thành huấn luyện viên của người khác. Sự cố gắng để được người khác ghi nhận, chỉ điều ấy thôi, tôi nghĩ đã quan trọng hơn việc ngồi ở cuộc thi nào rồi.

Hơn nữa, người nghệ sĩ nên biết phân bố hợp lý thời gian và sự xuất hiện, không nên ồ ạt quá. Tôi cũng có những tiêu chí riêng, thích sự lặng lẽ chứ không phải ồn ào. Là nghệ sĩ nhưng tôi vẫn muốn đứng ngoài sự ồn ã của showbiz. Nếu ngồi ở những chương trình truyền hình thực tế kiểu The Voice, tôi nghĩ mình chẳng đảm bảo được tính giải trí của chương trình.

- Không phải anh từ chối vì không muốn ngồi chung chiếu với Đàm Vĩnh Hưng và Hà Hồ như nhiều người nghĩ?

- Tôi nghĩ, tiêu chí cuộc thi với tính giải trí của nó khiến tôi không thấy hợp thôi. Chẳng có lý do nào khác để đồn đoán đâu.

- Chẳng phải cuộc thi ấy quan trọng nhất là giọng hát, ưu thế tuyệt đối của anh khi tham gia làm huấn luyện viên đó sao?

- Không nên nhìn nhận vấn đề quá khô cứng. Tôi nghĩ, trong thời đại ngày nay, khi đã lên truyền hình, ít nhiều cũng phải để ý đến tổng thể chứ không chỉ giọng hát. Nếu thí sinh chỉ cần giọng hát, thì có thể thi chương trình của Đài phát thanh. Các cuộc thi hát trên thực tế chỉ là những phiên bản khác nhau để thể hiện cùng một nội dung là tìm kiếm tài năng, có Idol thì cũng có thể có X-Fator, The Voice vậy thôi.

- Anh là nghệ sĩ cá tính, vậy có ngại phải nói ra những điều có thể gây tổn thương cho người khác nhưng góp phần thúc đẩy âm nhạc nước nhà không?

- Tôi nghĩ, nếu có thể mất lòng một xíu mà có mục đích trăn trở tìm ra những giá trị đích thực cho âm nhạc thì chúng ta có thể đưa ra những nhận xét thẳng thắn. Bạn có thể thấy rất nhiều người đã từng ngồi ghế ở HĐNT và nói ra những lời rất khó nghe, thẳng thắn đến mức người bị nói có thể khóc ngay tại chỗ. Sự thật bao giờ cũng phũ phàng. Người nghệ sĩ nhạy cảm, họ đâu biết đâu là điểm dừng và dừng ở đâu thì tốt.

- Khi anh nói ra những điều khó nghe, có sợ bị "ném đá"?

- Tôi chuẩn bị cho mình những sự rèn luyện để đối đầu. Hơn nữa, quan điểm của tôi là người nghệ sĩ nên lắng nghe nhiều hơn là nói. Ngày xưa có rất nhiều người thắc mắc, trông yếu và gầy như Tùng Dương không chắc trở thành một ca sĩ. Giữa dòng suy nghĩ ấy, tôi phải chứng minh theo thời gian, không phải chú tâm vào những gì nhất thời. Tôi nghĩ, hãy chứng minh năng lực của mình qua thời gian để thay đổi nhận định của người khác về bản thân mình. Đó mới là điều quan trọng.

- Như vậy, sự phản ứng nóng vội khi bị "ném đá" thể hiện sự thiếu kiên nhẫn và chín chắn?

- Tôi nghĩ khó gọi tên sự chín chắn trong mỗi con người, đặc biệt là nghệ sĩ. Bản thân người nghệ sĩ rất bốc đồng và bản năng, rất ít người lý trí trong mọi trường hợp. Những nghệ sĩ sống lâu năm trong nghề sẽ nhận thức chín chắn hơn người trẻ tuổi. Cũng thông cảm thôi, con người không ai hoàn hảo cả.

- Có bao giờ anh bản năng đến mức đánh mất cả mối quan hệ tốt đẹp của mình?

- Tôi theo đạo Phật và hiểu rõ chân lý của đạo là hướng thiện và con người không nên giẫm đạp lên nhau, gây cho nhau những tổn thương trong cuộc sống. Tất nhiên, trong cuộc sống biến thiên, không thể rạch ròi đến mức không va chạm ai được nhưng nếu có thì cố gắng để xử lý một cách bình tĩnh, nhẹ nhàng. Bất cứ điều gì làm mất lòng ai, tôi cũng phải giải thích cho họ cặn kẽ để họ hiểu điều mình nói. Tôi nói như vậy để họ kỳ vọng nhiều hơn. Giống như khi nhận xét tại SMĐH, tôi cũng không nói đến mức để thí sinh mất hết ý chí, không dám hát. Như thế là quá ác với các em.

- Trong một hai tuần đầu của SMĐH, cách nhận xét khắt khe của anh dành cho Thanh Tâm khiến người ta nghĩ anh sợ cậu ta vượt qua mình?

- Chuyện thầy giáo già, con hát trẻ là chuyện đương nhiên trong cuộc đời. Khi được sống với đam mê là điều quan trọng hơn. Tôi luôn muốn tiến lên, có những lúc không muốn nhìn lại hình ảnh cũ của mình. Khi nhìn người khác ảnh hưởng mình, tôi cũng vui và hạnh phúc chứ. Ít nhiều, tôi cũng đã cho họ sự cảm nhận.

Con người, kể cả vĩ nhân cũng trải qua hai giai đoạn, mà giai đoạn đầu tiên là sự ảnh hưởng của ai đó. Sau này mới là cái tôi cá nhân phát triển. Bởi thế, Thanh Tâm sau này cũng sẽ tìm được con đường riêng, không phải là bản sao của tôi hay bất kỳ ai khác.

- Anh có thấy nghệ sĩ thiệt thòi không, đôi khi họ không dám nói điều mình nghĩ chỉ vì phải nhìn xung quanh?

- Tôi nghĩ thay vì nói ra mà mọi người cho rằng đó là thẳng thắn thì hãy im lặng, trân trọng giải pháp lắng nghe. Những bức bách không muốn nói ra, tôi sẽ thể hiện nó trong âm nhạc. Đôi khi, sự thúc đẩy, dồn người ta đến chân tường lại bật ra được những sản phẩm hay. Ăn thua trong nghề là sản phẩm. Tôi nghĩ, những thứ không phù hợp với mình, những chướng tai, gai mắt thì chỗ nào cũng có.

- Nghệ sĩ nước ngoài hát tiếng Việt với giọng lơ lớ nghe thấy không thể thích và không thể thấy hay, anh nghĩ gì về việc nhiều thí sinh của các cuộc thi hát, sử dụng ca khúc tiếng Anh đi thi mà anh nghe thấy buồn cười?

- Biểu diễn như thế, người nghe sẽ không hiểu nghĩa của ca khúc, như vậy là lỗi, thể hiện không hoàn chỉnh bài hát. Vì thế, họ chỉ hát để nhau nghe cho sướng tai, không cần dịch thì nghe tinh thần thôi.

- Làm show, anh từng nghĩ đến chuyện sẽ có lúc mình đu dây mạo hiểm, diễn trò trên sân khấu như ai đó chưa?

- Xu hướng tạp kỹ trong âm nhạc đang nhiều dần lên đó! Chiêu trò mà tạo được hiệu ứng cho âm nhạc của mình tôi sẽ làm ngay. Những chiêu trò cũng phải được đầu tư về thời gian, chất xám. Hiện tại, tôi chưa thấy mình cần phải dùng đến chiêu trò, đạo cụ quá nhiều, mà chỉ chú trọng vào giọng hát, âm thanh, ánh sáng, thiên về yếu tố nghe nhiều hơn.

- Anh từng học múa đương đại, đến lúc nào anh sử dụng nó trong show của mình?

- Đó là dự án sau này tôi sẽ thực hiện, giờ thì chưa nghĩ tới.

- Từng ngồi HĐNT, anh có thấy các ngôi sao của vài cuộc thi gần đây nổi lên bằng hiệu ứng truyền thông nhiều hơn là tài năng không?

- Tôi nghĩ đó là điều không nên vui. Sự nở rộ của chiêu trò trong game show, chương trình truyền hình thực tế, và khán giả thích xem những gì thực tế nhưng khi xem, tôi lại thấy chẳng thực tế tý nào. Họ đang diễn. Đứng trước ống kính, họ không thể như đời thường được. Từ sự diễn ấy mà khán giả nghĩ là thật thì quả là nguy hiểm. Quá nhiều chương trình truyền hình thực tế kiểu như hiện nay, có thể khiến nghệ thuật thụt lùi.

- Nhân nói đến chuyện thi cử, anh thấy việc hai ca sĩ đứng trên sân khấu để cùng gào thét, chứng tỏ mình, giành vị trí độc tôn thì thế nào?

- Như thế thật phũ phàng. Song ca phải nâng nhau lên. Kể cả Diva trên thế giới có trưng trổ cũng nâng nhau lên để cùng tỏa sáng. Nếu ý thức được điều này sẽ có những màn song ca ăn ý. Nếu song ca cứ phải thể hiện, gào to hơn người khác, để họ lép hơn mình thì rất phi nghệ thuật.

- Như vậy, người xem thật thiệt thòi!

- Đúng rồi. Người ta thấy nghệ sĩ hát ở tâm thế đó rất đáng thương. Và họ sẽ nhìn thấy sự cãi nhau. Hát song ca là phải có đối trọng, phô diễn mà không gắn gượng để át nhau.