Khảo sát trên Kitco News Gold Survey, trong số 33 người tham gia, có 28 người trả lời trong tuần này. Trong số 28 người tham gia trả lời, 12 đoán giá vàng tăng (tương đương 42,8%), trong khi có 9 người dự đoán giá giảm (32,1%), và 7 người cho ý kiến trung lập (25%).
Tham gia khảo sát vẫn bao gồm giới kinh doanh vàng, ngân hàng đầu tư, các nhà quản lý quỹ và các nhà phân tích kỹ thuật.
Những người dự đoán giá tăng cho rằng, lực bán diễn ra quá lớn ở tuần này và thị trường có thể sẽ giữ mức hỗ trợ và đi lên.
Phiên giao dịch cuối tuần này, giá vàng đã nhích tăng 0,2% lên 1.568,7 USD/ounce, sau khi có mức giảm mạnh 1.563 USD/ounce ở phiên trước đó.
Reuter cũng đưa ra nhận định của ông Bayram Dincer, nhà phân tích của LGT Capital Management, các nhà đầu tư sẽ còn quan tâm tới vàng chừng nào giá vàng có thể giữ vùng hỗ trợ 1.530 USD/ounce.
Những người đoán giá giảm đã đưa ra rằng, sức mạnh của đồng đô la Mỹ đang gây áp lực cho giá vàng. Trong ngắn hạn, triển vọng cho giá vàng vẫn rất tiêu cực. Giá vàng có thể tái lập mức thấp hồi tháng 5 trong khu vực 1.520 USD/ounce, đặc biệt là nếu chỉ số đồng USD tiếp tục tăng.
Thị trường vàng trong nước tính đến cuối ngày thứ 7 vừa qua tiếp tục giao dịch quanh mốc 41 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Hà Nội, vàng SJC có mức 41,75 – 41,85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Trong khi đó, tại thị trường Tp. HCM vàng SJC có giá thấp hơn ở mức 41,68 – 41,83 triệu đồng/lượng.
Vàng SBJ của Sacombank có giá 41,76 – 41,83 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).Vàng miếng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu có mức mua vào – bán ra khoảng 40,5 - 40,8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước hiện được điều chỉnh khá chậm chạp so với sự biến động của vàng thế giới. Dù dã điều chỉnh giảm nhưng tính quy đổi theo tỷ giá tại các ngân hàng thương mại, hiện giá vàng trong nước vẫn đắt hơn so với vàng thế giới khoảng gần 2 triệu đồng/lượng.