Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn do trò chơi gặp sự cố. Ngày 4/4/2014, 12 em học sinh đang chơi trò “vũ trụ bay” tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ) đã “rơi tự do” xuống đất ở độ cao 2m. Mới đây, tối 28/9, hàng trăm người đến khu vui chơi tại Tổ hợp giải trí lưu động Max Carnival của Công ty cổ phần đầu tư giải trí Thỏ trắng, gần Bảo tàng Thư viện tỉnh Quảng Ninh, đã kinh hoàng chứng kiến một cabin của trò chơi đu quay chở 3 bố con bất ngờ văng ra ngoài rơi xuống đất.
Những vụ việc trên cho thấy tình trạng báo động về độ an toàn của các trò chơi. PV giới thiệu các quy định của pháp luật buộc một số các trò chơi phải tuân thủ kiểm định an toàn tại công viên, các điểm giải trí qua cuộc trò chuyện cùng Thạc luật Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam).
* Thưa ông, những trò chơi nào tại các điểm vui chơi, giải trí phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn?
- “Trò chơi mang theo người lên cao từ 2m trở lên, tốc độ di chuyển của người từ 3m/s so với sàn cố định (tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt) trừ các phương tiện thi đấu thể thao” thuộc danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (ATLĐ) được ban hành tại Thông tư 05/2014/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
* Dấu hiệu để người chơi nhận biết các các thiết bị trò chơi đu quay, tàu lượn cao tốc, máng trượt đã đạt yêu cầu kỹ thuật kiểm định?
- Dấu hiệu dễ nhận biết các trò chơi trên đã đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn là tem kiểm định phải được dán tại các thiết bị trò chơi. Theo quy định tại các quy trình kiểm định thì khi kết quả kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật an toàn, kiểm định viên sẽ dán tem kiểm định cho đu quay, tàu lượn cao tốc, hệ thống máng trượt. Tem kiểm định được dán ở vị trí dễ quan sát.
* Trách nhiệm khi đưa vào sử dụng các trò chơi thuộc danh mục yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn?
- Điều 23 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình và cá nhân sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ có trách nhiệm:
1. Ký hợp đồng với tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ để kiểm định lần đầu trước khi đưa vào sử dụng hoặc kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ;
2. Khai báo trước khi đưa vào sử dụng, báo cáo việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ với cơ quan có thẩm quyền”.
* Tổ chức nào có quyền kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các trò chơi thuộc danh mục yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn?
- Căn cứ quy định tại Nghị định 45/2013/ NĐ-CP thì tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ. Đối với tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ các loại trò chơi thuộc danh mục yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thì thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ thuộc Bộ LĐ- TB&XH.
* Quy trình kiểm định đu quay, tàu lượn cao tốc, máng trượt thuộc danh mục yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn?
- Quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đu quay, tàu lượn cao tốc, máng trượt được ban hành kèm theo Thông tư 07/2014/TT-BLĐTBXH. Tóm tắt các buớc kiểm tra gồm:
- Bước 1: Kiểm tra hồ sơ, lý lịch thiết bị:
Lý lịch, hồ sơ của đu quay: Các chỉ tiêu về kim loại chế tạo, kim loại hàn; Tính toán sức bền các bộ phận chịu lực; Bản vẽ cấu tạo ghi đủ các kích thước chính; Hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng sửa chữa.
Hồ sơ xuất xưởng của đu quay: Các chứng chỉ về kim loại chế tạo, kim loại hàn; Kết quả kiểm tra chất lượng mối hàn; Biên bản nghiệm thử xuất xưởng; Giấy chứng nhận hợp quy do tổ chức được chỉ định cấp theo quy định;
Các báo cáo kết quả, biên bản kiểm tra tiếp đất, chống sét, điện trở cách điện của động cơ, thiết bị bảo vệ (nếu có);
Hồ sơ kết cấu nền móng: Hồ sơ nghiệm thu phần móng (bản vẽ hoàn công và các kết quả thử nghiệm nếu có);
Hồ sơ lắp đặt: bản vẽ hoàn công, biên bản nghiệm thu kỹ thuật ...
- Bước 2: Tiến hành kiểm định:
Khi tiến hành kiểm định phải thực hiện theo trình tự sau:
Kiểm tra kỹ thuật bên ngoài: Kiểm tra phần kết cấu; Kiểm tra hệ dẫn động; Kiểm tra cabin; Kiểm tra nhà ga và hệ thống điện; Kiểm tra các hệ thống an toàn.
Kiểm tra kỹ thuật - Thử không tải: Cho thiết bị chạy thử không tải 3 vòng, kiểm tra các thông số và tính năng của thiết bị.
Thử vượt tải - Phương pháp thử: Tải trọng thử bằng 110% tải định mức. Tải thử phải có kích thước phù hợp, được định vị và kẹp chặt trên ghế ngồi. Tùy theo bố trí của các cabin, chọn chất tải thử để tạo sự lệch tải ngẫu nhiên trên cabin về cả 4 phía (lệch tải về phía trước, phía sau, bên trái, bên phải). Tại mỗi vị trí lệch tải cho thiết bị chạy thử 3 vòng để đánh giá, kiểm tra sự vận hành của hệ thống, chú ý kiểm tra kỹ các cơ cấu, bộ phận ở vị trí chịu lực bất lợi.
Kiểm tra thử cứu hộ: Cho hệ thống hoạt động ở 100% tải định mức ở các vị trí bất lợi nhất để các nhân viên cứu hộ thực hiện các biện pháp cứu hộ. Kiểm tra việc tháo gỡ các cơ cấu an toàn để đưa hành khách về nhà ga an toàn. Khi hệ thống có sử dụng máy phát điện dự phòng hoặc bình ắc quy để tháo gỡ các cơ cấu an toàn đưa khách về nhà ga, phải kiểm tra hoạt động của máy phát dự phòng và khả năng trữ điện của bình ắc quy và các biện pháp an toàn khác.
* Thời hạn kiểm định định kỳ đu quay, tàu luợn cao tốc và máng trượt?
- Thời hạn kiểm định định kỳ đu quay là 2 năm. Đối với đu quay sử dụng trên 8 năm, thời hạn kiểm định định kỳ là 1 năm; Thời hạn kiểm định định kỳ tàu lượn cao tốc là 3 năm. Đối với tàu lượn cao tốc sử dụng trên 6 năm thời hạn kiểm định định kỳ là 2 năm; Thời hạn kiểm định định kỳ hệ thống máng trượt là 1 năm.
Trường hợp nhà chế tạo hoặc yêu cầu của cơ sở về thời hạn kiểm định ngắn hơn thì thực hiện theo đề nghị của nhà chế tạo hoặc cơ sở.
* Xin cảm ơn ông!