Có lẽ vật vã chờ thi hành án tử hình là khủng khiếp nhất. Những người tù bị “biệt giam” (chân bị cùm) gần chục năm ròng, sáng nào họ cũng thảng thốt đứng tim nghe ngóng: Liệu hôm nay mình đã phải chết chưa?
Ai sẽ đi... tiên phong?
Trại giam chật chội, số bị án tử hình thậm chí đã tăng gấp đôi công suất chứa của trại. Những người chờ chết gào lên: Nếu cho tôi “đi” (thi hành án tử hình) thì cho đi luôn đi, sao cứ kéo dài khổ sở thế này? Có nữ tử tù còn phẫn uất hắt cả một bô nước xú uế trong nhà... vệ sinh về phía cán bộ. Giữa bức bối đó, thông tin về việc ngày 26/6/2013, vụ thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đầu tiên có thể sẽ được thi hành chính thức được công bố, khiến người ta xôn xao.
Chúng tôi trở lại khu vực Trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang - một “điểm nóng” khá tiêu biểu về số lượng tử tù bị “dồn toa” do... chưa có thuốc độc để tiêm. Nguyên nhân của việc Nghị định 82 chưa thể thi hành, đơn giản là chưa mua được thuốc độc để “kết liễu” sự sống của tử tù. Tuy nhiên, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định 47 vào ngày 13/5 để thay loại thuốc dùng để thi hành án tử hình bằng thuốc độc được sản xuất trong nước.
Và, “giờ G” đã điểm: Ngày 26/6/2013 Nghị định 47 có hiệu lực, sẽ chính thức thi hành án tử hình bằng thuốc độc. Nghe đồn, tử tù khét tiếng tàn ác từng gây kinh động báo giới và dư luận N.Đ.N. (chặt đầu người yêu cũ vào năm 2010) sẽ “tiên phong” với loại độc dược này.
Sẽ nhẹ nhàng hơn…
Thượng tá Hoàng Thế Vinh - Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh Bắc Giang - chỉ tay ra miếng đất bé xíu gần trại tạm giam, gần phòng làm việc của anh: Có thể cuối năm nay hoặc sang năm sau, nhà tiêm thuốc độc của chúng tôi mới được khởi công. Sắp tới, chắc là phải đem tử tù về Hà Nội “tiêm nhờ” thôi.
Cả nước có 5 nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc được xây xong tại các địa phương: Hà Nội, Sơn La, Nghệ An, Đắk Lắk, TP.HCM. Còn 15 “nhà” nữa sắp được xây, trong đó có “Bắc Giang chúng tôi”.
Thượng Tá Vinh bảo: Tiêm thuốc độc nó nhẹ nhàng hơn, người chết cũng êm, mà người làm nhiệm vụ như chúng tôi cũng thấy bớt căng thẳng, ám ảnh hơn. Lần đầu thi hành án tử hình - năm 1991, cả đêm tôi không tài nào ngủ được. Mẹ vợ tôi nghe tôi tâm sự, thì bảo: Con làm việc vì dân vì nước, tử tù - họ là kẻ có tội cần loại bỏ để xã hội tốt đẹp hơn - con đừng áy náy làm gì. Tôi bắn, rồi đi uống rượu.
“Có lần, không hiểu có tâm trạng gì không, mà trước buổi ra pháp trường làm nhiệm vụ, tôi đem 6 khẩu súng ra lau, lau mà quên không tháo đạn, để đến nỗi súng nổ bòm một cái, thủng lên trần nhà. Thủ trưởng của tôi chỉ nhẹ nhàng trách “phải cẩn thận chứ, chú Vinh”. Tôi áy náy mãi, chắc sếp lo tôi bị ám ảnh quá. Sau này, bộ về kiểm tra việc thi hành án tử hình của chúng tôi, phương pháp và kỹ thuật bắn của chúng tôi khoản nào cũng đạt “quán quân”, thủ trưởng mới nâng ly rượu bảo tôi: “Chắc là hôm đó chú cũng tâm trạng quá nhỉ?”.
Khu giam giữ tù Trại tạm giam Công an Bắc Giang.
Hoá ra ông biết cả, ai mà không “tâm trạng” được chứ. “Bắn phải chuẩn, 5 tay súng bắn một tử tù. Năm phát đạn phải chuẩn, phải chụm vào một vị trí trên ngực trái tử tù, giống như cách chúng ta chụm 5 đầu ngón tay giơ ra phía trước ấy. Khó nhất là phát súng nhân đạo, đồng đội của tôi có người bị mất ngủ mấy đêm liền. Bởi vì anh để súng gần quá, hay xa quá đều bị “văng” như thế, chỉ nên để cách thái dương tử tù 2cm thôi thì mới chuẩn. Có anh lính mới, láu cá lắm, phải làm nhiệm vụ, anh ta sợ ám ảnh nên cố tình không bắn vào tim tử tù (vị trí có dán cái băng dính để làm “cọc tiêu”), mà anh ta bắn vào chân tay họ, rồi tự nhủ “mình không hề giết người”.
Những ngày dài nhất đời người
Trung uý Nguyễn Văn Độ cùng 4 đồng chí khác (Trại tạm giam Công an Bắc Giang) vừa được bộ cho đi tập huấn tiêm thuốc độc thi hành án tử hình. Thiết bị nhập “nguyên chiếc” từ nước ngoài.
Độ cho hay: “Đội của chúng em sẽ có 5 người với 5 bước thực hiện để thi hành án tử hình, gồm: Dẫn tử tù vào, người pha thuốc, lấy ven (gắn ống truyền dẫn thuốc), người tiêm (điều khiển máy), người kiểm tra thuốc đã có công dụng chưa, tim ngừng đập chưa... Nếu tiêm rồi mà tử tù chưa chết thì sẽ tiêm thêm liều nữa và liều nữa (trường hợp này hầu như không thể xảy ra), giống như hình thức “phát súng nhân đạo” trước đây. Thuốc thì gồm 3 loại, mỗi loại một “xilanh”: Gây mê, liệt cơ bắp và hệ thần kinh, tim ngừng đập”.
Tại Trại giam Kế chúng tôi lại gặp các tử tù. Một người vừa được Chủ tịch nước ký ân xá, giảm án xuống tù chung thân, còn lại 26 tử tù nằm chờ... được “tiêm”. Họ nhao nhao: “Chúng tôi chán lắm rồi, “đi” thì đi luôn đi, cứ giữ mãi ở đây thì khổ lắm”.
Đó có lẽ cũng là lý do mà con số của ngành công an nêu rõ: Từ hồi bị ách tắc không thể thi hành án tử hình, việc “dồn toa” ức chế đã khiến một số người tự tử thành công. Tử tù Sỹ - một cán bộ ngành y ở Thái Nguyên, phạm tội buôn ma tuý, anh ta cùng với Ngọc - người tình của mình (người Quảng Uyên, Cao Bằng) nằm trong này đã gần chục năm. Phải nói là họ ước ao được... “tiêm” sớm. Họ oán hận, buồn bã cũng vì bị “biệt giam”, bị cùm chân ngồi một xó lâu quá với cảm giác đêm nào cũng nghĩ là trời sáng ra thì mình sẽ lìa xa cõi thế.
Ngọc vốn là cô gái nhan sắc nức tiếng, vào phòng chờ thi hành án tử hình với cái cùm sắt to đùng ở chân, mái tóc vẫn dài mượt, da trắng bóc sơn nữ Cao Bằng. Dăm bảy năm trôi qua, giờ Ngọc đã thành một người béo ục ịch, cáu bẳn, oán thán tất cả mọi người. Cô ta phá phách tiêu cực đến mức, bố đẻ xuống thăm cũng cáo “ốm” không thèm gặp.
Nghe nói, Ngọc đưa chồng từ Cao Bằng về chỗ Sỹ công tác (bấy giờ Sỹ là bác sĩ) để cai nghiện, thế rồi Ngọc và Sỹ cặp kè với nhau, rủ nhau thành cặp đôi buôn ma tuý. Ngọc sắc sảo và đẹp nổi tiếng một thuở, đến mức vị thượng tá công an đi cùng tôi cứ xuýt xoa kể mãi về ký ức ngày Ngọc mới nhập trại.
Còn bây giờ, Đại tá Đức thở dài: Ngọc yêu sách đủ thứ. Thị bắt mua cái khăn tắm loại đẹp, khăn phải có hình hoa hồng, nếu không phải hoa hồng là vứt đi ngay. Khăn tắm thì tưởng là to mới thích, Ngọc thấy khăn to quá hoặc bé quá cũng gào lên ăn vạ. Thậm chí, Ngọc còn tích trữ chất thải trong buồng giam, đợi cán bộ quản giáo đi qua... hắt đánh ào một cái. Xú uế kinh khủng khắp cả khu vực.
Tử tù bất bình
Rồi một số tử tù nghĩ ra đủ trò để “liên lạc” với nhau, khiến cán bộ quản giáo mất ăn mất ngủ. Trại được bố trí 12 chỗ để giam tử tù, với cùm và chất lượng an toàn tiêu chuẩn cấp bộ; thế mà lúc cao điểm lên tới 27 đối tượng chờ “bị tiêm”, cán bộ trại đã phải xin phép cơi nới, cải tạo để phục vụ công tác giam giữ. Họ chỉ lo không đủ tiêu chuẩn an toàn thì... chết. Tử tù có thể “alô” với nhau thông qua hệ thống ống nước bằng nhựa khi nước không chảy. Có thể bện những sợi vải thành cái dây để chuyển “mật thư” từ buồng nọ qua buồng kia.
Tử tù tên là Vinh bị ho lao, phải có phương án bảo vệ đặc biệt, mang về Hà Nội điều trị. Bởi vì Vinh lẽ ra bị bắn từ năm 2005, nhưng trước giờ nổ súng, anh ta lại khai ra vài người quan trọng. Từ bấy đến nay, đã hơn 8 năm trôi qua, anh ta vẫn “điên cuồng” tức tối vì bị cùm, bị nhốt để chờ ngày... chết.
Tử tù khác có tên Ngọc (nam giới) lúc nào cũng gào khóc, rằng phòng có rệp, muỗi, đề nghị đổi phòng. Đêm nào anh ta cũng giặt chăn chiếu, áo quần phơi ra xung quanh chỗ mình bị cùm như người hoang tưởng.
Có tử tù khóc lóc ầm lên, kêu là anh ta bị tâm thần , đi bệnh viện thôi. Có tử tù chỉ đòi đọc một loại báo, số nào cán bộ cũng phải đi mua, mua muộn hơn so với ngày báo... phát hành thì chị ta la làng ăn vạ. Có tên chỉ thích ăn cơm với bột ngọt, nhưng mua loại nào hắn không thích là hắn kêu ca, khóc lóc rằng mình đang ăn hàng... dởm.
“Sơn nữ” Ngọc ma tuý còn ăn vạ suốt nhiều ngày, thị tuyệt thực đòi thay buồng giam, thay quản giáo, chỉ vì lý do bức bối quá, muốn thay đổi không khí cho bớt tủi sầu. Tử tù Nguyễn Duy Biên thì liên tục tự tử, vừa nhập buồng đã xé quần áo làm dây treo cổ. Cán bộ nghe đánh uỵch một cái, chạy vào thì anh ta nằm trên sàn, chưa chết do... dây đứt. Hôm sau, anh ta đâm đầu vào bờ tường hai lần liền. Anh ta lấy mắc quần áo đâm vào mạch máu. Hắn còn bảo: Tôi đã nuốt một cái kim trong ngực để chết (nhưng qua y tế kiểm tra không thấy)...