Quy định mới về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã được Chính phủ ban hành bằng Nghị định 86/2014/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2014. Ngoài việc giải thích rõ hơn các loại hình kinh doanh vận tải thì điểm mới nổi bật tại Nghị định này là quy định buộc phải gắn thiết bị hành trình trên phương tiện; lái xe phải được đơn vị kinh doanh vận tải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; đơn vị kinh doanh phải đáp ứng số lượng phương tiện tối thiểu để được cấp phép.
Các loại hình kinh doanh vận tải bằng ô tô
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định: Doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp Giấy phép, được đăng ký khai thác trên tuyến trong quy hoạch, được cơ quan quản lý tuyến chấp thuận. Tuyến vận tải cố định liên tỉnh có cự ly từ 300km trở lên phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 hoặc bến xe loại 5 thuộc địa bàn huyện nghèo.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt: được thực hiện trên tuyến cố định, theo biểu đồ chạy xe phù hợp với quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt. Tuyến xe buýt không được vượt quá phạm vi 2 tỉnh liền kề; trường hợp điểm đầu hoặc điểm cuối của tuyến xe buýt thuộc đô thị loại đặc biệt thì không vượt quá phạm vi 3 tỉnh.
Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi: có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền căn cứ vào km xe lăn bánh, thời gian chờ đợi. Xe có hộp đèn với chữ “TAXI” gắn cố định trên nóc xe. Từ 1/7/2016, xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn tính tiền trả cho khách.
Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng: là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê. Khi thực hiện theo hợp đồng, lái xe phải mang theo bản chính hoặc bản sao hợp đồng và danh sách khách có xác nhận của đơn vị (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới).
Từ 1/7/2015, đối với xe thiết kế từ 10 hành khách trở lên, trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép các thông tin cơ bản của chuyến đi bao gồm: Hành trình, số lượng khách, các điểm đón, trả khách, thời gian thực hiện hợp đồng. Xe vận chuyển khách theo hợp đồng không được đón, trả khách ngoài các địa điểm ghi trong hợp đồng.
Không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho khách dưới mọi hình thức.Kinh doanh vận tải khách du lịch: kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định, thực hiện theo chương trình du lịch và phải có hợp đồng vận tải khách du lịch giữa đơn vị vận tải và đơn vị du lịch. Các quy định tương tự như vận tải khách theo hợp đồng.
Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe taxi tải: là việc sử dụng xe ô tô có trọng tải từ 1,5 tấn trở xuống để vận chuyển hàng hóa và người thuê trả tiền cho lái xe theo đồng hồ tính tiền gắn trên xe. Mặt ngoài hai bên thành xe hoặc cánh cửa xe đề chữ “TAXI TẢI”, số điện thoại liên lạc, tên đơn vị kinh doanh.
Kinh doanh vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng: là sử dụng xe ô tô phù hợp để vận chuyển các loại hàng mà mỗi kiện hàng có kích thước hoặc trọng lượng vượt quá quy định nhưng không thể tháo rời; Khi vận chuyển, lái xe phải mang theo Giấy phép lưu hành.
Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm: là sử dụng xe ô tô để vận chuyển hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi vận chuyển có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức
khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm. Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ: là việc sử dụng xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc để vận chuyển công-ten-nơ.
Kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường: là hình thức kinh doanh vận tải hàng hóa ngoài các hình thức kinh doanh vận tải bằng xe taxi; vận tải hàng hoá siêu trường, siêu trọng; vận tải hàng hoá nguy hiểm và vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ.
Quy định đối với lái xe: Lái xe kinh doanh vận tải phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
- Không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề;
- Phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng hoặc con của chủ hộ kinh doanh);
- Phải được đơn vị kinh doanh vận tải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định;
- Phải được khám sức khỏe định kỳ và được cấp Giấy chứng nhận;
- Phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải.
Yêu cầu đối với xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách
theo tuyến cố định, xe taxi, xe buýt, xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe chở công - ten - nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô vận tải hàng hóa phải được gắn phù hiệu; xe ô tô kinh doanh vận tải khách du lịch phải được gắn biển hiệu;
- Xe ô tô phải được bảo dưỡng, sửa chữa và có sổ ghi chép theo dõi quá trình hoạt động;
- Trên xe phải được niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
- Xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông. Thiết bị giám sát hành trình của xe phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu:
Lưu giữ và truyền dẫn các thông tin; Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra khi có yêu cầu. Lộ trình lắp đặt thiết bị hành trình:
Đối với những loại xe chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi Nghị định
này có hiệu lực thì việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được thực hiện theo lộ trình sau đây:
a) Trước ngày 1/7/2015 đối với xe taxi, xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải;
b) Trước ngày 1/1/2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên;
c) Trước ngày 1/7/2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 - 10 tấn;
d) Trước ngày 1/1/2017 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 - dưới 7 tấn;
đ) Trước ngày 1/7/2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn.
Số lượng phương tiện tối thiểu để được cấp phép kinh doanh:
Doanh nghiệp, hợp tác xã muốn kinh doanh vận tải bằng ô tô phải đáp ứng quy định về số lượng phương tiện tối thiểu. Phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị hoặc quyền
sử dụng hợp pháp theo hợp đồng với tổ chức cho thuê tài chính hoặc tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản. Cụ thể:
- Vận tải hành khách theo tuyến cố định từ 300km trở lên: Từ 1/7/2016, với đơn vị có trụ sở đặt tại các TP trực thuộc TW: Từ 20 xe trở lên; với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: Từ 10 xe trở lên; riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo: Từ 5 xe trở lên.
- Vận tải hành khách bằng xe buýt: Từ 1/7/2016 (tương ứng 3 vùng như nêu trên), phải có số lượng phương tiện tối thiểu như sau: 20 xe trở lên; 10 xe trở lên; 5 xe trở lên.
- Vận tải hành khách theo hợp đồng trên hành trình có cự ly từ 300km trở lên: Từ 1/7/2016 (tương ứng 3 vùng như nêu trên), phải có số lượng phương tiện tối thiểu như sau: 10 xe trở lên; 5 xe trở lên; 3 xe trở lên.
- Vận tải hàng hoá: Từ ngày 1/7/2017, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô vận tải hàng hóa trên hành trình có cự ly từ 300km trở lên phải có số lượng phương tiện tối thiểu như sau: (tương ứng 3 vùng như nêu trên): Từ 10 xe trở lên; 5 xe trở lên; 3 xe trở lên.
- Vận tải hành khách bằng xe taxi: Từ ngày 1/1/2016, phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu 50 xe.