Theo Nghị định số 171/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, từ ngày 1/1/2015, thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe phát hiện các trường hợp chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô-tô không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định sẽ bị "phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân..., từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô-tô thực hiện hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự ôtô".
Theo quy định, ngay khi có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đó cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó để theo dõi. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Đồng thời, Nghị định 171 cũng giới hạn các trường hợp kiểm tra xử phạt theo hướng quy định việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm này chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và qua công tác đăng ký xe chứ không kiểm tra phương tiện đang lưu thông trên đường để tránh gây phiền hà cho người tham gia giao thông.
Ngoài ra, Nghị định số 171 cũng tiếp tục giao Bộ Công an, Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi các quy định liên quan đến thủ tục chuyển tên chủ phương tiện theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bao gồm cả thủ tục đăng ký sang tên xe tại cơ quan công an và thủ tục nộp lệ phí trước bạ tại cơ quan tài chính, quy định rõ đối tượng có trách nhiệm phải làm thủ tục đăng ký sang tên xe.
Như vậy, cùng với việc lệ phí trước bạ khi đăng ký từ lần thứ 2 trở đi đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi được giảm xuống còn 2% theo quy định tại Nghị định số 45/2011 và thủ tục đăng ký cho những phương tiện đã qua nhiều chủ được đơn giản hoá theo quy định của Bộ Công an tại Thông tư số 12/2013/TT-BCA, quy định lùi thời điểm xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP đã tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện có đủ thời gian để thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình trước khi Nhà nước áp dụng các hình thức xử lý vi phạm để bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm túc.
Bộ GTVT cho biết thêm, trong Nghị định 171 cũng quy định thêm một số hành vi bị xử phạt như: Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; người ngồi phía sau vòng tay qua người ngồi trước để điều khiển xe (trừ trường hợp chở trẻ em ngồi phía trước).
Bên cạnh đó, một số hành vi vi phạm cũng được mô tả chi tiết, cụ thể hơn, giúp cho việc xác định hành vi vi phạm được chính xác hơn. Điển hình là việc mô tả chi tiết từng hành vi vi phạm quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải như: “Không thực hiện việc cung cấp, cập nhật, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định”; “không đánh số thứ tự ghế ngồi trên xe ô tô chở hành khách”… thay vì quy định chung như trước đây.
Một số quy định được người dân đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến phản hồi là quy định về tạm giữ phương tiện, quy định về xử phạt hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe…cũng đã được sửa đổi để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế.
Theo Bộ GTVT, đối với quy định về việc tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt, thời gian tạm giữ đã giảm xuống còn đến 7 ngày (trước đây là đến 10 ngày), số lượng các trường hợp tạm giữ cũng giảm nhiều so với trước đây.
Nghị định mới chỉ quy định tạm giữ phương tiện đối với những vi phạm của người điều khiển có tính chất nguy hiểm, nếu để người vi phạm tiếp tục điều khiển phương tiện sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cao như: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ… Hoặc những vi phạm về điều kiện an toàn của phương tiện như điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe, điều khiển xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số), điều khiển xe ô tô không đủ hệ thống hãm hoặc có nhưng không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, điều khiển xe mà không có Giấy phép lái xe…