Thí sinh sẽ là người gánh chịu thiệt thòi khi các trường cố tình tuyển vượt năng lực đào tạo. Trong ảnh: học sinh đến tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 tại Cần Thơ - Ảnh: Minh Đức
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã yêu cầu các trường này phải tự soát, điều chỉnh theo đúng yêu cầu. Thế nhưng, chỉ một số ít trường điều chỉnh giảm... nhẹ, còn lại không ít trường bất chấp nhắc nhở, kiên quyết giữ chỉ tiêu đăng ký và... chờ nộp phạt.
“Đàm phán” với bộ
Nhiều trường vẫn chưa gửi chỉ tiêu Theo ông Nguyễn Văn Áng, quy định của bộ ghi rõ đến ngày 31-1 là hạn cuối cùng để các trường đăng ký chỉ tiêu lên Bộ GD-ĐT, nhưng hiện mới chỉ khoảng 300 trong tổng số hơn 400 trường ĐH, CĐ gửi chỉ tiêu dự kiến. |
Trước hội nghị, Trường ĐH Thương mại dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 là 4.800, trong đó 4.500 chỉ tiêu ĐH và 300 cho CĐ. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Đinh Văn Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại - cho hay trường quyết định điều chỉnh, giảm còn 4.500 chỉ tiêu. “Bộ đã gửi lại cho trường bản đăng ký và đánh dấu đỏ về số chỉ tiêu gợi ý trường thực hiện nên trường sẽ chấp hành” - ông Sơn cho biết.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, năm 2011 trường đã bị xử phạt hành chính vì tuyển sinh vượt chỉ tiêu đăng ký 899 SV (chiếm 24,3%), nhưng năm 2012 vẫn kiên quyết giữ chỉ tiêu đăng ký là 5.000 cho ĐH, CĐ chính quy. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, năm 2011 trường chỉ được bộ duyệt 2.500 chỉ tiêu. Thế nhưng, sau đó trường đã “xin” thêm hai lần để được duyệt trên 4.000 chỉ tiêu. Chưa thỏa mãn với con số này, trường vẫn kiên quyết tuyển đủ 5.000 SV theo đăng ký ban đầu, chấp nhận bị xử phạt hành chính vì vượt 899 chỉ tiêu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Vũ Văn Hóa - phó hiệu trưởng nhà trường - khẳng định: “Bộ muốn trường giảm chỉ tiêu để trừ số vượt của năm trước. Tuy nhiên, nếu đúng theo tinh thần của thông tư quy định về xác định chỉ tiêu, các trường tự chủ, tự tính toán, công việc của bộ là hậu kiểm. Chúng tôi sẵn sàng chờ hậu kiểm dù có thể sẽ bị phạt”. Theo ông Hóa, với 899 chỉ tiêu vượt năm trước, trường chỉ bị phạt hành chính hơn 60 triệu đồng. Ông Hóa cũng cho rằng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ không thể bị phạt khi hậu kiểm vì “số lượng 1.000 giảng viên của trường hiện đông nhất trong số các trường ngoài công lập, đông hơn cả nhiều trường công lập”.
Song cách tính của lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội là cộng gộp cả giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng. Thực tế, số lượng giảng viên cơ hữu của trường khoảng 600, chỉ đáp ứng giảng dạy cho 15.000 SV ĐH. Trong khi đó, thống kê của trường hiện có 16.000 SV ĐH kèm khoảng 1.800 SV CĐ. “Nếu phải giảm, trường giảm số chỉ tiêu nằm trong 700 chỉ tiêu CĐ. Tuy nhiên, hiện trường vẫn trong quá trình đàm phán với bộ” - ông Hóa khẳng định.
“Sẵn sàng chịu phạt”?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, khẳng định nếu xét đúng quy định về tiêu chí SV/giảng viên (trình độ ĐH là 25 SV/giảng viên, tỉ lệ tương ứng ở trình độ CĐ là 30 SV/giảng viên), có 94 trường (55 ĐH và 39 CĐ) đăng ký vượt chỉ tiêu so với năng lực. Trong đó, có đến chín trường ĐH đã gửi thông tin tuyển sinh về Bộ GD-ĐT trong tình trạng... “âm” chỉ tiêu, nghĩa là dù không tuyển sinh năm 2012 thì với số SV hiện có trường cũng không bảo đảm yêu cầu chất lượng theo thông tư về xác định chỉ tiêu Bộ GD-ĐT mới ban hành. Theo quy định, những trường này sẽ bị đình chỉ tuyển sinh. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn tiếp tục đăng ký chỉ tiêu rất cao.
“Thậm chí có trường “âm” hơn 10.000 chỉ tiêu nhưng vẫn cố đăng ký chỉ tiêu mới lên đến 3.000” - ông Áng nói. Chín trường ĐH có chỉ tiêu “âm” này cùng với 85 trường ĐH, CĐ khác đã đăng ký vượt chỉ tiêu sẽ phải tự rà soát để đăng ký lại chỉ tiêu với bộ. Các cơ sở đào tạo “âm” chỉ tiêu phải báo cáo bộ những biện pháp khắc phục, đề xuất các phương án bảo đảm chất lượng đào tạo năm 2012 và trong những năm tiếp theo để bộ xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
Năm 2012 bộ giao cho các trường tự chủ, chưa đến kỳ tuyển sinh đã phát hiện gần 100 trường đăng ký vượt chỉ tiêu. Với mức xử phạt hành chính đơn giản như hiện nay đã xuất hiện nhóm trường sẵn sàng vượt chỉ tiêu, lấy lợi nhuận đào tạo bù vào chi phí nộp phạt hành chính.
Khối A1 thi riêng Hôm qua (20-2), thường trực ban tuyển sinh Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp bàn thảo về những quy định, dự kiến cải tiến tuyển sinh áp dụng cho mùa tuyển sinh 2012. Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định năm 2012 khối A1 chắc chắn sẽ được tổ chức thành một khối thi riêng, cùng đợt với khối A, V với hai môn toán, lý chung đề với khối A và môn tiếng Anh theo đề thi riêng biệt, khác với khối D. Lý giải về quyết định này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng nếu thực hiện thi tuyển khối A1 theo cách tổ hợp các môn thi từ khối A và khối D sẽ không công bằng cho những thí sinh thi các khối khác: “Từ nay đến năm 2015, nếu có bổ sung những khối thi mới nữa thì chủ trương của bộ vẫn không tổ hợp các môn thi từ các khối thi cũ thành khối mới. Việc tổ hợp môn thi sẽ được tính đến trong phương án thi ĐH nhiều môn theo lộ trình cải tiến tuyển sinh sau năm 2015”. Về trường hợp ĐH Kiến trúc TP.HCM dự kiến tổ chức thi khối H1 (gồm ba môn toán, văn, vẽ) thay cho khối V (gồm ba môn toán, lý, vẽ), bộ đã trả lời chính thức là không áp dụng cho năm 2012. Nếu trường ĐH nào muốn bổ sung khối thi mới như cách ĐH Kiến trúc TP.HCM đề xuất thì phải lập ra được phương án tuyển sinh riêng, phù hợp, khả quan, được bộ đồng ý. Còn trường ĐH vẫn thi “ba chung” mà muốn bổ sung khối thi mới cho riêng trường mình sẽ không được chấp nhận. Ông Ga cho biết thêm cuối tuần này, những văn bản cải tiến tuyển sinh sẽ được trình ban cán sự Đảng của Bộ GD-ĐT xem xét, phê duyệt để áp dụng cho mùa tuyển sinh 2012. Chậm nhất sang tuần sau bộ sẽ quyết định cụ thể, sau đó sẽ có hướng dẫn chi tiết gửi đến các trường để triển khai cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ vào tháng 7-2012. |