Dù Bộ GD-ĐT đã can thiệp bằng nhiều biện pháp nhằm giúp các trường đại học ngoài công lập có thể nhận đủ thí sinh, nhưng kết thúc đợt 1 xét tuyển nguyện vọng bổ sung vừa qua, tình hình vẫn không được cải thiện.
Lác đác thí sinh đăng ký
Từ năm 2011 đến nay, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã đưa ra nhiều kiến nghị với mong muốn Bộ GD-ĐT có biện pháp tháo gỡ tình hình khó khăn trong tuyển sinh. Bộ cũng đã nhiều lần điều chỉnh, sửa đổi quy chế tuyển sinh. Từ kéo dài thời gian xét tuyển đến không hạn chế số đợt tuyển sinh để các trường ngoài công lập có thêm cơ hội nhận được người học.
Đáng kể nhất, trước năm 2012, Quy chế tuyển sinh quy định điểm trúng tuyển các nguyện vọng sau phải cao hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 nhằm giữ vững chất lượng tuyển sinh đầu vào. Trước thực trạng các trường ngoài công lập gặp khó trong tuyển sinh, năm 2012, Bộ điều chỉnh quy chế bằng cách không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước, miễn không thấp hơn điểm sàn. Thế nhưng, sự thay đổi này vẫn không giúp được các trường ngoài công lập, ngược lại còn khiến thí sinh đổ dồn vào các trường công lập vì điểm xét tuyển của những trường này không cao. Các trường ngoài công lập, sau đó lại cho rằng đây là một trong những lý do khiến trường không nhận đủ người học so với chỉ tiêu. Thế là, năm 2013 Bộ GD-ĐT lại quay trở về quy chế cũ với quy định: “Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm đợt trước”.
Các trường ngoài công lập cũng cho rằng do nguồn tuyển không nhiều nên không có cơ hội nhận đủ thí sinh. Thế là năm nay Bộ GD-ĐT thay đổi cách thức xác định điểm sàn. Thay vì chỉ căn cứ vào chỉ tiêu như trước đây, điểm sàn năm nay thiết lập dựa chủ yếu vào phổ điểm (tổng điểm bình quân của các thí sinh). Chính vì thế, dù năm nay đề thi được xem là dễ hơn so với những năm trước và thí sinh làm bài thi cũng tốt hơn nhưng điểm sàn vẫn không thay đổi, thậm chí có khối còn thấp hơn năm trước. Do đó, số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên nhưng chưa trúng tuyển nguyện vọng 1, đủ điều kiện tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung lên tới 238.726, tăng hơn 100.000 so với năm 2012.
Dù thay đổi quy chế liên tục như vậy nhưng tình hình xét tuyển ở các trường ngoài công lập hiện nay vẫn không khả quan.
Ở phía bắc, trong khi các trường công lập ngập hồ sơ xét tuyển, số thí sinh đăng ký vượt 5 - 7 lần so với chỉ tiêu thì tình hình ở nhiều trường ĐH ngoài công lập ngược lại hoàn toàn.
Trường ĐH Lương Thế Vinh chỉ nhận được vài chục bộ trong tổng số 1.000 chỉ tiêu. Trường ĐH Hòa Bình khoảng 140 hồ sơ với 600 chỉ tiêu. Trường ĐH Chu Văn An chỉ nhận được khoảng 50 hồ sơ dù đến 1.000 chỉ tiêu.
Tình trạng này cũng diễn ra ở phía nam. Trừ các trường ĐH như: Hoa Sen, Văn Lang, Ngoại ngữ - Tin học… nhận đủ thí sinh và kết thúc xét tuyển ngay trong đợt 1, hầu hết các trường ngoài công lập khác đều nhận được rất ít thí sinh, đang phập phồng đợi chờ may rủi ở các đợt xét tuyển kế tiếp.
GS-TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng, nhận xét: “Đợt xét tuyển này trường ngoài công lập nào cũng khó khăn”.
Phải có giải pháp căn cơ
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, cho rằng: “Phải chờ xem một thời gian nữa. Thông thường thí sinh chọn các trường công lập rồi mới đến các trường ngoài công lập”. Cùng quan điểm, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Phó chủ tịch hiệp hội, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho biết phải chờ hết thời gian xét tuyển (vào cuối tháng 10) mới xác định được tình hình tuyển sinh của các trường năm nay. Tuy nhiên, theo ông Tùng, chính sách chỉ nhắm vào tuyển sinh cũng chưa thể giải quyết được vấn đề của các trường ngoài công lập, mà phải giải quyết được sự bất bình đẳng quá lớn giữa hệ thống trường công và ngoài công lập. “Trường công lập được nhà nước đầu tư, có tiếng tăm, quan niệm xã hội trọng vọng, lại thêm thỉnh thoảng có thông tin có nơi không nhận sinh viên tốt nghiệp từ các trường này… khiến thí sinh chủ yếu nộp đơn vào các trường công lập”, ông Tùng nói.
Thêm nữa, ông Tùng nhấn mạnh nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập. “Hiện nay, các trường công lập chiếm đến 86% chỉ tiêu tuyển sinh. Cần phải cắt bớt chỉ tiêu này để tăng cho các trường ngoài công lập lên 20 - 30%”, ông Tùng đề xuất. Ông Tùng cho biết thêm ở các nước, chỉ tiêu trường ngoài công lập chiếm đến 50 - 60%.
Ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp tốt nhất là nâng cao chất lượng. Đó là lý do dù hàng loạt trường ngoài công lập hiện gặp khó khăn trong tuyển sinh nhưng những trường uy tín và chất lượng của khối này vẫn có được người học. Trong một dịp trả lời Báo Thanh Niên về khó khăn của các trường ngoài công lập, TS Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, nhấn mạnh: “Làm sao để vượt qua khó khăn, theo tôi chỉ có một câu trả lời: Chăm lo cho chất lượng. Phải đi lên bằng chất lượng và uy tín, nghĩa là nói sao làm vậy”.