Càng già càng... "hot"!
Trường hợp đầu tiên phải nhắc đến là cây chuyền 2 kỳ cựu Phạm Minh Dũng. Giới trong nghề đều biết, cầu thủ này đã nghỉ thi đấu và chuyển qua huấn luyện tuyến trẻ cho Thể Công từ năm 2010. Thế mà trong lúc khó khăn chưa tìm được người và Minh Dũng cũng “cần việc”, Sacombank Biên phòng đưa anh về đầu quân để rồi Dũng trở thành nhân tố quan trọng đưa đội bóng biên phòng lần thứ 2 vô địch quốc gia.
Chính sự đột biến phong độ tốt vậy, Minh Dũng còn nằm trong danh sách chuẩn bị SEA Games 26. Chưa hết, ở mùa bóng này, lãnh đạo CLB Thể Công Binh đoàn 15 để gương mặt trẻ Vũ Hồng Quân ra đi và một mực yêu cầu Minh Dũng trở lại đội thi đấu. Nên biết, cầu thủ này năm nay cũng đã… 35 xuân xanh!
Nếu đội bóng nào cũng xây dựng được lực lượng kế cận tốt như Thông tin LVPB, bóng chuyền Việt Nam đã khác nhiều rồi… Ảnh: Nhật Anh
Gương mặt kỳ cựu Lê Hồng Huy (sinh năm 1973) luôn có 1 suất chính thức trong đội hình Sanest Khánh Hòa. Thậm chí, đội bóng phố biển cũng chẳng ngại chuyển nhượng Trần Phước Đạt trẻ hơn cho đội Maseco TPHCM để giữ lại Hồng Huy.
Năm ngoái, Đức Long Gia Lai ngoài chuyện gây sốc ở việc đưa cặp song sát Hữu Hà - Wanchai về thi đấu ở hạng A, họ cũng tạo đột biến khi dùng lại 2 cựu cầu thủ Thể Công đã “nghỉ hưu” là Thái Anh Văn và Phạm Văn Thành. Năm nay, dù vắng Thái Anh Văn nhưng phụ công Văn Thành vẫn còn và đủ sức quần thảo với các đàn em.
Mới đây, Maseco TPHCM cũng lấy về Thanh Tùng từ Long An vào lúc cây chuyền 2 này ngoài tuổi băm và đặt niềm tin vào kinh nghiệm dày dạn của anh. Còn với Tràng An Ninh Bình, chưa khi nào họ thôi dùng Bùi Trung Thảo bởi dù đã nhiều tuổi, nhưng Thảo là thủ lĩnh tinh thần và có tiếng nói đáng kể đối với đồng đội.
Các đội bóng nữ hiện nay cũng tranh giành những cầu thủ luống tuổi. Chuyền 2 Đào Thu Phương (sinh năm 1977), ngay khi xin rời khỏi Thái Bình thì lập tức được Xây lắp Dầu khí Thái Bình Dương mời về. Trước đó, chuyền 2 Đặng Thị Hồng đã bôn ba qua khá nhiều đội bóng trước khi nghỉ hẳn để làm công tác huấn luyện trẻ. Năm nay, khi đã bước qua tuổi 30, Phạm Kim Huệ cũng là hàng “hot” trên thị trường chuyển nhượng.
Ngay khi cập bến CLB nữ Hà Nội, cựu phụ công của Thông tin lập tức được Ngân hàng Công thương đánh tiếng thuê thời vụ. Tất nhiên, khi chưa đàn em nào còn bắt kịp thì cô cũng chấp nhận thi đấu thêm vài mùa ở giải VĐQG. Lịch sử từng ghi nhận Hà Thu Dậu chơi bóng tới năm 40 tuổi, nhưng xem ra trong tương lai gần trường hợp như đàn chị này sẽ không còn hiếm.
Cấp cứu đào tạo trẻ!
Thật ra, nêu những trường hợp điển hình ấy để thấy lứa trẻ của bóng chuyền Việt Nam đang ngày càng nghèo nàn. Hay chính xác hơn, khâu đào tạo trẻ của các đội bóng đang rất yếu. Cái cớ rằng có tay đập ngoại làm nhiều đội lơ là đào tạo trẻ mà chỉ chạy đua thuê-mượn để đạt thành tích ngay cũng chỉ đúng một phần. Sự thật thì, dàn trẻ mới lên cũng không có nhiều cầu thủ tạo được chỗ đứng.
Các gương mặt kỳ cựu như Nguyễn Hữu Hà (9) vẫn phải gồng mình thi đấu vì lứa kế cận quá nghèo nàn. Ảnh: Dũng Phương
Minh chứng rõ nhất chính là Trung tâm Thể Công. Họ từng là nơi cho ra lò cũng như cung cấp rất nhiều cầu thủ tốt cho ĐTQG và bản thân đội 1 của trung tâm. Vậy nhưng, khi lứa Duy Quang, Văn Thành, Anh Văn, Minh Dũng… đã nghỉ hoặc chơi theo kinh nghiệm thì lứa kế cận chẳng có ai nổi trội. Mới nhất là phụ công Phạm Thái Hưng (người duy nhất của Thể Công ở ĐTQG tại SEA Games 26) và có chăng thêm chủ công Hoàng Văn Phương cùng Nguyễn Duy Khánh.
Tại buổi gặp mặt báo giới trước Tết, lãnh đạo VFV đã nói về đề án sẽ cử 9 hoặc nhiều hơn số cầu thủ trẻ trình độ tốt (được gom lại từ các đội bóng) để đào tạo dài hạn tại CHDCND Triều Tiên. Nghe qua thì mừng, nhưng hỏi kỹ lại, người trong giới huấn luyện té ngửa vì chưa hề nghe đến kế hoạch ấy.
Đào tạo trẻ được như thời của Bộ Tư lệnh Thông tin, nam Long An, nữ VTV Bình Điền Long An hay Thể Công trước đây thì bóng chuyền Việt Nam mới có đà phát triển. Còn như hiện tại, khi mà nhiều đội bóng buông lỏng đào tạo năng khiếu, bóng chuyền Việt Nam chẳng mấy chốc sẽ rơi vào hoàn cảnh nghèo nàn lực lượng kế cận mất thôi.
Vòng 1 bắt đầu khởi tranh từ ngày 16 tới 23-3 tại Nhà thi đấu than Núi Béo (Quảng Ninh, bảng A) và Nhà thi đấu tỉnh Hải Dương (bảng B). Ngày khai mạc sẽ diễn ra các trận Truyền hình Vĩnh Long-Quảng Ninh (nữ); Quân khu 9-Quân đoàn 4 (nam) tại bảng A và Công an Phú Thọ-Sanest Khánh Hòa (nam); Cao su Phú Riềng-Lilama 69-3 Hải Dương ở bảng B. |