Vẫn là hình ảnh ông trăng tròn cùng sự tích về chị Hằng, chú Cuội nhưng tưởng tượng của trẻ em thời nay về Tết Trung thu đã khác nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những ngôi làng, những nghệ nhân ngày đêm miệt mài giữ lấy nghề truyền thống, cũng là lưu giữ ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ người Việt. Và nếu trung thu này muốn tự tay làm đèn ông sao, vẽ mặt giấy bồi, các gia đình có thể tìm tới những địa chỉ sau đây.
"Thủ phủ" làm đèn ông sao lớn nhất miền Bắc
Nếu như mỗi dịp Tết về, làng Báo Đáp ở Nam Định ngập trong những sắc màu rực rỡ của hoa lụa thì cận kề rằm tháng Tám, nơi đây lại rộn ràng không khí làm đèn ông sao. Nghề làm món đồ chơi truyền thống ở ngôi làng này đã có từ rất lâu đời, được truyền qua nhiều thế hệ.
Tới đây, du khách có thể ghé vào bất cứ căn nhà nào để tận mắt xem các nghệ nhân với đôi bàn tay khéo léo đang buộc nối, tạo hình hay trang trí cho chiếc đèn ông sao bằng giấy bóng kính nhiều màu. Theo tiết lộ của một người dân bản địa, hiện nay, các nhà còn giữ nghề làm đèn truyền thống này chủ yếu tập trung ở xóm 7 và xóm 8.
Hoặc trong mùa trung thu năm nay, có một nhóm nhiếp ảnh gia trẻ đã phục dựng bối cảnh của một căn nhà cổ trong làng, đưa du khách trở về những năm 90, tới đây để học làm đèn ông sao và check in với vô vàn những chiếc đèn lấp lánh.
Ảnh chụp màn hình: TikTok Hải Đi Đâu
Địa chỉ: Làng Báp Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Học làm đèn ông sao miễn phí ở làng cổ Đường Lâm
Ngôi làng hơn 400 năm tuổi là một địa chỉ quen thuộc với những du khách đam mê tìm về những nét thân thương của làng quê Bắc Bộ xưa. Hiện nay, ở Đường Lâm có nhiều nghề truyền thống, hoạt động văn hóa, đã và đang được gìn giữ.
Và mỗi cuối tuần, từ nay đến rằm tháng Tám âm lịch, tại đây sẽ có những buổi làm đồ chơi trung thu từ mây tre đan, như đèn ông sao. Đích thân các nghệ nhân sẽ cầm tay chỉ việc để làm ra những chiếc đèn tuổi thơ và tặng miễn phí cho các em nhỏ.
Ảnh: Nghề Làng
Địa chỉ: Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Nghệ nhân mang nghề truyền thống lên thủ đô
Ngoài đèn ông sao, mặt nạ cũng là một món đồ chơi dân gian không thể thiếu trong dịp Trung thu. Có một ngôi làng với cái tên rất lạ Ông Hảo, thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, nổi tiếng với nghề làm mặt nạ giấy bồi. Từ những nguyên liệu đơn giản như tre, nứa, thậm chí là cả giấy phế liệu, đã được những người thợ thủ công "phù phép", tạo thành những chiếc mặt nạ thỏ ngọc, đầu rồng, đầu lân hay chú cuội, bắt mắt.
Nếu không thể di chuyển tới ngôi làng cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 60km này, thì vào ngày 16/9 tới đây, các gia đình cũng có thể đưa con nhỏ tới một địa chỉ, ngay trong phố cổ Hà Nội. Tại đây, nghệ nhân của làng làm mặt nạ Ông Hảo sẽ xuất hiện, kể chuyện và trực tiếp hướng dẫn để hoàn thiện một chiếc mặt nạ giấy bồi thủ công. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ của dự án Trường làng trong phố, do nhóm các bạn trẻ thực hiện, với mong muốn phát triển, đưa nghề làng truyền thống đến gần hơn với cuộc sống ngày nay.
Ảnh: Làng nghề Ông Hảo, Trường làng trong phố.
Địa chỉ trải nghiệm ngày : Đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội.