Global Times hôm qua cho hay, tác giả của cuốn sách trên là những chuyên gia hàng hải thuộc Viện Các Vấn đề Hàng hải Trung Quốc, Học viện Luật - Đại học Thanh Hoa và Hiệp hội Luật Quốc tế.
Đây là cuốn sách đầu tiên về đường chín đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra để yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, trong đó trình bày những dữ liệu được Bắc Kinh xem là "lịch sử và cơ sở pháp lý" của đường này.
Các tác giả ngang nhiên cho rằng đường chín đoạn là "đường có tính lịch sử về các quyền hàng hải" của Trung Quốc, trong đó có "quyền với các đảo trên Biển Đông và quyền đánh bắt, khai thác khoáng sản" trong phạm vi trên.
Đường chín đoạn hay "đường lưỡi bò" là khái niệm được Trung Quốc đưa ra nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Yêu sách này của Trung Quốc bị các nước có liên quan, trong đó có Việt Nam và Philippines, cực lực phản đối.
Tuy nhiên, Gao Zhiguo, một trong các tác giả của cuốn sách trên, vẫn ngang nhiên bịa đặt rằng năm 2014 "kỷ niệm 100 năm ngày công bố đường chín đoạn" và biện bạch đây là "cơ sở pháp lý quan trọng" để Trung Quốc bảo vệ "các quyền hàng hải" của nước này.
Hồi cuối tháng 6, Bắc Kinh từng vấp phải sự chỉ trích gay gắt của thế giới khi phát hành bản đồ dọc với "đường 10 đoạn". Trong bản đồ, phạm vi mà Trung Quốc gọi là "chủ quyền" của mình mở rộng ra khắp Biển Đông, kéo dài đến tận bờ biển của Malaysia và Philippines theo hình lưỡi bò.
Việt Nam khẳng định "đường lưỡi bò" của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông. Yêu sách "đường lưỡi bò" của Bắc Kinh là không có cơ sở pháp lý, cơ sở lịch sử và vô giá trị.