“Nếu tham gia nhóm hẹn hò đến Việt Nam, chúng tôi sẽ cung cấp ít nhất 300 phụ nữ địa phương để lựa chọn” - nhiều trung tâm môi giới cô dâu Việt trực tuyến đon đả chào mời. Hay những lời quảng cáo của một vài tour du lịch đến Việt Nam để kiếm vợ: “Chúng tôi sẽ đưa bạn đến Việt Nam để tìm thấy tình yêu đích thực”, “Hãy đến Việt Nam vì cô gái không mê xe hơi và nhà cửa”.
Trang web 55tuan.com thậm chí còn đưa ra chương trình rút thăm may mắn kéo dài đến ngày 13/11 cho đàn ông độc thân Trung Quốc. Nếu họ chọn một cô dâu Việt Nam, phần thưởng là hoàn lại tiền vé khứ hồi cho người chiến thắng.
Theo giới chức Trung Quốc, cô dâu Việt Nam được giới thanh niên có thu nhập thấp ở nước này nhắm đến. Thời báo Bắc Kinh lý giải phụ nữ Việt Nam “ít đòi hỏi và biết vâng lời” hơn phụ nữ bản xứ. Tuy nhiên, Giám đốc Văn phòng Chống buôn người của Bộ Công an Trung Quốc Trần Thạch Cừ nhấn mạnh con người không phải là món hàng để giao dịch, kinh doanh nên tệ nạn nói trên không khác gì hành vi bắt cóc và hôn nhân giả mạo.
Thực tế, những “giao dịch” kể trên thường tiềm ẩn rủi ro vì phần lớn liên quan đến chuyện buôn người. Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh dẫn câu chuyện về một cư dân gốc Bắc Kinh họ Hà. Ông này đã dành 70.000 nhân dân tệ (khoảng 11.494 USD) cho 2 cô dâu Việt. Sau khi nộp 30.000 nhân dân tệ cho trung tâm môi giới, ông Hà đã đến Việt Nam. Tuy nhiên sau một thời gian dài chờ đợi, cô dâu tương lai chẳng thấy đâu mà ông Hà còn bị công ty sa thải vì ở lại Việt Nam quá lâu. Người đàn ông này chỉ còn biết uất ức tố cáo bị “các trung tâm môi giới hôn nhân gài bẫy”.