Trả lời phỏng vấn đài NHK (Nhật Bản) ngày 11/5, ông Lê Hà cho biết Việt Nam kỳ vọng sẽ không bao giờ có xung đột vũ trang với Trung Quốc ở biển Đông và sẽ tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh đưa giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.
Ngoài ra, đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển VN, ngày 11./5 cho biết cảnh sát biển VN đang làm nhiệm vụ chấp pháp tại vùng biển nơi Trung Quốc đang hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trái phép đã phát hiện 2 tốp máy bay quân sự của Trung Quốc bay phía trên các tàu của Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của ta với độ cao khoảng 800 - 1.000 m.
Trong đó, có một tốp máy bay tiêm kích của Trung Quốc và một máy bay cánh bằng, mang số hiệu 9401, bay lượn phía trên tàu Cảnh sát biển 8003 của Việt Nam.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Myanmar ngày 11/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu chi tiết vụ việc: “Từ ngày 1/5/2014 Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.
“Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Mới đây, tờ Minh Báo, một tờ báo tiếng Trung có tiếng ở Hồng Kông, cho hay Nhật Bản có thể đang hướng tới việc thành lập khối đồng minh với Việt Nam và Philippines nhằm phản đối những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ phi lý của Trung Quốc.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG